Quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo Bách khoa Hà Nội (BK Fund) vừa tuyên bố sẽ mở ra cơ hội cho các nhà đầu tư thiên thần, quỹ đầu tư tiếp cận các thương vụ đầu tư tiềm năng, đồng thời mở rộng khẩu vị đầu tư đến tận giai đoạn pre-seed.

Các nhà đầu tư tham dự BK Investor Network Hà Nội năm 2023. Ảnh: BK Alumni. Ảnh: BK Alumni
Các nhà đầu tư tham dự BK Investor Network Hà Nội năm 2023. Ảnh: BK Alumni.

Ra đời cách đây gần ba năm trong bối cảnh quy định của pháp luật còn chưa đầy đủ và các nhà đầu tư vẫn xa lạ với khái niệm đầu tư mạo hiểm, quỹ BK Fund trị giá 17 tỷ đồng do các cựu sinh viên Đại học Bách khoa Hà Nội lập ra đã mạnh dạn “vừa làm vừa định hướng” và có được những thành công đầu tiên.

BK Fund đã xem xét đánh giá 200 dự án startup và giải ngân đầu tư cho tám startup tiềm năng, mỗi startup trung bình khoảng 1 tỷ đồng, bao gồm: Gimo, Innogenex, Ejoy, N2TP, DeepB, Lancs Network, Rootopia và Apicoo.

BK Fund cũng trở thành một mắt xích quan trọng trong hệ sinh thái khởi nghiệp của Đại học Bách khoa Hà Nội và mạng lưới cựu sinh viên Bách khoa với vai trò kết nối ba bên: Nhà trường - Nhà khoa học - Doanh nghiệp.

Các doanh nhân góp vốn vào BK Fund không chỉ cung cấp tài chính mà còn trở thành cố vấn (mentor), huấn luyện viên (coach) cũng như đối tác kinh doanh tiềm năng cho các dự án khởi nghiệp.

Mở rộng nguồn lực

Tuần trước, BK Fund đã tổ chức một chương trình kết nối mang tên “BK Investor Network” nhằm mở rộng mạng lưới tới các nhà đầu tư tổ chức, nhà đầu tư cá nhân, và chủ doanh nghiệp. Chương trình đã thu hút hơn 70 đại biểu người Việt và nước ngoài tham dự.

Tại buổi khai mạc chương trình, TS. Nguyễn Quân, Chủ tịch Mạng lưới của sinh viên Bách khoa (BK Alumni) tuyên bố, “BK Fund sẽ nâng mức vốn của quỹ và cho phép các nhà đầu tư không phải là sinh viên, cựu sinh viên của Bách khoa rót vốn vào.” Trước đó, đại hội các nhà đầu tư của quỹ đã đồng thuận với việc tăng gấp đôi quy mô quỹ lên 35 tỷ đồng.

Ông Phạm Đình Đoàn, Chủ tịch BK Fund, nói thêm: “Chúng tôi có thể dễ dàng tìm được 200 dự án công nghệ, nhưng với sức lực của BK Fund thì không đủ để đáp ứng nhu cầu cho cộng đồng sinh viên phát triển. Do đó, chúng tôi cũng muốn kết hợp với các nhà đầu tư khác để xây dựng nên mạng lưới đồng đầu tư (co-invest), tức mời các nhà đầu tư cùng tham gia vào các vòng rót vốn cho startup và đồng hành để giúp các startup của Bách khoa thành công hơn”.

Hiện nay, Đại học Bách khoa Hà Nội đã chuyển sang mô hình 5 trường thành viên ban đầu, bao gồm: Trường Cơ khí, Trường Điện – Điện tử, Trường Công nghệ thông tin và Truyền thông, Trường Hóa và Khoa học sự sống và Trường Vật liệu.

Với lợi thế kỹ thuật này, Đại học Bách khoa Hà Nội có thể dễ dàng tạo ra hoặc thu hút được những dự án khởi nghiệp công nghệ cao có khả năng giải quyết các vấn đề quan trọng của Việt Nam và thế giới.

Nói về cơ chế hợp tác đồng đầu tư, ông Phạm Tuấn Hiệp, Giám đốc quản lý BK Fund cho biết, họ sẽ tổ chức những buổi Open Pitching 2-3 tháng/lần với các nhà đầu tư khác để giới thiệu những công ty mà BK Fund đã đầu tư và cả những công ty mà BK Fund chưa đầu tư nhưng có thể thuộc phạm vi quan tâm của đối tác. Các buổi gọi vốn sẽ có sự hiện diện của những chuyên gia đầu tư thuộc nhiều công ty, tập đoàn khác nhau, bao gồm cả những chuyên gia công nghệ.

Điểm đáng lưu ý nữa là từ năm 2023, BK Fund không chỉ tập trung ở giai đoạn hạt giống (seed) mà còn cả giai đoạn tiền hạt giống (pre-seed), tức các công ty công nghệ mới định hình sản phẩm thương mại, mô hình kinh doanh. Đây là phân khúc có rất ít nhà đầu tư quan tâm vì độ rủi ro cao.

Startup Lancs Network chia sẻ về công nghệ của mới với các nhà đầu tư. Ảnh: BK Alumni
Startup Lancs Network chia sẻ về công nghệ của mới với các nhà đầu tư. Ảnh: BK Alumni

Trong phần lớn các trường hợp, BK Fund dẫn đầu các giao dịch và sẽ có một nhóm làm việc với các công ty trong danh mục đầu tư để giúp họ xác định chiến lược, quy mô tiếp cận thị trường và tập trung vào những kỹ thuật mang lại chuyên môn hoạt động mà họ cần để phát triển.

“Chúng tôi cần làm như vậy bởi hệ sinh thái khởi nghiệp của Việt Nam đang ở giai đoạn đầu, chưa trưởng thành”, ông Phạm Tuấn Hiệp nói với Khoa học & Phát triển trong nhiều buổi gặp gỡ, “Thị trường có nhiều cơ hội nhưng các startup mà chúng tôi ươm tạo cần rất nhiều sự chuẩn bị để có thể bước ra được từ không gian trường đại học, viện nghiên cứu. Dĩ nhiên, việc cấp vốn sớm cho những dự án này cũng là chìa khóa để những công ty khởi nghiệp công nghệ nói chung và những công ty khởi nghiệp công nghệ deeptech nói riêng có thể thành công”.

BK Fund rót vốn cho các startup giai đoạn pre-seed với thời gian đầu tư khoảng 3 năm. Họ đang quan tâm tới các lĩnh vực như công nghệ sinh học ứng dụng vào việc phát hiện và phòng trừ các loại virus gây bệnh, công nghệ thiết kế và phát triển chip ứng dụng vào quản trị toàn diện kết nối Internet và an ninh mạng, công nghệ AI ứng dụng vào các giải pháp giáo dục, y tế chính xác, an ninh mạng, ...

Quan hệ hợp tác

Khi nói đến triển vọng hợp tác, CMC Innovation Fund (CIF), một nhánh đầu tư của tập đoàn công nghệ CMC, tỏ ra vô cùng hào hứng. Quỹ CIF hiện có quy mô 5 triệu USD (~100 tỷ đồng), tập trung vào giai đoạn từ pre-seed tới series A, với các thương vụ đầu tư ở mức 20.000 – 1 triệu USD và thuộc các lĩnh vực công nghệ IoT, Cloud, Security, Big Data - AI, Robotics…

“CMC sẽ ưu tiên các startup phù hợp với hệ sinh thái của tập đoàn. Khi hợp tác cùng CMC, các startup của BK Fund sẽ có lợi thế lớn về mặt thị trường bởi chúng tôi đang xuất khẩu phần mềm tới nhiều thị trường lớn như APAC, Nhật Bản, Hàn Quốc, châu Âu, Mỹ... Cùng với đó là lợi thế về các chuyên gia kỹ thuật có thể tư vấn cho các dự án công nghệ.” ông Nguyễn Duy Việt, Trưởng ban Đầu tư và Mua bán Sáp nhập của CMC, nói.

Một số nhà đầu khác có chiến lược hẹp hơn. Chẳng hạn, ông Dương Quốc Tuấn, Chủ tịch tập đoàn sản xuất cửa và vật liệu xây dựng Austdoor, cho biết họ muốn nâng đỡ các startup có thể tích hợp vào chuỗi sản xuất của mình và có thể xem xét đến việc mua lại các công ty có sản phẩm phù hợp với chuỗi.

Ngược lại, những đối tác như Tập đoàn đầu tư Bifrost hay quỹ mạo hiểm ThinkZone Ventures lại mong muốn hoạt động như một nhà đầu tư chuyên nghiệp kỳ vọng lợi nhuận cao. Cả hai đều có một vài dự án đồng đầu tư với BK Fund và sẽ tiếp tục mở rộng mối quan hệ hợp tác này.

Bifrost là cánh tay đắc lực trong việc tìm kiếm, phát triển mảng đầu tư của Phú Thái Holdings, tập trung tìm kiếm các cơ hội đầu tư đa lĩnh vực tại không chỉ tại Việt Nam mà còn mở rộng ra thị trường quốc tế.

Trong khi đó, ThinkZone vừa huy động được khoản tiền lên tới 60 triệu USD (~1.400 tỷ đồng), dành riêng cho các công ty khởi nghiệp từ pre-seed đến Series A với quy mô séc có thể đạt 3 triệu USD/dự án. ThinkZone đang xem xét các startup trên nhiều lĩnh vực, từ tài chính, phân phối, bán lẻ, hậu cần, giáo dục, F&B…

Ông Nam Đoàn, đại diện ThinkZone nói rằng, họ tự tin với những gì đã học được từ các mô hình đầu tư mạo hiểm quốc tế tốt nhất để áp dụng cho thị trường Việt Nam, và sẽ giúp đỡ cho các đối tác cùng đầu tư khác như BK Fund hay CIF.



CÁC DỰ ÁN BK FUND ĐÃ ĐẦU TƯ

• Gimo: Nền tảng chi và nhận lương linh hoạt cho doanh nghiệp và người lao động.

• Innogenex: Sử dụng công nghệ sinh học ứng dụng trong việc nghiên cứu các giải pháp về test nhanh và vacxin, thuốc chữa bệnh trên động vật.

• Ejoy: Ứng dụng đa nền tảng phục vụ học tập tiếng Anh theo sở thích và nhu cầu, dựa trên sự hỗ trợ của AI.

• N2TP: Áp dụng AI & Big Data để cá thể hóa liều dùng thuốc cho bệnh nhân, giảm rủi ro do kháng kháng sinh và ứng dụng vào quá trình phát triển thuốc.

• DeepB: Mô hình AI đo lường chỉ số uy tín và phát triển thương hiệu từ dữ liệu từ truyền thông.

• Lancs Network: giải pháp quản trị toàn diện mạng và an toàn thông tin (phần cứng & phần mềm).

• Rootopia: Nền tảng công nghệ cho vay giáo dục đầu tiên tại Việt Nam.

• Apicoo: Tay kẹp dành cho robot cộng tác với giải kẹp rộng và đáp ứng nhiều tác vụ khác nhau.