Theo TS Trương Mạnh Tiến, việc quan trắc chất lượng nước các hồ ở Hà Nội hiện chỉ được thực hiện định kỳ, chưa hồ nào có trạm quan trắc riêng.

Hình minh họa cấu tạo một thiết bị quan trắc nước thải tự động.
Ảnh: thietbiphantichnuoc.com

“Công ty nuôi trồng thủy sản của Hà Nội là đơn vị quản lý mặt hồ vẫn có những đợt kiểm tra chất lượng nước bằng mắt thường. Phía thông sang hồ Trúc Bạch có hệ thống xử lý nước, nhưng không hiệu quả kể cả về vận hành lẫn những vấn đề khác”.

TS Tiến cho rằng, nhân sự việc xảy ra ở hồ Tây, cần “cứu” tất cả hệ thống hồ, ao, kênh, rạch ở Hà Nội, kể cả hệ thống thoát nước như sông Tô Lịch, sông Sét… Hồ nào cấp bách thì giải quyết trước.

Ông Phan Văn Toàn - Công ty cổ phần đầu tư CM - cho biết, hiện đã có thiết bị quan trắc đo chỉ số ôxy hòa tan trong nước, amoni... trong nước và gửi báo cáo trực tuyến. Thiết bị này đã được lắp ở các trạm xử lý nước thải tập trung, giá 400-500 triệu đồng. “Với diện tích rộng như hồ Tây, cần khoảng 10 đầu đo (thường mỗi máy một đầu đo). Tổng chi phí khoảng 800 triệu đồng” - ông Toản tính toán.

TS Bùi Quang Tề cho rằng: “Nên lắp đặt hệ thống quan trắc môi trường nước. Muốn hồ Tây trở thành hồ điều hòa nhiệt độ thì phải có hệ thống này. Khi lắp đặt, phải có các chuyên gia phân tích để nắm được tình hình khi nào thì ô nhiễm, khi nào không ô nhiễm”.