1. Google Chrome > Microsoft Edge
Edge là nỗ lực của Microsoft nhằm thay thế trình duyệt Internet Explorer mặc định trong hệ điều hành Windows đã khá “già cỗi”. Mặc dù đã được cải tiến khá nhiều, nhưng nói chung phần tiện ích mở rộng (extension) của Edge gần như không nhiều bằng của các trình duyệt khác. Bạn sẽ không thể tìm thấy một vài extension cơ bản như đồng bộ hóa thẻ hoặc các tính năng mạnh mẽ khác trong Edge. Do đó, cho đến giờ thì Edge vẫn chưa thể làm cho người dùng cảm thấy thỏa mãn.
Một trong những “ứng cử viên” sáng giá nhất có thể thay thế Microsoft Edge hiện nay chính là Google Chrome. Với một thư viện extension đồ sộ nhằm mục đích thêm nhiều chức năng hữu ích cho trình duyệt, Google Chrome cung cấp rất nhiều lựa chọn tinh chỉnh cho người dùng để tùy biến theo nhu cầu.
Khả năng đồng bộ của Google Chrome cho phép bạn truy xuất cùng các thẻ trình duyệt đang mở trên máy tính để bàn và điện thoại, máy tính bảng. Chrome mang đến cho người dùng những trải nghiệm duyệt web một cách nhanh chóng, bảo mật và cập nhật các tính năng mới thường xuyên. Dĩ nhiên Chrome cũng có một vài nhược điểm như bao sản phẩm khác, nhưng nói chung đối với hầu hết người dùng Windows 10 thì trình duyệt này của Google sẽ là một lựa chọn phù hợp để thay thế cho Edge.
2. VLC Media Player > Windows Media Player
Trình đa phương tiện Windows Media Player cũng đã khá nhiều tuổi và nó cũng hiện diện trong phiên bản Windows 10 mới nhất. Được đánh giá là không có nhiều thay đổi trong một thời gian dài, Windows Media Player hầu như đã bị người dùng quay lưng và bỏ mặc dù được tích hợp sẵn trong hệ điều hành.
Trong thời đại mà các tập tin đa phương tiện được truyền trực tuyến một cách rộng rãi trên mạng Internet, có thể đa số người dùng sẽ không thường xuyên mở Windows Media Player trên máy tính để nghe nhạc, xem phim nữa. Tuy nhiên, nói chung việc cài đặt sẵn một trình đa phương tiện tốt vẫn là việc khá quan trọng cho mọi người dùng máy tính.
Nói đến lĩnh vực này, có lẽ VLC Media Player là một lựa chọn tốt nhất. Công cụ này có thể trình phát mọi thứ mà bạn mở trong đó, từ các định dạng video cho đến những tập tin âm thanh. Nó cũng có thể tự phát đĩa DVD và hỗ trợ các chức năng tiên tiến như tách âm thanh từ video. Bạn cũng có thể sử dụng VLC để thiết lập một máy chủ đa phương tiện trong gia đình.
Vì lý do Windows Media Center đã bị loại bỏ kể từ Windows 8 trở đi nên việc phát đĩa DVD và Blu-ray trực tiếp trên máy tính trở nên khó khăn hơn. May mắn thay, VLC có bổ sung tính năng này và bạn có thể thiết lập tính năng AutoPlay để ứng dụng tự phát nội dung trên đĩa mỗi khi bỏ đĩa vào ổ quang.
3. Paint.NET > Microsoft Paint
Microsoft Paint là trình chỉnh sửa ảnh cơ bản được tích hợp sẵn trong hệ điều hành Windows. Dù đã được cải thiện rất nhiều so với thời kỳ đầu, nhưng đến thời điểm này, Paint được đánh giá là chẳng mang lại lợi ích gì ngoài công việc cắt xén đơn giản. Do đó, với những ai cần đến một trình biên tập ảnh với nhiều công cụ hơn thì Paint.NET chính là lựa chọn phù hợp.
Cho đến nay, Paint.NET đã trở thành một công cụ chỉnh sửa ảnh đơn giản và mạnh mẽ đến không ngờ, có thể sánh ngang tầm với những phần mềm chuyên nghiệp cùng lĩnh vực như Photoshop, Paint Shop Pro… Giao diện người dùng của Paint.NET được thiết kế để hỗ trợ làm việc theo lớp (layer), khả năng undo không giới hạn, tích hợp những hiệu ứng đặc biệt như blending, blurring,… cùng một loạt công cụ mạnh mẽ và hữu ích khác.
4. Notepad++ > Notepad
Notepad là trình soạn thảo văn bản tích hợp sẵn trong Windows, dù đã bị lu mờ so với đối thủ khổng lồ Microsoft Word nhưng nói chung vẫn là một tiện ích không thể thiếu. Hiện nay, có rất nhiều ứng dụng hữu ích cung cấp chức năng tương tự Notepad và Notepad++ là một trong số đó. Theo đánh giá, Notepad++ có kích thước nhỏ hơn so với Notepad và ít chiếm tài nguyên CPU hơn.
Công cụ này là một trình soạn thảo văn bản thô, vẫn giữ được nét đơn giản của Notepad nhưng có thêm nhiều tính năng hữu ích khác. Ứng dụng cung cấp khả năng tùy biến giao diện, cho phép chỉnh sửa nhiều tập tin cùng lúc và còn có tính năng kiểm tra lỗi chính tả giống như trình soạn thảo Microsoft Word.
Notepad++ cung cấp giao diện gồm nhiều thẻ để người dùng có thể mở cùng lúc nhiều tập tin. Công cụ này cũng cung cấp một vài tính năng dành riêng cho giới lập trình, chẳng hạn như đánh số dòng để tiện việc theo dõi lỗi khi viết chương trình. Ngoài ra, ứng dụng còn cung cấp mã hóa màu theo cú pháp, giúp cho việc đọc qua chương trình dễ dàng hơn.
5. ShareX > Snipping Tool
Nếu bạn đang dùng công cụ Snipping Tool để chụp ảnh màn hình Windows thì có một vấn đề khó chịu xảy ra là các hộp thông báo sẽ biến mất mỗi khi nhấn chuột, hoặc các trình đơn xổ xuống lập tức biến mất khi di chuột đi chỗ khác. Chính vì lý do đó, ShareX được ra đời và được xem là một giải pháp thay thế.
Phần mềm này hỗ trợ nhiều chế độ chụp ảnh màn hình: chụp toàn cảnh màn hình, chỉ chụp cửa sổ chương trình đang sử dụng, chụp theo nhiều khung hình khác nhau: hình chữ nhật, hình chữ nhật có các góc tròn, hình elip, hình tam giác, hình kim cương, hình đa giác, tự vẽ ra một khung hình để chụp, ghi lại phiên làm việc và lưu về dưới định dạng tập tin GIF.
Ngoài chức năng cơ bản là chụp ảnh màn hình, ShareX còn cung cấp loạt tính năng khá ấn tượng chẳng hạn như chỉnh sửa ảnh đã chụp, làm mờ, thêm watermark, tải ảnh lên đám mây. Một đặc điểm nổi bật của phần mềm chụp ảnh màn hình này là có thể tùy chỉnh phím tắt. Người dùng có thể sử dụng các phím tắt tùy chỉnh này để thực hiện nhanh hơn các thao tác như đăng nội dung trong clipboard, quay lại màn hình hoặc chụp ảnh một cửa sổ đang sử dụng.