Bằng việc sử dụng dung môi dimetyl ete lỏng, phương pháp của TS. Nguyễn Ngọc Hoàng (Đại học Bách Khoa Hà Nội) và cộng sự giúp tăng thêm tới 40% lượng dầu chiết xuất được so với phương pháp ép truyền thống, đồng thời lượng lycopen thu được cũng tăng từ 1,3-1,5 lần.
Theo nhóm nghiên cứu, từ trước đến nay, phương pháp tách chiết dầu gấc thông thường được áp dụng trong quy mô công nghiệp tại Việt Nam là phương pháp ép cơ học. Tuy nhiên, cách làm này có một nhược điểm đó là hiệu suất chiết xuất dầu gấc tương đối thấp, chỉ đạt khoảng 26-30%.
Không chỉ vậy, để ép dầu gấc theo cách truyền thống hoặc một số phương pháp khác, màng gấc lại đòi hỏi phải được sấy sơ bộ, dẫn đến tiêu tốn nhiều năng lượng, cũng như có nguy cơ làm giảm hàm lượng các chất có hoạt tính sinh học như lycopen hay beta-caroten.
Để khắc phục những hạn chế này, nhóm nghiên cứu của TS. Nguyễn Ngọc Hoàng nghĩ đến dimetyl ete lỏng - một hợp chất hữu cơ đã được công nhận là dung môi an toàn sử dụng trong thực phẩm tại Mỹ, châu Âu - để áp dụng vào chiết xuất dầu gấc trực tiếp từ màng gấc tươi.
“Đây là loại dung môi phân cực vừa, do đó, nó có thể trích ly đồng thời dầu và nước có trong màng gấc tươi mà không cần phải sấy khô màng gấc trước khi tách dầu như các phương pháp hiện hành”, nhóm nghiên cứu giải thích trong bản mô tả bằng độc quyền giải pháp hữu ích (số 2-0002644) mà họ vừa được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KH&CN) cấp trong tháng 6 vừa qua.
Theo đó, sau khi xay nhuyễn màng gấc, nhóm nghiên cứu trộn nguyên liệu này với chất trơ theo tỷ lệ từ 40-70%, rồi cho vào bình trích ly với dung môi dimetyl ete lỏng ở một mức nhiệt độ và áp suất phù hợp. Trong 3-5 tiếng, dung môi này sẽ hòa tàn đồng thời dầu, nước và các chất có hoạt tính sinh học khác như lycopen và beta-caroten. Do nước và dầu có khối lượng riêng rất khác nhau nên sau đó, người thực hiện có thể dễ dàng tách được nước ra khỏi dầu bằng phương pháp lắng tự nhiên hoặc bằng thiết bị ly tâm ở điều kiện nhiệt độ thường.
Khi thử nghiệm, kết quả cho thấy, phương pháp chiết xuất dầu bằng dung môi dimetyl ete lỏng cho lượng dầu tăng khoảng 40% so với phương pháp ép. Bên cạnh đó, chất lượng sản phẩm dầu cũng được nâng cao hơn khi hàm lượng lycopen trong sản phẩm cao gấp 1,3-1,5 lần so với phương pháp truyền thông.
Với phương pháp này, người áp dụng sẽ tiết kiệm được nhiều chi phí năng lượng không chỉ trong quá trình chuẩn bị (do không phải sấy màng gấc trước khi chiết), mà còn cả trong quá trình tách dung môi và thu hồi sản phẩm bởi dung môi cũng dễ dàng bay hơi ở nhiệt độ phòng.
Mỹ Hạnh