Công ty sở hữu ứng dụng mang tên "Animoji" đã kiện Apple vì sử dụng trùng tên gọi cho tính năng đóng vai trò "cốt lõi" trên dòng sản phẩm iPhone X còn chưa được chính thức bán trên thị trường.
Cứ mỗi dòng iPhone khi được ra mắt, Apple đều mang đến một tính năng khác biệt, đóng vai trò "nhận diện" so với các thế hệ tiền nhiệm. Đó là cảm biến vân tay lần đầu có trên iPhone 5S, là màn hình lớn của iPhone 6, tính năng ảnh động Live Photo trên iPhone 6S. Chiếc iPhone X cũng không phải ngoại lệ, khi Apple đã dành riêng cho nó một tính năng độc đáo là Animoji - bộ sưu tập biểu tượng "dễ thương" có khả năng chuyển động dựa trên nét mặt người dùng.
Tính năng độc đáo cho phép "copy" biểu cảm khuôn mặt người dùng mang tên Animoji trên iPhone X.
Tuy nhiên mới đây Emonster - một công ty có trụ sở tại Nhật Bản đã bất ngờ đưa đơn kiện Apple vì sử dụng trùng tên gọi với ứng dụng của hãng, cũng tên là Animoji và thậm chí đang có mặt trên cửa hàng App Store. "Apple đã đưa ra quyết định có ý thức nhằm chiếm lấy tên gọi cho tính năng của họ", đại diện của công ty tuyên bố. Được biết, CEO của Emonster, Enrique Bonasea cũng là một công dân người Mỹ nhưng hiện đang sống tại Nhật Bản.
Ứng dụng Animoji vốn do công ty Emonster sở hữu, đã khởi chạy vào năm 2014 trên cửa hàng App Store, cho phép người dùng gửi cho bạn bè các biểu tượng emoji hoạt hình chuyển động dưới dạng ảnh GIF. Ứng dụng này hiện có giá 0,99 USD trên iTunes.
Ứng dụng Animoji do Emonster sở hữu đã có trên cửa hàng iOS từ năm 2014.
Trong khi đó, tính năng cùng tên trên mẫu iPhone X của Apple lại cho phép người dùng "hóa thân" thành các nhân vật hoạt hình và tái hiện chuyển động thông qua cảm biến quét khuôn mặt người. Do vậy, đơn kiện của công ty Emonster được xác nhận là hợp pháp do cả 2 đều xây dựng trên nền tảng ảnh động hoạt hình.
Mặc dù Emonster đã sở hữu thương hiệu Animoji từ năm 2015, nhưng Apple cách đây ít lâu đã trình một lá đơn vào tháng 9/2017 để hủy quyền nhãn thương hiệu của hãng này. Apple cho biết vì một lỗi hồ sơ nên Emonster đã đăng ký thương hiệu dưới tên một doanh nghiệp không tồn tại, và qua đó không thể sở hữu Animoji.
Theo Dân Trí