Giải thích rõ hơn về việc sử dụng thảm thực vật để chống sạt - trượt - một phương pháp được nhắc đến trong chuyên đề “Ngăn mái đất chuyển mình thành quái vật” (báo Khoa học và Phát triển số 948), Phó Giáo sư - tiến sỹ Nguyễn Bá Kế - nguyên Viện trưởng Viện Khoa học công nghệ xây dựng, Bộ Xây dựng - cho biết: Mục đích của phương pháp ngăn sạt - trượt lở đất bằng thảm thực vật là kiểm soát nước mặt (nước mưa), không cho hoặc hạn chế tình trạng nước mặt chảy thành dòng. Thảm thực vật có tác dụng bảo vệ taluy nền đất, chống xói mòn bề mặt, kiểm soát việc trôi đất, ổn định chế độ thủy nhiệt, giữ độ ẩm cho đất.
Một trong các loại cỏ được sử dụng phổ biến là cỏ vetiver với thân cứng dạng tép, thẳng đứng, cao từ 1,2-1,8m, sinh trưởng theo dạng phát triển mầm con thành bụi. Cỏ này có rễ chùm, ăn sâu vào lòng đất, chiều dài từ 1,5-2m, tạo thành hệ lưới làm cốt có tác dụng liên kết các lớp đất và hạt đất. Sau khi được trồng từ 4-6 tháng, cỏ vetiver sẽ cải thiện các chỉ tiêu cơ lý hóa đất trồng một cách đáng kể, giữ các hạt đất không bị rửa trôi.
Việc sử dụng cỏ vetiver vuông góc với hướng dòng chảy sẽ giúp giảm vận tốc các tác nhân bào mòn bề mặt như nước, gió, hạn chế xói mòn, giữ đất bị rửa trôi lại phía trên hàng rào cỏ, ổn định chế độ thủy nhiệt, giữ ẩm, tạo điều kiện cho các loại thực vật khác phát triển phủ xanh toàn bộ mái dốc. Cỏ vetiver được áp dụng cho hầu hết các loại thổ nhưỡng nơi các loại cây cỏ khác sinh trưởng được.