Trong khi nhiều vùng ven biển đang lo sợ bị sa mạc hóa đất nông nghiệp do nhiễm mặn thì một dự án táo bạo lại muốn biến diện tích sa mạc Sahara rộng lớn của Tunisia thành “thiên đường xanh” sản xuất hàng nghìn tấn rau, quả sạch mỗi năm.
Trồng rau ở nơi rau không thể mọc
Nắng chói, hạn hán, cát bụi tạo thêm sự khắc nghiệt cho những vùng hoang mạc như Sahara ở Tunisia - một đất nước có 75% diện tích bị bao phủ bởi sa mạc. Đất đai ở đây khô cằn, thiếu nước ngọt trầm trọng khiến các loại rau quả khó mà sống được.
Thế nhưng mới đây, doanh nghiệp xã hội Thụy Điển Sahara Forest Project (SFP - Dự án rừng Sahara) lại bày tỏ tham vọng cải tạo vùng sa mạc này thành vựa rau sạch khổng lồ. SFP lên kế hoạch xây một trang trại rộng 10ha trên sa mạc Sahara ở Tunisia với kinh phí ban đầu khoảng 30 triệu USD.
Hệ thống trang trại sẽ sử dụng công nghệ nhà kính, tận dụng chính các nguồn lực tự nhiên như ánh nắng mặt trời và nước biển. Ánh nắng dùng cho các tấm pin năng lượng mặt trời sản xuất điện vận hành máy móc, nước biển được bơm làm mát hệ thống nhà kính. Không chỉ thế, hệ thống trang trại còn có các ống dẫn nước biển lạnh khiến không khí ẩm ngưng tụ thành các giọt nước ngọt dùng để tưới tiêu, từ đó có thể mở rộng trồng rau ngay cả xung quanh nhà kính.
Ngoài ra, nước biển còn được xử lý lọc muối để thành nước ngọt phục vụ trồng trọt và dùng làm nước uống cho người dân. Lượng nước muối còn lại được tích tụ trong hệ thống ao để sản xuất muối. Sự kết hợp này sẽ giúp các trang trại đạt được rất nhiều mục tiêu, đảm bảo cho sự phát triển bền vững, giúp việc trồng rau, quả ở trang trại sẽ tốn ít nước ngọt hơn một nửa so với hệ thống nhà kính thông thường. Hệ thống này cũng cho phép trồng nhiều loại rau quả khác nhau như dưa chuột, cà chua, tiêu, rau arugula, lúa mạch và một số loài rau quả khác hợp với vùng sa mạc.
Với viễn cảnh như vậy, vùng sa mạc Sahara ở Tunisia khô cằn vốn được lấy làm cảnh quay cho hành tinh đá Taooine của bộ phim Star Wars (Chiến tranh giữa các vì sao) trong nay mai có thể sẽ bước vào một kỷ nguyên mới - kỷ nguyên thiên đường xanh.
Phép màu biến đổi “sao Hỏa” trên mặt đất
Dĩ nhiên, việc cải tạo sa mạc thành vựa rau sạch sẽ không hề dễ dàng, thậm chí còn được ví von không khác gì nông canh trên sao Hỏa.
“Dự án của SFP sẽ gặp phải một loạt vấn đề chẳng khác gì làm nông nghiệp trên sao Hỏa; trong đó vấn đề lớn nhất thường gặp phải ở các nước Bắc Phi và Arập là bụi và bão cát có thể lấp kín các tấm pin năng lượng mặt trời, làm cho hệ thống không hoạt động” - Giáo sư Heribert Hirt - người đứng đầu Trung tâm Nông nghiệp sa mạc, Đại học Công nghệ và Khoa học King Abdullah (Vương quốc Arập Saudi) nói.
Tuy nhiên, dự án của SFP ở Tunisia không phải quá viển vông bởi mô hình tương tự đã được hiện thực hóa ở Qatar từ năm 2012. Kết quả mùa vụ thu hoạch được ví như một phép màu. “Mô hình nhà kính trồng rau trên sa mạc rất thành công, mùa hè 2014 đã bội thu” - Virginia Corless - người quản lý khoa học và phát triển của SFP - trình bày tại diễn đàn Đổi mới toàn cầu về nông nghiệp ở Abu Dhabi năm 2014.
Theo tính toán của SFP, dự án trồng rau nhà kính trên sa mạc khi nhân rộng có thể giúp Qatar khắc phục tình trạng nhập siêu thực phẩm. Dựa trên năng suất đã đạt được thì 8ha theo mô hình sản xuất của SFP có thể sản xuất đủ lượng dưa chuột Qatar nhập khẩu hằng năm, 40ha có thể sản xuất đủ lượng cà chua nhập khẩu hằng năm và 60ha có thể sản xuất đủ cả lượng dưa chuột, cà chua, ớt và cà tím nhập khẩu hằng năm của Qatar.
“Phép màu” đó đã xóa tan nhiều ý kiến còn nghi ngờ. Chính Giáo sư Hirt cũng thừa nhận, dự án mà SFP theo đuổi là một nỗ lực và cách thức đáng học hỏi để chuyển đổi các khu vực rộng lớn với đất đai không sử dụng được trở thành nơi canh tác nông nghiệp.
Bản thân SFP cũng hoàn toàn tự tin. “Người ta có thể nhìn thấy ngay kết quả trên mặt đất và nếm thử hương vị của dưa chuột. Đó là một sự thật. Chúng tôi đã chứng minh rằng điều này có thể thực hiện được” - Joakim Hauge - Giám đốc điều hành SFP - hồ hởi nói.
Ngoài Qatar, Tunisia, SFP còn đang xúc tiến dự án trồng rau trên 20ha tại vùng ven biển phía nam Jordan. Trong tương lai, doanh nghiệp này có tham vọng sẽ mở rộng các trang trại trên sa mạc ở Tunisia và Jordan thành đại nông trường rộng tới 40ha, có thể tạo công ăn việc làm cho 6.000 người và sản xuất lượng rau khổng lồ 170.000 tấn mỗi năm.
Đương nhiên, lộ trình lâu dài mà SFP theo đuổi là phủ rộng tới nhiều nơi khác có các diện tích sa mạc hóa. Theo như CEO của doanh nghiệp này vừa tiết lộ, SFP đã bắt đầu đàm phán với một số nước về dự án trồng rau trên các vùng bị sạc mạc hóa. SFP tin rằng, đây là mô hình có thể đảm bảo cả lợi ích về môi trường và xã hội, đặc biệt có thể sẽ là cách thức đảm bảo an ninh lương thực khi dân số trở nên đông đúc hơn và Trái đất ngày càng nóng lên.
“SFP thúc đẩy việc trồng các loại cây, tạo ra hy vọng và cơ hội cho mọi người. Mô hình này có thể được thực hiện thành công ngay cả ở những vùng sa mạc nóng nhất của thế giới” - SFP cho biết.