Bệnh viện K, cơ sở điều trị ung thư lớn nhất cả nước, đang thử nghiệm một dự án ứng dụng trí tuệ nhân tạo để chẩn đoán sớm ung thư tuyến giáp,

Kiểm tra siêu âm để tầm soát ung thư tuyến giáp. Ảnh minh họa: Mainichi
Kiểm tra siêu âm để tầm soát ung thư tuyến giáp. Ảnh: Mainichi

Đầu tháng 6, trong một triển lãm về công nghệ y tế ở Hà Nội, PGS. Trần Thị Thanh Hương, Giám đốc phụ trách Viện Ung thư Quốc gia trực thuộc Bệnh viện K, đã giới thiệu hai dự án trí tuệ nhân tạo (AI) mà Viện đang hợp tác cùng tập đoàn KT (Hàn Quốc).

Theo PGS Hương, trước đó tại Việt Nam đã có những nghiên cứu về phát triển AI chẩn đoán ung thư tuyến giáp, nhưng chúng dựa phần nhiều vào các hình ảnh siêu âm.

Trong dự án này, Bệnh viện K sử dụng cả ba nguồn dữ liệu: hình ảnh siêu âm (Ultrasound Image), kết quả xét nghiệm sinh thiết tế bào chọc hút kim nhỏ ở các nốt tuyến giáp (FNA result data), và kết quả hậu phẫu thuật (Surgical pathology data) của bệnh nhân ung thư để cung cấp đầu vào cho việc phát triển một mô hình AI chính xác hơn.

Mô hình sẽ được đào tạo trên tập dữ liệu của 1.800 bệnh nhân người Việt. Các bác sĩ của Bệnh viện K trực tiếp tham gia gán nhãn dữ liệu, trong khi các kỹ sư của KT phụ trách phát triển các phần mềm và thuật toán AI.

Sau khi đào tạo xong, mô hình AI sẽ có thể đọc các bức ảnh siêu âm để phát hiện ra các nốt tuyến giáp trong ảnh, dự báo mức độ lành tính/ác tính cho khu vực được sàng lọc, và xác định đặc điểm của nốt tuyến giáp theo phân loại hệ thống dữ liệu và báo cáo hình ảnh tuyến giáp ACR TI-RADS.

“Điều này sẽ giúp ích rất nhiều cho các bác sĩ trong việc sàng lọc và chẩn đoán sớm ung thư tuyến giáp”, PGS. Trần Thị Thanh Hương nhận xét.

Dự án hợp tác giữa Bệnh viện K và tập đoàn KT trong việc chẩn đoán ung thư tuyến giáp. Ảnh: Bệnh viện K
Dự án hợp tác giữa Bệnh viện K và tập đoàn KT trong việc chẩn đoán ung thư tuyến giáp. Ảnh: Bệnh viện K

Những nốt tuyến giáp xuất hiện thường xuyên đến nỗi chúng thường dẫn đến các nghi ngờ mắc bệnh và cần được kiểm chứng. Trên thực tế, chỉ có 1 trong 10 nốt tuyến giáp là ác tính.

Đại diện KT giải thích rằng mặc dù tỷ lệ mắc ung thư tuyến giáp tăng nhanh nhưng tỷ lệ tử vong vẫn ở mức thấp, cho thấy tình trạng chẩn đoán quá mức đang là một thách thức lớn đối với sức khỏe cộng đồng.

Chẩn đoán ung thư quá mức không chỉ gây ra những cuộc phẫu thuật và biến chứng không cần thiết, mà còn cả những chịu đựng về cảm xúc và tài chính. Điều này có thể được khắc phục phần nào nhờ những công cụ chẩn đoán mạnh mẽ được hỗ trợ bởi AI.

Dự án được kỳ vọng sẽ có kết quả vào cuối tháng 8/2023.