Chế phẩm do TS Lê Thị Hồng Vân và cộng sự ở Trung tâm Khoa học - Công nghệ Dược Sài Gòn điều chế giúp tăng sức đề kháng hạn chế sự phát triển của các tế bào ung thư.

Tam thất (Panax notoginseng) là một dược liệu quý, có giá trị không kém nhân sâm. Hàm lượng saponin - có nhiều tác dụng dược lý đặc trưng của chi Panax như tăng lực, chống trầm cảm, tăng sinh thích nghi, tác dụng chống oxy hóa - trong tam thất cao hơn gấp đôi so với nhân sâm, giá thành lại rẻ hơn so với nhân sâm Hàn Quốc. Đặc biệt, tất cả các bộ phận của dược liệu này đều có thế làm thuốc.

Một trong những tác dụng của tam thất được các nhà khoa học trong và ngoài nước quan tâm nghiên cứu là tác dụng chống ung thư. Qua các nghiên cứu cho thấy, tam thất có tác dụng làm giảm kích thước khối u trên chuột nhắt được gây ung thư (bằng cách cấy vào tế bào ung thư ác tính). Tam thất còn làm hạn chế sự di căn của tế bào ung thư và kéo dài thời gian sống ở chuột thí nghiệm.

Theo TS Lê Thị Hồng Vân, chủ nhiệm đề tài "Hoàn thiện quy trình nghiên cứu cao định chuẩn và chế phẩm cao lỏng Tam thất chế có tác dụng hỗ trợ điều trị ung thư từ dược liệu Tam thất (Panax notoginseng)", sau quá trình chế biến tam thất, nhiều thành phần saponin mới đã được hình thành như G-Rh2, GRh1, G-Rk1, G-Rg5… và được chứng minh có tác dụng ức chế sự phát triển tế bào ung thư in vitro và in vivo.

Nguyên liệu đầu vào đề điều chế cao tam thất
Nguyên liệu đầu vào đề điều chế cao tam thất. Ảnh: NNC

Sản phẩm hỗ trợ điều trị ung thư từ tam thất chủ yếu được bào chế ở dạng bột, viên nén, viên nang…, một phần nhỏ được bào chế dưới dạng hồng sâm (hấp ở nhiệt độ cao), mà chưa có dạng cao lỏng. Đây là dạng bào chế cho hiệu quả hấp thu cao hơn so với các dạng bào chế viên nén, viên nang.

Trong quy trình tạo chế phẩm cao lỏng tam thất của nhóm tác giả, củ tam thất Việt Nam sau khi sơ chế sạch được hấp với nước ở 120oC trong 4 giờ - điều kiện chế biến phù hợp nhất được nhóm tác giả xác định dựa vào sự thay đổi hàm lượng ginsenosid và sự thay đổi hoạt tính ức chế phát triển tế bào ung thu phổi A549, ung thư vú MDA-MB-231. Sau đó, nguyên liệu được sấy khô ở nhiệt độ 60oC cho tới khi đạt độ ẩm <10%, thu được sản phẩm tam thất chế. Để điều chế cao lỏng, tam thất chế được nghiền nhỏ thành bột, sau đó chiết xuất bằng phương pháp đun hồi lưu, với dung môi là ethanol (EtOH 80%).

Cao lỏng có màu nâu sẫm, mùi đặc trưng của tam thất, vị đắng. Thử nghiệm cho thấy, cao chiết tam thất không thể hiện độc tính cấp đường uống trên chuột nhắt với liều tối đa là 200 ml cao lỏng/kg và 55 gr cao đặc/kg.

Chế phẩm được định hướng hỗ trợ cho bệnh nhân điều trị ung thư với liều sử dụng dự kiến khoảng 2-3 lần/ngày. Theo ước tính của nhóm tác giả, chi phí sử dụng sản phẩm từ 35.000 - 40.000 đồng/ngày.

Bên cạnh đó, nhóm đã thiết lập 5 tiêu chuẩn cơ sở với các chỉ tiêu cơ bản của nguyên liệu dược liệu và cao chiết của nguyên liệu tam thất, tam thất chế, cao định chuẩn tam thất chế, cao đặc tam thất chế, và cao lỏng tam thất chế.

Các tiêu chuẩn này đã được thẩm định bởi cơ quan độc lập là Viện Kiểm nghiệm thuốc TPHCM.

S
Sản phẩm cao lỏng tam thất. Ảnh: NNC

Đề tài của nhóm tác giả đã được Sở KH&CN TPHCM nghiệm thu, đạt yêu cầu.

Nhóm mong muốn được sản xuất, thử nghiệm lâm sàng trên bệnh nhân để tăng tiềm năng phát triển sản phẩm dưới dạng thuốc điều trị. Đồng thời, tiếp tục nghiên cứu, phát triển một số dạng sản phẩm từ cao đặc tam thất như trà cốm, nước uống, phối hợp với một số dược liệu khác để tăng hoạt tính của sản phẩm.