Instagram đang thực hiện một thử nghiệm tại 6 quốc gia Australia, Brazil, Canada, Ireland, Ý, Nhật Bản và New Zealand để xem chuyện gì sẽ xảy ra khi những người theo dõi không thể nhìn thấy lượt like trên mỗi bài đăng của nhau.

Trong thử nghiệm này, chỉ có duy nhất người sử dụng mới theo dõi được số like của mình. Những người theo dõi (follower) chỉ được xem danh sách những người bấm like. Đồng nghĩa, họ phải tự mình đếm danh sách nếu muốn theo dõi lượt like trên bài đăng của người khác.

Hình minh họa. Nguồn: Shutterstock
Hình minh họa. Nguồn: Shutterstock

Đây được cho là bước đi táo bạo nhưng cần thiết với Instagram, khi ngày càng có nhiều người lo lắng về ảnh hưởng của mạng xã hội tới sức khỏe tâm lý và ý thức về bản thân của giới trẻ. Instagram cho biết, họ thực hiện thử nghiệm này vì muốn những người bạn tập trung vào nội dung những bức ảnh, video mà người dùng đăng tải, thay vì số like của bài đăng đó.

Lượt like, và sự thừa nhận của xã hội về nó, đã trở thành yếu tố trọng tâm giúp Instagram và nhiều mạng xã hội khác phát triển. Nếu giấu không cho hiển thị chúng, liệu Instagram có đang khiến “đồng tiền ảo” của mình mất giá? Ngày nay, đạt được lượt like lớn trên mạng xã hội nói chung được coi là một dạng chứng nhận cho nỗ lực xây dựng nội dung của người dùng. Càng nhiều like, tài khoản sẽ càng được đánh giá cao về kĩ thuật nhiếp ảnh hoặc tính sáng tạo. Nếu giấu đi số lượt like này, chủ tài khoản vẫn được công nhận, song mức ảnh hưởng của họ sẽ bị giảm đi đáng kể.

Tuy vậy, hậu quả của việc “đếm like” ngày nay là không thể bỏ qua, khi bản thân mạng xã hội được thiết kế để thúc đẩy việc so sánh các cá nhân trong xã hội. Không khó để người trẻ có thể tìm ra trên Instagram hàng tá người ưa nhìn, thành công và có cuộc sống “sang chảnh” hơn họ. Điều này khiến nhiều người cảm thấy không hài lòng với bản thân cuộc sống hiện tại.

Trong số những thiếu niên được khảo sát, dù mạng xã hội khiến họ cảm thấy gần gũi hơn với bạn bè (78%), được cập nhật thông tin (49%) và gắn kết với gia đình (42%), họ vẫn cảm thấy áp lực khi luôn phải phô diễn “phiên bản” hào nhoáng nhất của chính mình (15%), bị quá tải thông tin (10%), cảm giác ngợp thở (9%) và nỗi sợ “vắng mặt” khỏi mạng xã hội (9%). Những trạng thái tích cực và tiêu cực này xuất hiện xen lẫn với nhau, tùy thuộc vào tư duy của mỗi người trong mỗi thời điểm khác nhau.

Nếu thử nghiệm trên được Instagram chính thức áp dụng, có khả năng cao rằng lượt bình luận, hay comment, sẽ trở thành chỉ số tương tác có hiệu ứng mạnh mẽ hơn cả lượt like. Tuy nhiên, do sự đa dạng về kết cấu, độ dài và nội dung có thể tích cực hoặc tiêu cực của bình luận, nhiều người vẫn không thể tránh khỏi bị ảnh hưởng tới tâm trạng và đánh giá bản thân.

Thử nghiệm tại Australia cho thấy nhiều luồng ý kiến từ cộng đồng người dùng. Nhiều người tỏ thái độ bất bình với thay đổi trên và cảm thấy bị lợi dụng. Họ, đặc biệt là những người dùng Instagram để hỗ trợ việc kinh doanh, cho rằng việc giấu đi lượt like cũng sẽ giảm đi sức hút của mạng xã hội này. Ngoài ra, còn có nghi ngờ liệu đây có phải chiêu trò PR của ông lớn mạng xã hội.

Những nghi vấn là không thể tránh khỏi, song nếu đây thực sự là hành động với mục đích thuần túy nhằm cải thiện những ảnh hưởng tiêu cực của mạng xã hội, thì thử nghiệm này là đáng giá và kết quả có thể rất có lợi cho một số người.

Nguồn: