Khi nhân vật chính trong phim hoạt hình cho trẻ em có thể lắng nghe và phản ứng với người xem bằng cách sử dụng những tiến bộ trong trí thông minh nhân tạo, trẻ em có thể học hỏi được nhiều hơn từ chương trình.

Một nhóm nhà khoa học từ một số trường đại học ở Mỹ và Trung tâm Nhận thức, Não bộ và Ngôn ngữ Basque đã hợp tác cùng ứng dụng PBS Kids để tích hợp AI hội thoại như Siri hay Alexa vào chương trình khoa học nổi tiếng dành cho trẻ em mẫu giáo “Elinor Wonders Why

Trong phiên bản tương tác, nhân vật chính, một cô thỏ tò mò tên Elinor sẽ đặt câu hỏi cho các bạn nhỏ. Sau đó, Elinor sẽ lắng nghe câu trả lời của trẻ và đưa ra nhận xét chi tiết, hay cung cấp thêm manh mối nếu cần thiết.

Chẳng hạn, trong một tập, Elinor cùng bạn bè đã lấy tương cà chua ra khỏi lọ bằng cách lắc và bóp, song tương cà vẫn tắc ở bên trong. Elinor quay sang hỏi người xem: “Bạn nghĩ vì sao tương cà chua lại không chảy ra vậy?” Nhiều trẻ em trong nghiên cứu chỉ đơn giản lặp lại vấn đề khi nói: “Nó bị tắc rồi”, mà không trả lời vì sao. Trong trường hợp này, Elinor sẽ tiếp tục bằng cách hỏi: “Ừ, tớ tự hỏi vì sao tương cà lại bị tắc bên trong lọ nhỉ. Cậu nghĩ là nó quá đặc, hay là quá loãng?”

Hình ảnh chương trình Elinor Wonders Why. Ảnh chụp màn hình.
Hình ảnh chương trình Elinor Wonders Why. Ảnh chụp màn hình.

Các nhà khoa học đã tiến hành một số nghiên cứu để kiểm tra liệu hình thức tương tác này có giúp trẻ em học hỏi được nhiều hơn không. Cụ thể, họ chia 240 trẻ thành ba nhóm bằng nhau. Nhóm đầu tiên xem các tập “Elinor Wonders Why” theo hình thức tương tác mà họ tạo ra. Nhóm thứ hai xem chương trình gốc, không có bất kỳ câu hỏi hay phản hồi nào từ Elinor. Nhóm thứ ba xem phiên bản bán tương tác tương tự như “Dora the Explorer”, trong đó Elinor đặt ra câu hỏi rồi dừng lại một chút như thể đang lắng nghe và đưa ra phản hồi chung chung. Sau khi trẻ xem xong các tập, nhóm nghiên cứu sẽ đánh mức độ hiểu biết của các em về bối cảnh khoa học trong phim, bao gồm khí động lực học và bò sát lột da.

Trẻ em ở Mỹ trung bình dành gần hai tiếng mỗi ngày để xem tivi hay các video trên mạng, theo một khảo sát tại quốc gia này. Tuy các nền tảng như PBS Kids cung cấp những chương trình có nội dung giáo dục miễn phí, song lợi ích mà chúng mang lại cho trẻ em có thể bị hạn chế do thiếu tính tương tác. Kỹ thuật bán tương tác hiện đang được sử dụng trong các chương trình như "Dora the Explorer" hay “Mickey Mouse Clubhouse” vẫn rất phổ biến, nhưng các nhà khoa học đã đưa ra những bằng chứng cho thấy nó không hiệu quả bằng chương trình tương tác dựa vào AI. Lý do là vì nó thiếu phản hồi kịp thời từ phía các nhân vật.

Trung bình trẻ em dành gần hai tiếng để xem tivi và video trên mạng. Ảnh: benhvienbaichay.vn
Trung bình trẻ em dành gần hai tiếng để xem tivi và video trên mạng. Ảnh: benhvienbaichay.vn

Những tiến bộ gần đây trong lĩnh vực AI, đặc biệt là về công nghệ nhận dạng giọng nói và phiên dịch ngôn ngữ, cho phép tạo ra những tương tác thật giữa các khán giả nhỏ tuổi với các nhân vật trong chương trình truyền hình. Điều này có thể biến việc xem tivi trở thành một cách tích cực và cuốn hút và giúp trẻ em học hỏi về khoa học.

Tiếp theo, nhóm nghiên cứu sẽ tiếp tục tìm hiểu khả năng phát triển nhân vật hoạt hình để tương tác với trẻ em nói tiếng Anh và tiếng Tây Ban Nha.

Họ cũng có các kết hoạch tích hợp AI vào nhiều chương trình của PBS Kids hơn, bao gồm một loạt phim sắp tới là “Lyla in the Loop”, đưa ra những cách giải quyết vấn đề sáng tạo cho trẻ em ở độ tuổi 4-8.

Nghiên cứu được xuất bản trên arXiv.