Chiếc Solar Impulse 2 – máy bay hoạt động bằng năng lượng mặt trời – vừa hạ cánh an toàn ở bang California – Mỹ hôm 23/4 sau 3 ngày bay mạo hiểm qua Thái Bình Dương mà không tốn một giọt xăng nào.

Phi công Bertrand Piccard – nhà thám hiểm người Thụy Sĩ – hạ cánh chiếc máy bay xuống Thung lũng Silicon, phía Nam TP San Francisco, lúc 23 giờ 45 phút (giờ địa phương) ngày 23-4 sau chuyến bay kéo dài 62 tiếng liên tục.

Điều đặc biệt là chuyến bay này không tốn bất cứ giọt nhiên liệu nào.

Hình ảnh chiếc máy bay có sải cánh dài hơn Boeing 747 nhưng chỉ nặng ngang một chiếc xe hơi bay ngang qua cây cầu Cổng Vàng ở vịnh San Francisco đánh dấu một thành tựu hết sức quan trọng.

Chiếc Solar Impulse 2 bay ngang cầu Cổng Vàng ở vịnh San Francisco. Ảnh: Solar Impulse
Chiếc Solar Impulse 2 bay ngang cầu Cổng Vàng ở vịnh San Francisco. Ảnh: Solar Impulse.

“Tôi hết sức vui mừng khi mọi việc đều ổn và chiếc máy bay hoạt động khá tốt. Điều đó có nghĩa là công nghệ này rất đáng tin cậy” – ông Andre Borschberg - phi công thứ 2 - hồ hởi trả lời phỏng vấn đài CNN ngay trước khi hạ cánh.

Chiếc máy bay cất cánh từ đảo Hawaii hôm 21-4, sau khi hành trình vòng quanh thế giới bị gián đoạn trong gần 10 tháng do hệ thống pin bị trục trặc.

Hai ông Piccard và Borscheberg đã thay nhau điều khiển chiếc máy bay kể từ khi bắt đầu cuộc hành trình vòng quanh thế giới hồi tháng 3-2015 tại Abu Dhabi – Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất.

Trước khi đến Hawaii, họ đã dừng chân tại nhiều nước như Oman, Myanmar, Trung Quốc và Nhật Bản.

Chuyến bay vượt Thái Bình Dương là phần mạo hiểm nhất trong toàn bộ hành trình vì không có nơi để hạ cánh khẩn cấp trong trường hợp gặp trục trặc.

Trước đó, máy bay từng gặp một vài sự cố trong quá trình bay, như lần gián đoạn ở Hawaii nói trên.

Ảnh: Solar Impulse
Ảnh: Solar Impulse.

Vận tốc lý tưởng của Solar Impulse 2 là 45 km/giờ, ngang với một chiếc xe hơi. Tuy nhiên, vào ban ngày, nó có thể tăng tốc lên gấp đôi vì đây là lúc ánh sáng mặt trời mạnh nhất.

Có tới 17.000 tấm pin năng lượng mặt trời được gắn lên cánh máy bay. Vào ban đêm, nó vận hành dựa vào nguồn năng lượng dự trữ.

Theo trang web về cuộc hành trình, Solar Impulse 2 sẽ có thêm 3 chặng dừng chân nữa ở Mỹ trước khi vượt Đại Tây Dương đến châu Âu hoặc Bắc Phi.

Dự án này - được khởi động vào năm 2002 và dự tính tiêu tốn hơn 100 triệu USD – nhằm nêu bật tầm quan trọng của năng lượng tái tạo và phát minh sáng tạo. Tuy nhiên, việc đi lại bằng máy bay năng lượng mặt trời vẫn chưa khả thi do chi phí cao, thời gian chậm, ảnh hưởng của thời tiết và hạn chế về trọng lượng máy bay.