“Chuyện xả thải trộm là có, nhưng số trường hợp bị phát hiện thấp hơn so với thực tế rất nhiều. Chỉ 50% số khu công nghiệp có quan trắc tự động liên tục với hệ thống xử lý nước thải tập trung” - TS Trần Thế Loãn nêu một thực tế về môi trường ở Việt Nam.
Từ sự kiện cá chết hàng loạt ở miền Trung, các chuyên gia môi trường dự tọa đàm “Chất thải công nghiệp: Hạn chế trong quản lý và khuyến nghị chính sách” ngày 10/5 cho rằng môi trường đang chịu sức ép lớn và những hệ lụy do việc giám sát xả thải còn nhiều bất cập.
Có quy chuẩn khắt khe hơn nước ngoài
Theo TS Trần Hiếu Nhuệ - Phó Viện trưởng Viện Kỹ thuật nước và công nghệ môi trường, Việt Nam đã có nhiều cố gắng khi xây dựng quy chuẩn bảo vệ môi trường, nhưng chưa đầy đủ: “Nếu như trước đây hầu hết các quy chuẩn đều là cóp nhặt của nước ngoài thì 10 năm nay, các cơ quan nghiên cứu đã đi sát thực tế và xây dựng được bộ quy chuẩn tiệm cận với yêu cầu của sản xuất và thực tế ở Việt Nam”.
Theo TS Nguyễn Xuân Sinh - Phó Cục trưởng Cục Hóa chất, Bộ Công Thương, nhiều quy chuẩn của Việt Nam chặt đến mức báo chí phải lên tiếng rằng điều kiện Việt Nam không thể yêu cầu như châu Âu - như việc kiểm soát khí SO2 ở các nhà máy nhiệt điện. Để đáp ứng quy chuẩn này, các nhà đầu tư phải xây dựng cả một hệ thống xử lý rất tốn kém. Tuy nhiên, khi vụ cá chết xảy ra tại miền Trung, câu chuyện giám sát xả thải cần được suy nghĩ thấu đáo.
TS Trần Thế Loãn - nguyên Phó Cục trưởng Cục Kiểm soát ô nhiễm, Bộ Tài nguyên và Môi trường - thẳng thắn: “Nhiều quy chuẩn của chúng ta chặt chẽ, nhưng thực tế càng ngày càng yêu cầu quy chuẩn môi trường chặt hơn, bởi chúng ta đã qua giai đoạn mời gọi đầu tư bằng mọi giá. Vì vậy vài năm một lần, các quy chuẩn phải được xét lại”.
“Hiện quy chuẩn cơ bản đã ổn, nhưng thật ra không bao giờ đầy đủ. Năng lực quản lý của cơ quan nhà nước cũng chưa đáp ứng được. Chuyện xả trộm là có, nhưng số trường hợp bị phát hiện thấp hơn thực tế rất nhiều. Quy định quan trắc tự động liên tục với hệ thống xử lý nước thải tập trung ở các khu công nghiệp có từ năm 2008, nhưng đến nay chỉ 50% số khu công nghiệp có hệ thống này” - TS Loãn nói.
Từ các lý giải này, TS Trần Hiếu Nhuệ phân tích vụ cá chết tại miền Trung: “Formosa là nguyên nhân của mọi nguyên nhân. Chúng ta nóng vội về lợi nhuận kinh tế, hi sinh bao nhiêu tiền để giải phóng mặt bằng và giờ đây nhận kết quả như vậy”.
Xả trộm - chuyện thường xảy ra
GS Đặng Hùng Võ - nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường - nêu một thực tế từ việc xả thải của Formosa: “Theo kế hoạch ban đầu, nguồn xả thải được đưa ra sông Quyền thay vì ra biển. Nhờ đó, chúng ta sẽ kiểm soát tốt hơn chất lượng xả thải ra môi trường. Xả thải ra biển nguy hiểm hơn rất nhiều lần, vì chúng ta có muốn cũng không dừng được nếu có sai lầm”.
GS Võ nhận định: “Hệ thống giám sát, kiểm soát, thanh tra môi trường đang có vấn đề lớn”. Theo ông, ý thức môi trường của các doanh nghiệp thấp bởi việc vận hành và đầu tư bộ máy xử lý nước thải có kinh phí rất lớn. Nhiều nhà máy ximăng vận hành ban ngày nhưng tối lại xả trộm.
“Nếu đánh giá tốt sức chịu tải, đưa ra quy chuẩn theo sức chịu tải thì phải giám sát tốt về xả thải, quy hoạch; bởi nếu không làm tốt khâu cuối cùng này thì việc đánh giá và đưa ra quy chuẩn là vô nghĩa” - TS Loãn khẳng định.
Theo TS Nhuệ, việc cần làm ngay là nâng cao nhận thức của nhân dân (người chịu tác động của ô nhiễm) và các ông chủ dự án, bởi lẽ: “Nếu họ không tuân thủ thì giám sát mấy cũng không được. Chúng ta không thể có đủ thời gian, nhân lực, phương tiện thiết bị theo dõi cả ngày lẫn đêm. Ngay cả việc xả thải trộm của các doanh nghiệp cũng bắt nguồn từ dân trí và đạo đức môi trường của họ”.
Về kế hoạch kiểm soát online, TS Loãn cho rằng cần xem lại bởi trong quy chuẩn cần kiểm soát hơn 30 chất, nhiều chất phải đưa vào phòng thí nghiệm, vài ngày mới ra kết quả. Mặt khác, việc kiểm soát trực tuyến thực hiện ở một nhà máy thì được chứ hàng trăm, ngàn nhà máy là bất khả thi.
GS Võ khuyến nghị đưa người dân vào bộ máy giám sát xả thải: “Nếu người dân có mặt trong hệ thống giám sát này thì cơ quản lý phải tiếp nhận ý kiến của họ, giải trình các phản ánh chỗ nào đúng, chỗ nào sai. Đúng thì phải được tiếp thu, chỉnh lý. Nên yêu cầu Quốc hội bổ sung ngay một điều vào Luật Môi trường vừa được thông qua, bởi bảo vệ môi trường là sự nghiệp của toàn dân”.