Trong năm qua, nhiều nhóm nghiên cứu trẻ đã phát triển các giải pháp dựa trên nền tảng blockchain để giải quyết những vấn đề khác nhau của xã hội.

Từ công nghệ Blockchain, người ta có thể xây dựng nhiều ứng dụng trong cuộc sống | Ảnh: Istock
Từ công nghệ Blockchain, người ta có thể xây dựng nhiều ứng dụng trong cuộc sống | Ảnh: Istock

Mặc dù công nghệ blockchain nghe có vẻ khó hiểu, nhưng ứng dụng của nó thực sự dễ nắm bắt. Blockchain bao gồm một danh sách các hồ sơ công khai – được gọi là các ‘khối’ – bảo mật bằng mật mã và dấu thời gian. Các khối này tồn tại vĩnh viễn và không thể thay đổi thông tin, trừ phi có được sự đồng ý của tất cả thành viên trong mạng ngang hàng, điều cực kì khó diễn ra.

Ở Việt Nam, blockchain đang thu hút được sự chú ý. Một số startup thậm chí đã ghi được dấu ấn nhất định trên “bản đồ” công nghệ blockchain thế giới. Tuy nhiên, các ứng dụng mới tập trung vào lĩnh vực game và tiền điện tử. Trong khi đó , tiềm năng ứng dụng blockchain tại các địa hạt khác là rất lớn.

Năm ngoái, cuộc thiVietnam Blockchain Hackathon 2021trong khuôn khổ Đề án 844 đã thu hút được hàng trăm sinh viên, lập trình viên, kỹ sư CNTT & doanh nghiệp khởi nghiệp tham gia nhằm tạo nên những ứng dụng giải quyết các vấn đề khác nhau của cuộc sống. Dưới đây là 5 dự án xuất sắc nhất vẫn đang được BTC và các cố vấn, trong đó có Công ty CP Vietnam Blockchain, thúc đẩy phát triển.

CovidPass: Hồ sơ xét nghiệm Covid-19 xác thực bằng công nghệ blockchain

Sinh ra trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 phức tạp, ứng dụng CovidPass có khả năng tạo ra các mã QR Blockchain “không thể giả mạo hoặc đánh cắp” để ghi nhận thông tin kể từ khi người dùng đăng kí xét nghiệm đến khi nhận được kết quả xét nghiệm âm tính/dương tính. Do tính tin cậy của công nghệ blockchain, mã QR này có thể được xuất trình cho các cơ quan chức năng khi cần di chuyển vào khu vực giới hạn.

Theo các nhà phát triển dự án, Covidpass có thể xác thực mà không cần can thiệp hay truy vấn vào dữ liệu gốc của đối tác (ở đây là bệnh viện), từ đó giảm thiểu lo ngại về rò rỉ thông tin cá nhân. Ứng dụng đã được triển khai tại bệnh viện Nguyễn Tri Phương và một số khu vực cần kiểm soát ra vào.

Vbchain: Hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số bằng công nghệ blockchain

Các doanh nghiệp chuyển đổi số phải đối mặt với nhiều bài toán mà công nghệ blockchain có thể giải quyết hữu hiệu như định danh điện tử, bảo mật thông tin và xác thực tính đúng đắn của dữ liệu. Tuy nhiên, không phải công ty nào cũng đủ tiềm lực kỹ thuật hoặc biết cách áp dụng công nghệ blockchain một cách nhanh chóng, tiết kiệm. Vbchain cung cấp một cách hiệu quả để các doanh nghiệp có thể xây dựng những ứng dụng số của riêng mình bằng bộ công cụ mà họ cung cấp. Ý tưởng cốt lõi đằng sau dự án này là khiến công nghệ Blockchain trở nên phổ biến ở mọi mặt trong quá trình chuyển đổi số.

Chẳng hạn, doanh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp có thể áp dụng VBchain để xây dựng một giải pháp truy xuất nguồn gốc có nhật kí vùng trồng minh bạch và liên thông tới nhiều hệ thống quản lý khác nhau. Doanh nghiệp trong lĩnh vực bán lẻ có thể tạo ra các tính năng bình chọn-đánh giá khiến đánh giá của người dùng trở nên đáng tin hơn, không thể bị sửa xóa và có thể truy vết khi cần. Đối với người dùng cuối, VBchain cung cấp công cụ giúp tra cứu và xác thực các dữ liệu đã mã hóa dưới dạng có thể đọc hiểu.

TraceCommerce: Sàn thương mại điện tử cho sản phẩm rõ ràng nguồn gốc xuất xứ

Trọng tâm của TraceCommerce là giúp các hợp tác xã/nông hộ có được một kênh giao tiếp, trao đổi hàng hóa đáng tin cậy với những tác nhân khác trong chuỗi giá trị nông nghiệp, đặc biệt là người tiêu dùng. Sử dụng công nghệ blockchain, dự án này đang phối hợp với nền tảng truy xuất nguồn gốc Agridential.vn để đưa hơn 600 loại sản phẩm đã triển khai truy xuất nguồn lên sàn thương mại điện tử.

Theo lý thuyết thì những sản phẩm cung cấp thông tin minh bạch sẽ được khách hàng đón nhận tốt hơn và đem lại doanh thu cao hơn cho người sản xuất. Các nhà phát triển tin rằng thông qua việc hỗ trợ những sản phẩm như vậy, họ sẽ giúp nông sản Việt Nam gia tăng giá thành và bảo vệ thương hiệu.

DigiPos: Bảo vệ quyền của chủ sở hữu tài sản kỹ thuật số

Khác với các tài sản vật lý, các tài sản trên môi trường số đều có khả năng sao chép một cách nhanh chóng, dễ dàng. Điều này đòi khỏi một giải pháp giúp chứng minh quyền tác giả, quyền sở hữu để những nhà sáng tạo có thể tự tin phát huy tài năng của bản thân và nhận được lợi ích kinh tế tương xứng.

Áp dụng công nghệ blockchain, DigiPos có thể giúp chứng minh quyền tác giả hoặc quyền sở hữu của những tài sản số (ví dụ như một bức hình hoặc đoạn phim) thông qua việc ghi lại bằng chứng về tài sản kỹ thuật số, phân biệt tài số gốc và tài sản sao chép, giám sát các hoạt động trao đổi và truy vết được tài sản số đó thuộc quyền sở hữu của đơn vị đăng kí nào. Hiện DigiPos đang triển khai áp dụng cho tài số dạng hình ảnh, nhưng sẽ sớm mở rộng cho nhiều loại tài sản số khác trong tương lai.

BOTP: Mật khẩu một lần dựa trên Blockchain

Mã xác thực OTP (One Time Password) là loại mật khẩu sử dụng một lần và được coi là lớp bảo vệ thứ hai cho các tài khoản trên mạng. Có nhiều dạng OTP với độ bảo mật khác nhau. Dự án BOTP mang tới một giải pháp thuận tiện để các doanh nghiệp có thể cấp phát hoặc quản lý mã xác thực OTP của mình trên nền tảng blockchain.

Vì mỗi khóa BOTP là duy nhất và không thể dự đoán được nên người dùng có thể giảm thiểu rủi ro so với việc dùng các dạng OTP khác trong trường hợp nhà cung cấp bị thao túng từ bên trong hoặc tấn công từ bên ngoài như các dạng OTP khác. Trên blockchain, người dùng có thể sử dụng danh tính được xác thực bởi một đơn vị trong nhiều dịch vụ do các đơn vị khác cung cấp.

Về lâu dài, tính bảo mật cao như vậy sẽ tạo điều kiện cạnh tranh và tăng đáng kể hiệu quả, chất lượng dịch vụ của các doanh nghiệp. Tại Việt Nam, BOTP đang có ý định tiếp cận 3 nhóm ngành là hệ thống ngân dàng, các dịch vụ mạng xã hội và các sàn giao dịch.