Nhóm kỹ sư của Công ty TNHH Đầu tư và phát triển công nghệ Nhật Việt đã nghiên cứu thành công công nghệ chế biến cao su thiên nhiên đạt tiêu chuẩn để sản xuất lốp ô tô radial, mở ra triển vọng thay thế sản phẩm tương tự phải nhập ngoại với giá thành cao.

TS Nguyễn Hữu Hùng, Chủ nhiệm dự án nghiên cứu nói trên, cho biết, để sử dụng công nghệ radial (lốp mành song song với nhau chạy theo hướng xuyên tâm, có khả năng chịu uốn, gấp tốt, điều khiển dễ dàng và lượng mài mòn ít) trong sản xuất lốp xe ô tô, các nhà máy cao su của Việt Nam phải nhập cao su thiên nhiên SMR 10 và 20 từ Thái Lan, Malaysia, Indonesia,… với giá thành cao vì trong nước chưa sản xuất được.

Nguyên liệu để sản xuất cao su SVR 10 được quy định là mủ đông tự nhiên. Tuy nhiên hiện nay, Việt Nam chủ yếu khai thác mủ nước (chiếm khoảng 80% sản lượng). Mủ đông tự nhiên thu gom được rất ít, từ nhiều nguồn, có thời gian bảo quản khác nhau, lẫn lộn các loại và thường bị nhiễm tạp chất nên chất lượng không đảm bảo để sản xuất cao su SVR 10.

Thí nghiệm
Thí nghiệm các tính chất cơ lý hóa của mẫu cao su. Ảnh: NV

Để có mủ đông tự nhiên, nhóm nghiên cứu áp dụng công nghệ sản xuất mủ đông từ mủ nước để chủ động về số lượng và đảm bảo chất lượng. Đồng thời tiến hành phân loại, kết hợp loại bỏ tạp chất nguyên liệu mủ đông ngoài lô hiện có trên thị trường. Cách này giúp làm giảm đáng kể công đoạn rửa nguyên liệu tốn kém và gây ô nhiễm. Ngoài ra, thay vì sử dụng mủ đông thô để sản xuất ra thành phẩm, rồi mới lấy mẫu đi kiểm phẩm để đánh giá chất lượng cao su, nhóm nghiên cứu kiểm phẩm mức chỉ tiêu cao su ngay từ khâu nguyên liệu đã được phân lập theo lô, nhờ đó có thể chủ động sản xuất ra cao su đáp ứng chỉ tiêu chất lượng cho trước.

Theo quy trình, để sản xuất ra cao su SVR 10 phải trải qua các công đoạn như làm sạch mủ đông, ủ mủ đông từ 10 – 20 ngày và gia công cơ học, sấy mủ. Nhóm nghiên cứu đã hoàn thiện dây chuyền sản xuất thử nghiệm lô cao su SVR 3.000kg, đáp ứng các tiêu chuẩn sản xuất lốp xe theo công nghệ radial.

Sản phẩm đã được chuyển đến Công ty Cổ phần Casumina để đánh giá chất lượng sản phẩm. Kết quả, các mẫu cao su SVR 10 đáp ứng tốt các chỉ tiêu của nhà máy và chất lượng tương đồng với sản phẩm SMR 10 của Malaysia. Sau khi đáp ứng các chỉ tiêu nguyên liệu, Công ty Casumina cho sản xuất thử nghiệm lốp xe từ SVR 10.

Lốp xe được sản xuất
Lốp xe radial được sản xuất từ cao su SVR 10. Ảnh: NV

Lốp được kiểm tra lý trình theo tiêu chuẩn JIS D4230 của Nhật Bản tại Công ty Casumina, theo đó có ưu thế hơn hẳn so với lốp sản xuất bằng cao su SMR 10. Trong 3 bước đầu ở tải trọng 2.343kg, 2.982kg, 3.586kg, cả hai loại lốp đều vượt qua tiêu chuẩn JIS D4230 sau 24h chạy lý trình. Khi tải trọng được tăng lên 4.260kg, lốp radial làm từ SMR 10 đi được thêm 19h35 phút thì nổ. Trong khi lốp radial làm từ cao su SVR 10 hoàn thành 71h chạy lý trình. Một số lốp chạy thử nghiệm thực tế cũng đạt tiêu chuẩn của Casumina.

Từ kết quả thử nghiệm lý trình, cao su SVR 10 cho thấy hoàn toàn có khả năng thay thế cao su nhập ngoại trong việc sản xuất lốp xe theo công nghệ radial. Theo TS Hùng, SVR 10 không phải chịu thuế nhập khẩu, thuế hàng hải và chi phí nhân công thấp hơn, nên có giá thành cạnh tranh với SMR 10 đang phải nhập khẩu hiện nay.