Các startup huy động vốn thành công nhất trong quý II/2021 bao gồm Trax - công ty khởi nghiệp phân tích bán lẻ có trụ sở tại Singapore, chuỗi bán lẻ VinCommerce và nền tảng bán lẻ tiêu dùng CrownX – cả hai doanh nghiệp này đều có trụ sở tại Việt Nam.

Nhân viên làm việc tại Mediatrac, một startup phân tích dữ liệu ở Jakarta. Đông Nam Á đã chứng kiến ​​sự phục hồi mạnh mẽ trong các thương vụ khi các nhà đầu tư đã bắt đầu thích ứng với đại dịch COVID-19. Ảnh: Reuters

Năm nay được xem là một năm bội thu đối với các công ty khởi nghiệp Đông Nam Á đang tìm nguồn vốn đầu tư khi giá trị các thương vụ tăng lên mức cao chưa từng thấy, kể cả so với năm 2019 – trước khi đại dịch COVID-19 bùng phát, kéo thế giới vào khủng hoảng.

Mặc dù đại dịch vẫn đang lan rộng ở cả 10 quốc gia ASEAN, khiến các nhà đầu tư và những doanh nghiệp non trẻ khó có thể gặp mặt trực tiếp để bàn bạc, nhưng các thương vụ vẫn diễn ra và đạt giá trị 11,7 tỷ USD chỉ trong nửa đầu năm nay.

Theo một báo cáo của Deal Street Asia, công ty truyền thông thuộc tập đoàn Nikkei có trụ sở Singapore, tổng giá trị thương vụ trong sáu tháng cao nhất của năm 2020 và 2019 lần lượt là 8,5 tỷ USD và 8,8 tỷ USD.

“Các nhà quản lý quỹ và các công ty khởi nghiệp đã có khoảng thời gian thích nghi với trạng thái bình thường mới này, và hiện cũng được trang bị tốt hơn để đối phó với hậu quả của đại dịch”, Andi Haswidi, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu khu vực Đông Nam Á của hãng tin tài chính Deal Street Asia, viết.

Giá trị giao dịch trong sáu tháng đầu năm 2021 đã tăng hơn gấp đôi so với 5,1 tỷ USD được ghi nhận trong sáu tháng đầu năm 2020 và 4,6 tỷ USD được ghi nhận trong sáu tháng đầu năm 2019.

“Có những lĩnh vực đã phát triển nhanh chóng trong thời kỳ đại dịch, chẳng hạn như fintech, thương mại điện tử, công nghệ y tế và logistics – những lĩnh vực này sẽ vẫntiếp tục thu hút thêm quỹ đầu tư để mở rộng trong thời gian tới”, Haswidi cho biết.

Các doanh nghiệp huy động vốn thành công nhất trong quý II bao gồm Trax - công ty khởi nghiệp phân tích bán lẻ có trụ sở tại Singapore, chuỗi bán lẻ VinCommerce và nền tảng bán lẻ tiêu dùng CrownX – cả hai doanh nghiệp này đều có trụ sở tại Việt Nam.

Trax đã huy động được 640 triệu USD trong vòng Series E; một số nhà đầu tư tham gia vào vòng này gồm BlackRock và SoftBank Vision Fund. Trong khi đó, với sự đầu tư của SK South East Asia Investment, VinCommerce thu về 410 triệu USD; còn CrownX thu về 400 triệu USD từ các nhà đầu tư Alibaba Group và Baring Private Equity Asia.

Theo dữ liệu của DealStreetAsia, lĩnh vực bán lẻ kỹ thuật số đang thu hút sự quan tâm từ các nhà đầu tư mạo hiểm và quỹ đầu tư tư nhân. Tổng số giao dịch trong lĩnh vực này đạt 1,45 tỷ USD, nhiều nhất trong số các ngành mà Deal Street Asia khảo sát.

Deal Street Asia cũng ghi nhận dịch vụ chăm sóc sức khỏe từ xa (Telemedicine) có sức tăng trưởng mạnh mẽ. Với hai startup dẫn đầu trong lĩnh vực này là Halodoc của Indonesia và WhiteCoat của Singapore, các công ty khởi nghiệp về y tế từ xa chiếm 9 trong số 16 thương vụ đã chốt liên quan đến công nghệ sức khỏe trong quý II.

Startup công nghệ y tế Docosan có trụ sở tại TP.HCM gọi vốn được hơn 1 triệu USD vào tháng 4 vừa qua. Ảnh: docosan

Nhìn chung, dữ liệu cho thấy công nghệ y tế nằm trong số những lĩnh vực hoạt động tích cực nhất ở Đông Nam Á về số lượng giao dịch, thậm chí còn vượt trội hơn cả thương mại điện tử. Trong quý II, các công ty khởi nghiệp công nghệ y tế đã huy động được 324 triệu USD - so với 73,7 triệu USD trong ba tháng đầu năm.

Xu hướng chung trên toàn châu Á

Báo cáo của Deal Street Asia nhấn mạnh, số lượng giao dịch trong quý II năm nay đã tăng lên một mức cao mới là 231, vượt xa tất cả các quý trước đó kể từ ba tháng đầu năm 2019.

Tổng số lượng giao dịch trong nửa đầu năm 2021 đạt 442, so với với 330 giao dịch vào cùng kỳ năm ngoái. Con số này cũng nhiều hơn 254 giao dịch của nửa đầu năm 2019.

Tình hình giao dịch ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương cũng phản ánh xu hướng tương tự. Theo dữ liệu và những phân tích của công ty GlobalData, khu vực này ghi nhận tổng cộng 1.190 giao dịch - bao gồm sáp nhập và mua lại, từ quỹ đầu tư tư nhân và quỹ đầu tư mạo hiểm -trong tháng 6 vừa qua, tăng 56,6% so với 760 giao dịch đã công bố vào tháng 5 trước đó.

“Hoạt động giao dịch có vẻ như đang trên đà hồi phục, các nhà đầu tư cũng cảm thấy tự tin hơn nhờ tiến độ tiêm chủng vaccine ở những thị trường quan trọng trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương”, Aurojyoti Bose, nhà phân tích tại GlobalData, nhận định. Hoạt động giao dịch vào tháng 6 tăng trưởng so với tháng trước đó ở các thị trường chính, bao gồm Trung Quốc tăng 142,3%, Ấn Độ tăng 30,2%, Nhật Bản tăng 11,8%, Hàn Quốc tăng 43,7% và Hong Kong tăng 29,4%.

So với tháng trước, tháng 6 ghi nhận số lượng giao dịch đầu tư mạo hiểm tăng 91,3%, mua bán và sáp nhập tăng 24,9%, và giao dịch của quỹ đầu tư tư nhân tăng 15,6%.


Tổng giá trị các thương vụ gọi vốn của các startup Đông Nam Á vào các năm 2019, 2020 và hai quý đầu năm 2021. Ảnh: DealStreetAsia

Tiếp tục đà phát triển

Các công ty khởi nghiệp công nghệ Đông Nam Á đang ngày càng nhận được sự quan tâm mạnh mẽ, khi các kỳ lân trong khu vực - những startup được định giá trên 1 tỷ USD - đang thúc đẩy số hóa, từ đó củng cố vị thế thống trị của họ.

DealStreetAsia cho rằng các đợt chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng sắp tới của các kỳ lân ASEAN như Bukalapak, Grab và GoTo, sẽ mở đường cho thêm nhiều đợt chào bán của các startup công nghệ, và thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư toàn cầu đến thị trường Đông Nam Á.

Philippines là nước có mức tăng trưởng lớn nhất trong hoạt động giao dịch quý II năm nay, ghi nhận 14 giao dịch, so với 6 giao dịch trong quý trước đó. Các công ty khởi nghiệp ở nước đã huy động được 227 triệu USD, dẫn đầu là vòng huy động vốn trị giá 167 triệu USD của Voyager Innovations.

Trong khi đó, Singapore chiếm một nửa tổng giá trị các thương vụ trong khu vực Đông Nam Á. Cụ thể, nước này thu hút 2,85 tỷ USD cho 113 thương vụ vào quý II, không chênh lệch nhiều so với 2,97 tỷ USD cho 111 thương vụ trong quý đầu tiên.

Swarup Gupta, giám đốc kinh doanh tại Economist Intelligence Unit, lưu ý rằng Singapore được đánh giá cao về chính sách đầu tư nước ngoài, thương mại quốc tế và kiểm soát hối đoái. “Chính quyền nước này đã thể hiện đây là một thị trường hấp dẫn đối với các nhà đầu tư nước ngoài, nhờ môi trường đầu tư tự do, chế độ chính trị và hệ thống kinh doanh ổn định, minh bạch, cơ sở hạ tầng đẳng cấp thế giới, lực lượng lao động có trình độ cao, nền kinh tế cạnh tranh và hệ thống thuế thuận lợi”, ông nói.

Gupta chỉ ra rằng Singapore đã thông qua Đạo luật Công ty Vốn Khả biến (Variable Capital Companies Act – VCC) vào tháng 1/2020, và đây là yếu tố quan trọng kích thích hoạt động đầu tư ở nước này. Ông cho biết, cấu trúc VCC yêu cầu vốn thấp hơn, đồng thời miễn thuế và linh hoạt khi giải ngân vốn cho các cổ đông – một điểm hấp dẫn đối với các nhà đầu tư mạo hiểm.

“Nhờ những yếu tố này, Singapore sẽ củng cố vị trí của mình như một trung tâm quản lý tài sản và tiếp tục giữ vị thế là một trong những quốc gia thịnh vượng bậc nhất châu Á”.

Nguồn: