Ông Nguyễn Việt Phú, Chủ nhiệm ICT Press Club cho biết, bức tranh ICT năm 2016 có nhiều gam mầu sáng, tối được nhìn qua lăng kính của các nhà báo theo dõi lĩnh vực này. Năm 2016 được Chính phủ chọn là Năm quốc gia khởi nghiệp và thông thường các doanh nghiệp khởi nghiệp chọn lĩnh vực công nghệ cao vì có thể dùng chất xám để phát triển nhanh, đem lại giá trị cao.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã khẳng định, thúc đẩy khởi nghiệp dựa trên đổi mới sáng tạo, đưa Việt Nam trở thành quốc gia khởi nghiệp là con đường nhanh nhất để phát triển lực lượng doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp công nghệ cao và tạo những nhân tố phát triển đột phá trong nền kinh tế số. Xóa bỏ mọi rào cản, khuyến khích ứng dụng khoa học công nghệ, phát triển mạnh doanh nghiệp tư nhân trở thành một động lực tăng trưởng quan trọng của nền kinh tế.
Ông Trương Gia Bình - Chủ tịch Tập đoàn FPT phát biểu tại sự kiện
Cùng với trào lưu về khởi nghiệp thì bản thân các doanh nghiệp ICT Việt Nam cũng đang được thổi bùng khát vọng vươn ra nước ngoài. Giờ đây, không chỉ có các doanh nghiệp lớn như Viettel, FPT mới có chiến lược đi ra nước ngoài mà cả những doanh nghiệp ICT khác như VNPT, CMC… và cả những doanh nghiệp khởi nghiệp cũng tràn đầy khí thế. Mới đây, Phó tổng giám đốc VNG Vương Quang Khải cho biết Viettel là nguồn cảm hứng cho dịch vụ Zalo ra biển lớn và VNG đã có 2 triệu thuê bao tại Myanamar.
Năm 2016, đánh dấu bước đột phá về công nghệ khi Bộ TT&TT quyết định cấp phép cho VNPT, Viettel, MobiFone và Gtel được cung cấp dịch vụ 4G trên băng tần 1800 MHz. Như vậy, đây là cơ hội cho các thuê bao di động Việt Nam được sử dụng băng rộng có tốc độ cao và từ đó thúc đẩy nhiều dịch vụ mới ra đời cũng như thúc đẩy các ứng dụng vào các lĩnh vực khác như nông nghiệp, y tế, giáo dục, giao thông…
Trong năm 2016, trước xu hướng dịch vụ cố định ngày càng giảm và di động ngày càng phát triển mạnh, đặc biệt là xu hướng Internet vạn vật đang phát triển mạnh trên thế giới và sẽ xảy ra ở Việt Nam, Bộ Thông tin và Truyền thông đã chính thức công bố lộ trình chuyển đổi mã vùng điện thoại cố định. Việc chuyển đổi sẽ được thực hiện thành 3 giai đoạn, bắt đầu từ ngày 11/2/2017.
Tuy nhiên, việc chuyển đổi mã vùng cũng sẽ có ảnh hưởng nhất định đối với người dùng trong một thời gian ngắn, một số tổ chức, cá nhân cũng chịu sự tác động là có thể phải làm lại các sản phẩm có gắn với mã vùng ví dụ như card visit, bao bì, biển quảng cáo, phải sửa đổi lại mã vùng cho các số đã lưu trên điện thoại di động… Tuy nhiên, phía cơ quan quản lý nhà nước và các doanh nghiệp viễn thông khẳng định sẽ triển khai nhiều biện pháp nhằm giảm thiểu ảnh hưởng tác động đến khách hàng.
Năm 2016 cũng đánh dấu sự thắng lợi trong phản biện chính sách của cộng đồng ICT và sự lắng nghe của Chính phủ thể hiện bằng hành động Thủ tướng đề nghị bỏ Điều 292 - tội cung cấp dịch vụ trái phép trên mạng máy tính, mạng viễn thông. Cộng đồng khởi nghiệp cho rằng, là “rào cản” đối với sức sáng tạo của cộng đồng doanh nghiệp khởi nghiệp. Các doanh nghiệp và hiệp hội nghề nghiệp trong lĩnh vực ICT cũng lên tiếng đề nghị bỏ hoặc sửa đổi Điều 292 vì có tính chất hình sự hóa các hoạt động kinh doanh, tránh nguy cơ đẩy doanh nghiệp vào vòng lao lý.
Tuy nhiên, năm 2016 không chỉ có những gam mầu sáng mà bức tranh ICT có cả bức tranh mầu xám. Lần đầu tiên Thanh tra Sở TT&TT Hà Nội đã phát hiện công ty Sam Media "móc túi" 230 tỷ đồng thuê bao di động tại Việt Nam. Sau vụ việc này, nhiều thuê bao của các nhà mạng đã kiểm tra tài khoản của mình và phát hiện họ bị ngấm ngầm "móc túi" mà không biết. Sau đó, các nhà mạng cũng đã tuyên bố cắt hợp đồng với các đối tác của Sam Media đồng thời ra soát và cắt hàng loạt các đối tác cung cấp nội dung "móc túi" khách hàng. Đây là sự cố làm mất niềm tin nghiêm trọng của khách hàng đối với cả nhà mạng và nhà cung cấp dịch vụ nội dung.
Trước sự hoành hành của vấn nạn SIM rác, tin nhắn rác, Bộ TT&TT đã phải hạ quyết tâm đưa thị trường di động vào trật tự mới. 5 nhà mạng Viettel, VNPT, MobiFone, GTel Mobile và Vietnamobile đã cùng nhau ký cam kết với Bộ TT&TT về việc thu hồi SIM kích hoạt sẵn trên các kênh phân phối. Lần đầu tiên, 5 doanh nghiệp viễn thông đã cùng cử các cán bộ kỹ thuật để thực hiện giám sát, kiểm tra chéo việc khóa SIM của nhau để đảm bảo công bằng, khách quan. Tổng cộng đã có hơn 15 triệu SIM kích hoạt sẵn được các nhà mạng khóa và thu hồi.
Tuy Việt Nam là quốc gia phải hứng chịu nhiều cuộc tấn công của các hacker, nhưng năm 2016 lần đầu tiên các cảng hàng không và website Vietnam Airlines bị hacker tấn công nặng nhất. Dù được xác định đây chỉ là vụ tấn công vào phần hệ thống ngoại vi, chưa xâm nhập được vào các hệ thống trọng yếu bên trong cũng như không thể ảnh hưởng tới an toàn bay, nhưng vụ việc là hồi chuông báo động về thực trạng an toàn thông tin của các hệ thống trọng yếu như các cảng hàng không, cũng như mức độ sẵn sàng của các hệ thống trước nguy cơ bị tấn công mạng vẫn còn quá yếu kém.
Câu lạc bộ Nhà báo CNTT Việt Nam, trực thuộc Hội Nhà báo Việt Nam, là nơi quy tụ những nhà báo hàng đầu hoạt động trong lĩnh vực CNTT-TT của gần 40 cơ quan báo chí trong cả nước. Với 15 năm hoạt động, chúng tôi đã tổ chức nhiều chương trình tọa đàm, hội thảo lớn, gây được tiếng vang trong cộng đồng, là kênh thông tin để các cơ quan quản lý Nhà nước tham khảo khi hoạch định chính sách.
Có thể kể đến một số cuộc tọa đàm “nóng” được CLB tổ chức gần đây như: Tái cơ cấu thị trường viễn thông Việt Nam; Nguy cơ mất an toàn an ninh đe dọa nền kinh tế Việt Nam, Việt Nam tiến lên 4G như thế nào?; Kịch bản nào cho thị trường viễn thông Việt Nam… và sự kiện bình chọn “10 sự kiện ICT tiêu biểu” được tổ chức thường niên, gắn liền với tên tuổi Câu lạc bộ.