Trong một bài kiểm tra vị giác do các nhà nghiên cứu tại Đại học Copenhagen thực hiện, người Đan Mạch cho thấy họ thích hương vị cá hồi hun khói được nuôi theo phương pháp thông thường và nuôi hữu cơ hơn là cá hồi tự nhiên.
92 tình nguyện viên tham gia cuộc khảo sát được cho nếm cả ba loại cá hồi và nêu cảm nhận. Vòng đầu tiên, các đối tượng không được cung cấp bất cứ thông tin gì về thứ mà họ đang nếm. Vòng thứ hai, họ được thông báo về nguồn gốc cá hồi.
Kết quả vòng một cho thấy thắng lợi lớn của cá hồi nuôi – cả bằng phương pháp thông thường lẫn nuôi hữu cơ; trong đó hương vị của cá nuôi thông thường thậm chí còn được yêu thích hơn cá hữu cơ. Tuy nhiên, khi người tham gia biết về xuất xứ cùng phương pháp sản xuất, kết quả lại nhanh chóng đảo lộn: cá hồi nuôi thường đứng cuối, cá hồi tự nhiên đứng thứ hai và cá hồi hữu cơ chiếm vị trí đầu bảng.
“Kỳ vọng của con người về một sản phẩm thường được quyết định dựa vào thông tin mà họ tiếp nhận. Điều này còn ảnh hưởng đến cả trải nghiệm vị giác nói chung. Đối với cá hồi hun khói, phần lớn mọi người đều cho rằng cá tự nhiên sẽ ngon hơn cá nuôi. Nhưng khi nếm trong hoàn cảnh chưa biết thông tin, mọi người đơn giản chỉ đánh giá cao cá nuôi” – TS. Mausam Budhathoki, tác giả chính của nghiên cứu, cho biết.
Có một vài nguyên nhân lý giải cho kết quả trên. “Thứ nhất, có lẽ những người nếm đã quen thuộc với hương vị cá hồi nuôi – vốn được bán khá rộng rãi trên thị trường. Thứ nữa, có lẽ cá hồi nuôi ngon hơn do béo hơn, như trong trường hợp này” – đồng tác giả Mausam Budhathoki bổ sung.
Trong nghiên cứu trên, các tác giả còn thực hiện phỏng vấn một số nhóm khác để đối chứng. Kết quả cho thấy người Đan Mạch dường như không hiểu biết mấy về cá hồi nuôi. “Nhiều người tỏ ra khá bối rối khi được hỏi làm thế nào để phân biệt những loại cá hồi khác nhau. Họ có lý do chính đáng bởi cá hồi thường được sản xuất theo quy trình tương đối phức tạp, bao gồm nhiều khâu, và xa lạ với hầu hết tất cả mọi người. Ngoài ra, nhận thức của chúng ta về sản phẩm cũng hay bị các yếu tố khác chi phối, thông qua những thắc mắc kiểu như: Cá có chứa dư lượng thuốc? Đó có phải là sản phẩm từ hoạt động khai thác quá mức? Phúc lợi cá nuôi có được đảm bảo trong quá trình sản xuất?…”, tác giả Helene Christine Reinbach – phó giáo sư khoa Khoa học Thực phẩm thuộc ĐH Copenhagen – cho biết.
“Trong vòng thử nghiệm thứ hai, cá hồi tự nhiên rõ ràng ghi điểm nhờ nguồn gốc của nó gợi liên tưởng tích cực về đời sống và phúc lợi động vật lành mạnh. Nhưng trên thực tế chỉ duy nhất cá hồi nuôi mới đáp ứng đủ các điều kiện để được chứng nhận ‘thực phẩm hữu cơ’ tại Đan Mạch – nơi áp dụng những yêu cầu hết sức nghiêm ngặt về tính bền vững, thân thiện và nhân đạo trong hoạt động sản xuất. Ngoài ra, phần lớn các quần thể cá hồi tự nhiên trên thế giới đều đang đối diện nguy cơ ô nhiễm môi trường sống ngày thường trực so với cá nuôi” – cô nói.
Hải Đăng (theo ĐH Copenhagen)