Boeing và Không lực vũ trụ Mỹ (US Space Force) vừa hoàn thiện khâu thiết kế tổng quan cho một thế hệ vệ tinh quân sự mới.
Đó là dự án Wideband Global SATCOM (WGS)-11+, được cả Bộ Quốc phòng Mỹ, Canada và Úc tài trợ, hiện đã sẵn sàng giao cho Boeing chế tạo từ năm 2024.
WGS là một ví dụ sinh động cho thấy: không gian, theo nhiều cách khác nhau, đang dần trở thành chiến trường của tương lai. Điều này thể hiện qua sự bùng nổ của nhiều hệ thống vũ khí chống vệ tinh, laser, … Ngoài ra, các cường quốc quân sự và đồng minh cũng đang ráo riết chạy đua phát triển những công nghệ phục vụ hoạt động liên lạc, do thám, thu thập tình báo hay quan trắc thời tiết, … được triển khai trên không gian, với mức độ ưu tiên ngày càng gia tăng.
Ra mắt từ năm 2007, hệ thống vệ tinh quân sự WGS đã phát triển không ngừng cả về kích thước lẫn độ phức tạp. Được thiết kế để bổ sung cho hệ thống DSCS (Defense Satellite Communications System tức Hệ thống liên lạc vệ tinh quân sự) và GBS (Global Broadcast Service tức Dịch vụ phát sóng toàn cầu) hiện hành, WGS có tổng cộng 10 vệ tinh – hiện đang đóng vai trò trụ cột trong mạng lưới liên lạc toàn cầu của Mỹ và các đồng minh NATO như Úc, Canada, Đan Mạch, Luxembourg, New Zealand, Hà Lan, Cộng hòa Séc và Norway, …
Theo Troy Dawson – Phó chủ tịch của Boeing, phụ trách chương trình vệ tinh cho chính phủ, WGS-11+ có năng lực rất lớn, bởi chỉ riêng một thiết bị WGS đã cho băng thông vượt trội so với toàn bộ hệ thống DSCS. Nhờ chùm tia tập trung bước sóng hẹp cho kết nối mạnh mẽ, đáng tin cậy và gần như tức thời, nó tỏ ra đặc biệt hiệu quả đối với nhiệm vụ liên lạc và truyền dữ liệu cho các mệnh lệnh chiến thuật, cũng như trong các hoạt động kiểm soát, do thám, tình báo và hỗ trợ giao tranh.
Hải Đăng (theo Boeing)