Công ty khởi nghiệp Buyo Plastics đang sử dụng công nghệ tiên tiến để tạo ra nhựa phân hủy sinh học từ chất thải hữu cơ, thay vì tinh bột như hầu hết các công ty nhựa sinh học khác, vốn có thể ảnh hưởng tới an ninh lương thực.

Bà Đỗ Hồng Hạnh (thứ hai, bên phải) và các đồng sáng lập tại sự kiện Demo Day của Antler Việt Nam - một trong những nhà đầu tư sớm vào dự án nhựa sinh học của công ty. Ảnh: Buyo Plastics, 2/2023
Bà Đỗ Hồng Hạnh (thứ hai, bên phải) và các đồng sáng lập tại sự kiện Demo Day của Antler Việt Nam - một trong những nhà đầu tư sớm vào dự án nhựa sinh học của công ty. Ảnh: Buyo Plastics, 2/2023

Từ vài năm nay, chính phủ các nước trên thế giới đã ban hành lệnh cấm sử dụng nhựa dùng một lần. Vì vậy, hầu hết các tập đoàn lớn đang phải tìm cách loại bỏ hoặc giảm thiểu nhựa trong chuỗi cung ứng của mình. Chẳng hạn Coca Cola muốn chuyển các chai nhựa PET gốc dầu mỏ thông thường thành loại 100% có nguồn gốc thực vật và có thể tái chế; hoặc McDonald đặt mục tiêu chuyển 50% số đồ bao bì của mình thành loại có thể tái chế và 50% thành loại nhựa sinh học.

Buyo Bioplastics, công ty khởi nghiệp dựa trên công nghệ sinh học tại Hà Nội, tin rằng mình có thể cung cấp các giải pháp thay thế cho những phân khúc thị trường tối ưu này.

“Cả chính sách vĩ mô và chương trình nghị sự ESG [gồm những cân nhắc về môi trường (enviromental), xã hội (social) và quản trị doanh nghiệp (corporate governace) có thể được xem xét trong đầu tư] của doanh nghiệp đều đang tạo động lực mạnh mẽ cho thị trường nhựa sinh học”, bà Đỗ Hồng Hạnh, giám đốc điều hành Buyo, chia sẻ tại Techfest Việt Nam 2023. Theo bà, Buyo, mới được thành lập vào năm ngoái, hiện đang tìm thấy chỗ đứng của mình nhờ các sản phẩm có đặc tính tốt và chi phí cạnh tranh.

Giải pháp mà Buyo đưa ra là các loại nhựa sinh học làm từ những nguồn rác hữu cơ dồi dào và phổ biến tại Việt Nam như bã hèm thu được sau quá trình sản xuất bia hoặc một số loại bã khác trong ngành chế biến nông sản. Họ không động đến tinh bột (bột ngô, củ sắn, mía, tinh bột khoai tây) như hầu hết các công ty nhựa sinh học khác, bởi điều này có thể ảnh hưởng tới an ninh lương thực. “Chúng tôi có thể làm việc với nhiều nguồn chất thải sinh học khác nhau, miễn là nó chứa dinh dưỡng và thành phần mà chúng tôi cần”, bà Hạnh cho biết.

Công nghệ chế tạo nhựa sinh học của Buyo độc đáo từ khâu xử lý nguyên liệu đầu vào. Thông qua tuyển chọn các dòng vi khuẩn phân hủy, kết hợp với các bí quyết lên men sinh học, họ có thể liên kết các loại sợi tự nhiên và polymer sinh học khác biệt với nhau thành một dạng vật liệu composite phù hợp với các ứng dụng cụ thể. Quy trình xử lý (ép nhiệt, tạo khuôn hoặc thổi màng mỏng) không sử dụng hóa chất giúp tạo ra các sản phẩm ít gánh nặng hơn cho môi trường. Sản phẩm nhựa sinh học cuối cùng có tính chất tương tự nhựa thông thường nhưng có thể phân hủy hoàn toàn trong môi trường tự nhiên trong vòng ba tháng tới một năm, thay vì 500 năm.

Theo Buyo, đây là một công nghệ mới mang tính tiên phong tại Việt Nam,được phát triển bởi một đội ngũ các chuyên gia và nhà khoa học người Việt, bao gồm những người từng làm tại Đại học Toronto, Đại học Johns Hopkins và Viện Công nghệ Stevens.

CEO của công ty tự hào rằng hơn 50% đội ngũ nhân sự hiện tại của họ (khoảng bảy người) là các nhà khoa học về công nghệ sinh học, kỹ thuật hóa học và kỹ thuật môi trường - những người nắm trong tay nền tảng tri thức vững chắc để đảm bảo năng lực công nghệ cho startup khi đối mặt với những thách thức khác nhau trong ngành. Năm ngoái, Buyo đã nộp đơn đăng ký cho ba bằng sáng chế về nhựa sinh học.

Đơn hàng sản phẩm của Buyo cho khu văn phòng Google Developers Space tại Singapore. Ảnh: Hoa Trinh, 10/2023.
Đơn hàng sản phẩm của Buyo cho khu văn phòng Google Developers Space tại Singapore. Ảnh: Hoa Trinh, 10/2023.

Tuy nhiên, bước đột phá của startup này được tạo ra bởi mối quan hệ tốt với các thương hiệu lớn. Vì Buyo là một thương hiệu cực kỳ non trẻ, nếu ai đó nghe đến sản phẩm nhựa sinh học của họ, có khả năng họ sẽ chỉ mua một vài sản phẩm. Sẽ mất rất nhiều thời gian để doanh nghiệp có được thị trường bán lẻ theo cách thông thường. Do vậy, Buyo chọn phân khúc B2B để phát triển sản phẩm theo đặt hàng của các thương hiệu nổi tiếng sẵn có. Và cách hữu hiệu nhất mà họ đang áp dụng để tiếp cận khách hàng đích của mình là tham gia vào các chương trình tăng tốc khởi nghiệp (accelerator).

Trong năm nay, Buyo đã tích cực tham gia vào một loạt chương trình, bao gồm chương trình tăng tốc toàn cầu Global 100+ do bốn nhà sản xuất hàng tiêu dùng khổng lồ (Anheuser-Busch InBev, Coca-Cola, Colgate-Palmolive và Unilever) mở ra nhằm tìm kiếm các startup công nghệ có khả năng giải quyết vấn đề rác thải ngày càng tăng ở châu Á. Họ cũng tham gia vào một vài chương trình tương tự ở quy mô khu vực như HyperScale 2023 (Singapore) và SK Startup Fellowship 2023 (Hàn Quốc).

Thông qua những quan hệ đối tác này, Buyo không chỉ tích lũy được kỹ năng kinh doanh mà còn tiếp cận được các khách hàng tiềm năng. Bà Đỗ Hồng Hạnh nói rằng Buyo đang có một số hợp đồng thí điểm để phát triển sản phẩm cho các doanh nghiệp trong chương trình Global 100+, bao gồm công ty thực phẩm Mondelez (Mỹ), công ty sản xuất mì gói Thai Wah (Thái Lan) và công ty sợi vải Tessellation (Hồng Kông). Họ cũng đang trong quá trình thương thảo với thương hiệu mỹ phẩm Shiseido (Nhật Bản) và tổ chức môi trường Greenpac (Canada) thông qua chương trình HyperScale.

Bà Hạnh dự đoán, nếu các sản phẩm thử nghiệm này được thông qua thì doanh thu năm 2024 của Buyo sẽ đạt mức tăng trưởng ấn tượng, từ gần 100.000 USD cuối năm nay lên khoảng hai triệu USD vào cuối năm sau.

Vì nhựa của Buyo làm từ chất thải hữu cơ, họ có thể được coi là một phần của nền kinh tế tuần hoàn. Điều này thực sự hấp dẫn với các tập đoàn lớn trong bối cảnh nhiều ngành công nghiệp phải chịu áp lực to lớn để giảm dấu chân carbon của mình.

Tuy nhiên, chỉ tính bền vững là không đủ để khiến các công ty thay đổi hành vi. Các doanh nghiệp dù lớn hay nhỏ đều phải đắn đo giữa túi tiền hay bảo vệ hành tinh, vì vậy các sản phẩm thay thế nhựa truyền thống không chỉ cần tốt hơn mà còn phải rẻ hơn.

Buyo nói rằng mặc dù sản phẩm của họ hiện vẫn đang có giácao hơncác loại nhựa gốc dầu mỏ thông thường nhưng đã có thể so sánh được với các sản phẩm bao bì từ giấy và mía ép. Quan trọng nhất, chi phí nhựa sinh học của Buyo có khả năng cạnh tranh với các loại nhựa sinh học phổ biến khác như PLA (một loại nhựa gốc axit latic làm từ các loại sinh khối như đường mía công nghiệp, củ cải đường, ngô, sắn v.v và có thể phân hủy sinh học). “Với một khối lượng đủ lớn, chi phí nhựa của chúng tôi sẽ chỉ bằng 50-60% PLA,” bà Đỗ Hồng Hạnh giải đáp thắc mắc của Giám đốc Quỹ đầu tư ITI Kimmy Đặng tại buổi pitching Techfest.

Buyo đang vận hành một nhà máy với công suất 10 tấn nhựa sinh học một tháng tại huyện Củ Chi, TPHCM. Họ lên kế hoạch gây quỹ vào giữa năm sau để tăng quy mô sản xuất lên 100 tấn mỗi tháng.

Hiện startup đặt mục tiêu cung cấp nguyên liệu nhựa sinh học cho các công ty chủ yếu trong ngành thực phẩm-đồ uống. Họ có các ứng dụng bao bì mềm như túi đựng thực phẩm, giấy gói đồ ăn, màng bọc v.v và các loại nhựa cứng như khay, bộ đồ ăn, ly, hũ, chai v.v.

Sắp tới, Buyo sẽ đưa ra thị trường nhóm sản phẩm nhựa sinh học dùng trong y tế và mỹ phẩm, vốn đòi hỏi khả năng kháng khuẩn cao, có thể gồm băng bọc vết thương, bao bì y tế, mặt nạ dưỡng da, thuốc trị bỏng. Đại diện Buyo nói với các nhà đầu tư rằng họ đang đàm phán với một số trường y ở Singapore để cùng phát triển những dòng sản phẩm này. “Đây là những lĩnh vực có rào cản công nghệ cao để có thể thâm nhập vào được”, bà Hạnh nhận xét.