Bằng công nghệ thực tế ảo tăng cường, các nhà khảo cổ học đã "hồi sinh" một số loài động vật từ kỷ băng hà để khách tham quan bảo tàng có thể xem được từ điện thoại thông minh.
Khi các nhà khảo cổ tại khu vực khảo cổ kết hợp bảo tàng La Brea Tar Pits, California, muốn đưa những con voi ma mút, con lười mặt đất và sói khủng khiếp (Canis dirus) đã tuyệt chủng vào thế giới ảo cho khách tham quan dễ dàng quan sát, họ gặp phải một vấn đề: Chưa hề tồn tại mô hình 3D chính xác của các sinh vật này. Các mô hình đã có đến nay chủ yếu được dựng từ trí tưởng tượng của họa sĩ và do đó không đảm bảo tính chính xác về mặt cấu trúc, tạo hình hay chuyển động mà bảo tàng yêu cầu.
Vì vậy, các nhà nghiên cứu đã thu thập thông tin khoa học chi tiết về gần hai chục loài động vật - từ ảnh chụp bộ xương và video ghi lại hành vi của các loài hiện đại có liên quan - và hợp tác với một công ty trò chơi điện tử để phát triển hoạt hình 3D chính xác của các động vật kỷ băng hà.
Đầu tiên, họ tạo ra mô hình bộ xương 3D ảo, sau đó thêm da, lông và các chi tiết dựa trên kiến thức đã biết đến nay về động vật và hoạt hình hóa mô hình 3D này. Nhóm nghiên cứu đã "hoạt hình 3D hóa" 22 loài thực vật và động vật được khai quật từ La Brea Tar Pits, gồm voi ma mút (Mammuthus columbi), mèo răng kiếm (Smilodon Fatis) và voi răng mấu (Mammut americanum).
Các bước tạo ra hoạt hình 3D động vật kỷ băng hà.
Tiếp theo, họ tạo ra một ứng dụng điện thoại để du khách có thể thấy được các hoạt hình 3D này đang đứng và di chuyển trong khuôn viên bảo tàng. Chẳng hạn, nếu du khách bật ứng dụng và giơ điện thoại lên trước bãi cỏ gần lối vào bảo tàng, họ sẽ thấy trên màn hình một con voi ma mút 3D đứng ở lối vào La Brea Tar Pits, trong khi nghe các nhà khoa học giải thích về địa điểm khảo cổ và các loài động vật có ở đây. Các mô hình đến nay chưa đạt độ phân giải quá cao, nhưng độ phân giải thấp hơn cho phép ứng dụng của bào tàng tương thích với tất cả các loại điện thoại thông minh, kể cả những máy có công suất xử lý kém.
Theo kết quả khảo sát, khách tham sử dụng ứng dụng này nhớ được nhiều tên các loài động vật và môi trường sống của chúng hơn so với những khách chỉ nhận tài liệu in.
Bằng ứng dụng thực tế tăng cường của các nhà khảo cổ tại La Brea Tar Pits, người dùng có thể "chèn" hoạt hình chính xác của động vật kỷ băng hà vào các khung cảnh xung quanh để quan sát.
La Brea Tar Pits là khu vực khảo cổ có các hố hắc ín tự nhiên từ kỷ băng hà, có tuổi từ 2,5 triệu đến 11 nghìn năm. Nhờ khả năng "bẫy" và lưu giữ xương động vật của các hố hắc ín, qua nhiều thế kỷ, khu vực này tích tụ được rất nhiều động vật có xương sống kỷ băng hà - gồm ít nhất 59 loài động vật có vú và hơn 135 loài chim - cùng nhiều loài thực vật, động vật thân mềm và côn trùng. Đây cũng là một trong các khu vực khảo cổ được bảo tồn và nghiên cứu kỹ lưỡng nhất.
Nguồn:
Hoàng Nam tổng hợp