Tính ẩn danh của ứng dụng là ưu điểm giúp Blind trở thành nơi tin cậy để nhân viên chia sẻ các góc tối trong công việc của mình, nhưng cũng là lý do khiến ứng dụng này trở thành kẻ thù của các công ty, đặc biệt là các tập đoàn công nghệ, trên thế giới.

Khi Carol, một cử nhân ngành khoa học máy tính vừa tốt nghiệp tại Đại học California, Berkeley, nhận được bốn lời mời làm việc từ các công ty công nghệ lớn và các công ty khởi nghiệp ở Thung lũng Silicon, cô ấy ngay lập tức tìm kiếm lời khuyên trên Blind, một diễn đàn trực tuyến ẩn danh chuyên thảo luận về các vấn đề tại nơi làm việc

“Công việc đầu tiên khi ra trường. Tôi nên làm ở những tập đoàn lớn như Facebook, Apple, Amazon, Netflix, Google hay các startup tiềm năng?”, cô gái 21 tuổi quyết định đăng tải câu hỏi lên các nhóm việc làm của Blind.

Chỉ vài giờ sau đó, cô đã nhận được hàng chục câu trả lời từ các nhân viên cũ lẫn nhân viên hiện tại của những công ty đó. Họ nhiệt tình so sánh giúp cô mức lương thưởng và phúc lợi, chia sẻ những thông tin về văn hoá làm việc, thậm chí đưa ra những lời khuyên để cô có thể thương lượng được mức lương cao hơn.

Người dùng phải đăng ký bằng địa chỉ email công việc của họ để xác minh họ từng hoặc đang làm việc ở công ty, nhưng tất cả thông tin cá nhân sẽ bị xoá bỏ sau quá trình đăng ký. Ảnh: Asia Nikkei

Carol chỉ là một trong số bảy triệu người đăng ký sử dụng Blind, một nền tảng xã hội có xuất xứ từ Hàn Quốc, được mệnh danh là “phiên bản trung thực của LinkedIn”. Chúng ta vẫn thường nghe về sự tiện lợi của LinkedIn, một trang mạng xã hội chuyên nghiệp, được thiết kế để giúp mọi người chia sẻ kinh nghiệm, sơ yếu lý lịch cũng như kết nối để tìm kiếm việc làm. Hiện tại, LinkedIn đã trở thành một không gian phổ biến để tìm kiếm, kết nối nhà tuyển dụng với ứng viên trên Internet. Tuy nhiên, LinkedIn thường chỉ cung cấp những thông tin cơ bản, hấp dẫn và tích cực, còn Blind lại cho thấy một khía cạnh có phần đen tối hơn - và có lẽ chân thực hơn - của công việc.

“Một số người nhận xét rằng Blind là mặt đối lập của LinkedIn”, ông Kyum Kim, đồng sáng lập và là người đứng đầu các hoạt động của Blind tại Mỹ, cho hay. “Chúng ta thường sử dụng LinkedIn để quảng cáo về bản thân, trong khi Blind là không gian an toàn để mọi người thoải mái thảo luận một cách bình đẳng mà không sợ bị đánh giá hoặc bị trả thù”.

Kể từ khi thành lập, Blind luôn chú trọng cân bằng giữa hai yếu tố: tính xác thực và tính ẩn danh. Tất cả người dùng phải đăng ký bằng địa chỉ email công việc của họ để xác minh họ từng hoặc đang làm việc ở công ty, nhưng tất cả thông tin cá nhân sẽ bị xoá bỏ sau quá trình đăng ký.

Các cuộc thảo luận trên nền tảng Blind được chia thành hai loại. Một là các cuộc thảo luận theo “chủ đề”, nơi tất cả các bài đăng đều hiển thị công khai với mọi người, hai là các cuộc thảo luận theo nhóm dành riêng cho công ty mà chỉ nhân viên mới có thể truy cập được. Theo ông Kim, điều này sẽ khuyến khích các đồng nghiệp thảo luận sâu hơn với nhiều cảm xúc hơn.

“Mọi người thường trò chuyện về những chủ đề như vậy trong bữa trưa hoặc trên đường đi làm”, ông Kim nói. “Nhưng mọi thứ đã biến mất kể từ sau đại dịch. Giờ đây, mọi người đã chuyển những cuộc thảo luận ấy lên Blind”. Kể từ khi đại dịch COVID-19 bắt đầu, số người dùng hoạt động tích cực của hằng tháng của nền tảng đã tăng gấp đôi, trong khi số bình luận tăng gấp ba lần. Số người dùng là nhân viên làm việc tại công ty ở Mỹ đã tăng gấp bốn lần vào năm ngoái.

Cân bằng giữa lợi nhuận và lòng tin của người dùng

Ý tưởng thành lập Blind được nhen nhóm vào năm 2009, khi nhà đồng sáng lập Sunguk Moon đang làm việc cho tập đoàn Naver của Hàn Quốc. Công ty cung cấp cho nhân viên một phương tiện trò chuyện nội bộ, nơi họ có thể thảo luận ẩn danh về các vấn đề trong công việc lẫn cuộc sống. Nhưng rồi Naver đã đóng cửa nền tảng này sau khi các nhân viên bắt đầu sử dụng nó để nói về những vấn đề mà họ bức xúc. Vì lẽ đó, ông Moon đã cùng hai đồng nghiệp của mình nghỉ việc và thành lập nên Blind vào năm 2013. Những người dùng đầu tiên của họ là các đồng nghiệp cũ tại Naver.

Cú hích phát triển đầu tiên của Blind xảy đến vào năm 2014. Tháng 12 năm đó, ái nữ của chủ tịch hãng Korean Air Lines đang ngồi trên chiếc máy bay bay từ New York về Seoul. Bà đã buộc máy bay phải quay trở lại nhà ga dù đang chuẩn bị cất cánh chỉ vì không hài lòng với cách một tiếp viên trên chuyến bay phục vụ mình. Trước đó, bà đã gọi một gói hạt mắc-ca, tiếp viên đã mang gói hạt đến nhưng không đổ sẵn ra đĩa. Chi tiết câu chuyện được kể đầu tiên trên nền tảng Blind và sau đó nó đã gây chấn động Hàn Quốc. Chỉ sau một đêm, nhân viên của các tập đoàn lớn ồ ạt đăng ký sử dụng nền tảng, trong đó có hơn 40.000 nhân viên tại LG Electronics và hơn 15.000 nhân viên tại Samsung Electronics.

Sự kiện trên đã thôi thúc đội ngũ Blind nhắm đến những thị trường lớn hơn. Vào đầu năm 2015, đội ngũ Blind đã dành nhiều tuần để dán tờ rơi quảng cáo tại bãi đậu xe của Amazon và Microsoft tại trụ sở chính ở Seattle. Điều này giúp họ có được vài trăm người dùng đầu tiên, và rồi dần dần tăng lên hơn 1 triệu người dùng tại khắp 2.000 công ty khác ở Mỹ trong vòng chưa đầy hai năm. Ở nước này, Blind có hơn 111.000 người dùng là nhân viên Amazon, khoảng 90.000 người dùng làm việc tại Microsoft và hơn 50.000 người dùng từ Google. Đây là “địa điểm” lý tưởng để các nhân viên công nghệ có thể chia sẻ mọi thứ trong việc của họ. Số liệu thống kê cho thấy khoảng ¼ nhân viên công nghệ tại các tập đoàn lớn đã sử dụng Blind.

Vào tháng 5/2021, Blind đã huy động được 37 triệu USD vốn đầu tư mạo hiểm từ công ty liên doanh Mainstreet Investment của Hàn Quốc, Cisco Investments và Pavilion Capital, một công ty con của quỹ đầu tư quốc gia Singapore Temasek. Dù vậy, Blind vẫn chưa có lãi sau chín năm kể từ khi thành lập. Trong một cuộc phỏng vấn với Nikkei Asia vào năm 2019, một thành viên hội đồng quản trị cho biết họ đang có kế hoạch để “sớm” thu lại lợi nhuận.

Ông Kim chia sẻ rằng công ty quyết định vẫn để thua lỗ nhằm ưu tiên tăng trưởng và xây dựng mô hình kinh doanh bền vững, công ty hiện đang thận trọng hơn với các vấn đề về chi phí. “Chúng tôi không thể cứ thế đốt tiền nữa”, ông bình luận.

Theo một cuộc khảo sát do trang web lập trình Stack Overflow thực hiện, hơn 70% kỹ sư truy cập vào Blind để xem các bình luận đánh giá một công ty trước khi họ nộp đơn xin việc vào đó. Sau khi nhận thấy rằng nền tảng này dần dà thu hút người tìm việc một cách tự nhiên, năm ngoái, Blind đã tung ra một dịch vụ mới có tên “Talent by Blind”, dịch vụ này sẽ hoạt động như một công ty tuyển dụng, giúp tăng doanh thu của công ty - vốn trước đây chủ yếu đến từ nguồn quảng cáo.

Tuy nhiên, vẫn còn phải chờ xem Blind sẽ làm gì để giúp bản thân nổi bật giữa vô số nền tảng tìm kiếm việc làm. “Ưu điểm lớn nhất của Blind là nó có lượng người dùng khổng lồ”, ông Vincent So, đồng sáng lập của Inspect Talent, một công ty tư vấn chuyên về chiến lược nhân sự cho các công ty công nghệ, cho hay. “Với tôi, phương pháp tuyển dụng của họ không quá độc đáo và sáng tạo so với các cơ sở tuyển dụng truyền thống”.

Ông Kim cho biết dự kiến ​​phần lớn doanh thu sẽ đến từ việc tuyển dụng trong tương lai. Các nhân viên ngành công nghệ thường xuyên nhảy việc, họ không giỏi cân bằng giữa công việc với cuộc sống thường nhật và liên tục rơi vào tình trạng kiệt sức. Một cuộc khảo sát gần đây do công ty tư vấn công nghệ Gartner thực hiện cho thấy chỉ 29% nhân viên CNTT toàn cầu quyết tâm ngồi ở vị trí công việc hiện tại về lâu dài. Con số này giảm xuống chỉ còn 16% đối với những người từ 19 đến 29 tuổi.

Nhằm đáp ứng nhu cầu hiểu về sức khỏe tinh thần của các nhân viên, Blind đã phát triển một công cụ phân tích mang tên “Blind Insight”. Nó sẽ tổng hợp các nội dung chính, giúp các công ty dễ dàng tìm thấy những khía cạnh cần lưu ý, từ đó các công ty sẽ xác định các vấn đề nội bộ và đưa ra những hướng giải quyết hợp lý.

Ví dụ, trung bình một ngày, nhân viên Amazon đăng tải hàng trăm bài đăng trên Blind. Đối với các công ty lớn, những cuộc thảo luận này là kho tàng thông tin chi tiết mà họ không thể tìm thấy ở bất kỳ kênh liên lạc chính thức nào. “Tôi biết một số giám đốc điều hành sẽ lướt Blind trước các cuộc họp với nhân viên,” ông tiết lộ.

Blind cũng xuất bản các bài phân tích về đặc điểm của các tập đoàn lớn. Một báo cáo gần đây đã chỉ ra rằng các nhân viên của Google không hài lòng với dự định quay trở lại làm việc trực tiếp tại văn phòng công ty, một số người thậm chí còn cân nhắc bỏ việc vì lý do này. Tuy nhiên, một số người dùng đã bày tỏ sự lo ngại về quyền riêng tư khi Blind thu thập, sử dụng, công khai một phần nội dung các bài thảo luận của họ, điều này buộc Blind phải điều chỉnh mô hình kinh doanh của mình nếu muốn củng cố niềm tin từ người dùng.

“Mặc dù danh tính của tôi vẫn được giấu kín, nhưng tôi cứ có cảm giác như ai đó đang theo dõi những gì tôi bình luận trên nền tảng”, một kỹ sư của Apple chia sẻ. Sau khi tìm hiểu về công cụ “Blind Insight”, anh ấy bắt đầu thận trọng hơn khi viết nhận xét trên Blind. Trước những lo ngại trên, ông Kim khẳng định rằng công cụ phân tích của công ty không đưa ra những thông tin nào có thể giúp xác định danh tính người dùng.

Không chỉ nhân viên, bản thân các công ty cũng cảm thấy e ngại khi thông tin về công ty bị rò rỉ trên Blind. Chẳng hạn, từ năm 2019, Tesla đã chặn tính năng nhận email xác minh từ Blind, điều này đồng nghĩa với việc nhân viên không thể xác thực để đăng ký tài khoản. Các nhân viên cũng chia sẻ họ bị chặn truy cập ứng dụng Blind nếu sử dụng Wi-Fi của Tesla.
Vào năm 2017, Uber cũng đã chặn truy cập Blind trên các mạng của công ty sau khi một nhân viên đăng tải về tình trạng quấy rối tình dục ở Uber. Mặc dù sau đó công ty đã phải rút lại quyết định chặn truy cập, nhưng nhiêu đó đã đủ để khơi lên sự phẫn nộ và bức xúc trong cộng đồng nhân viên.

Ông Vincent So nhấn mạnh rằng khó mà tránh khỏi việc các công ty công nghệ vẫn sẽ xem Blind là kẻ thù hơn là bạn.

Theo Asia Nikkei