Ông Đỗ Hoàng Sơn, Giám đốc Công ty Giáo dục Long Minh, một đơn vị hiếm hoi xuất khẩu được bản quyền sách giáo dục ra nước ngoài, nói về những thách thức đối với “người bán sách” và về những loại sách giáo dục có tiềm năng xuất khẩu của Việt Nam.

Ông Đỗ Hoàng Sơn (phải) và họa sĩ Bùi Tuấn Linh bên phiên bản bộ sách “Em thích giỏi Toán” do Malaysia mua bản quyền của Công ty Long Minh tại Hội Sách Hà Nội 2019. Ảnh: NVCC
Ông Đỗ Hoàng Sơn (phải) và họa sĩ Bùi Tuấn Linh bên phiên bản bộ sách “Em thích giỏi Toán” do Malaysia mua bản quyền của Công ty Long Minh tại Hội Sách Hà Nội 2019. Ảnh: NVCC

Muốn được vào vai người bán tại hội chợ sách quốc tế

Thưa ông, tại Hội Sách Hà Nội mới đây, nhà xuất bản Pelangi (Malaysia) đã mang đến trưng bày 7 cuốn sách Toán bằng tiếng Anh do họ mua bản quyền của Công ty Giáo dục Long Minh để xuất bản và phát hành ở 4 nước ASEAN. Xin ông cho biết, Công ty có kế hoạch xuất khẩu sách từ bao giờ hay đây chỉ là một kết quả tình cờ?

10 năm qua, rất nhiều người đã góp sức cho nhiều bộ sách với mục tiêu xuất khẩu của Công ty Long Minh nhưng tới nay chỉ có bộ sách “Em thích giỏi Toán” được ký hợp đồng và in bằng hai thứ tiếng Nga và Anh. Các dự án khác chúng tôi cũng tốn công sức nhiều lắm nhưng chưa có kết quả, đành phải kiên nhẫn đợi thêm.

Vì sao từ 10 năm trước, khi vừa mới tham gia lĩnh vực xuất bản, ông đã nghĩ ngay tới việc khó là làm bản thảo sách để xuất khẩu?

Năm 2008, tôi cùng mấy bạn làng xuất bản Hà Nội đến Đức dự Hội Sách Frankfurt - hội sách quốc tế thường niên lớn nhất thế giới - với mục tiêu học hỏi và mua bản quyền của các nhà xuất bản nước ngoài về dịch và xuất bản trong nước. Ở đó, để gặp các nhà xuất bản lớn thì phải lên lịch trước cả tháng mà nhiều khi họ chỉ dành cho mình 15-20 phút. Lịch của họ kín bưng nên phải đến trước giờ hẹn, đợi đến lượt. Mệt là ở chỗ, diện tích của Hội Sách Frankfurt rộng khoảng 40 héc-ta, tức là to gấp 10 lần trường THPT Chu Văn An ở Hà Nội; các toà nhà lại ở xa nhau, có xe bus để đi nhưng nhiều khi xe đông thì phải đi bộ. Đã thế, các nước có nhiều sách quý như Anh, Mỹ thường ở khu vực bảo vệ an ninh chống khủng bố, vào đó phải soi khám như kiểm tra an ninh ở sân bay. Mấy anh em đều nhiệt tình và khỏe nhưng phải đi lại và chờ đợi nhiều thành ra cũng “ức chế”. Trong một lúc như vậy, tôi nói với anh bạn cùng đi về ý tưởng làm sách đạt chuẩn quốc tế để hy vọng sau này đi Hội Sách Frankfurt sẽ được vào vai người bán (cười).

Thế người bạn đi cùng ông nói gì?

Là chuyên gia lâu năm của làng sách, anh ấy chỉ cười không bình luận gì. Anh ấy biết tôi nói thật lòng nhưng làm được hay không thì phải đợi xem sao vì việc này có vẻ tốn nhiều công sức và khó khả thi nên không ai dám mạnh mồm.

Theo ông lý do vì sao các bạn Malaysia lại quan tâm mua bộ sách Toán của Long Minh?

Công đầu trong khâu đàm phán ký hợp đồng thuộc về Trung tâm Bản quyền Con Sóc. Cách đây 2 năm, các bạn ấy mời tôi sang văn phòng của mình để gặp sếp nhà xuất bản Pelangi - nhà xuất bản hàng đầu về sách giáo dục của Malaysia.Ông sếp đó nguyên là giáo viên Toán. Ông bảo rất nể Việt Nam vì Việt Nam tuy nghèo nhưng lại đứng khá cao trong bảng xếp hạng PISA của OECD. Ông cũng rất nể thành tích thi Olympic Toán quốc tế của học sinh Việt Nam, nhiều năm luôn ở quanh top 10 nước có thành tích tốt nhất.

Và vì thế mà ông ấy muốn mua sách Toán của Việt Nam?

Thực ra các bạn Malaysia rất chuyên nghiệp nên không quyết định nhanh như vậy, ông ấy còn hỏi thêm nhiều thứ nữa và quá trình cũng lâu.

Họ còn muốn biết thêm điều gì về bộ sách?

Ông ấy còn hỏi thêm vì sao từ năm 2012, học sinh Việt Nam lại mang về nhiều giải ở cuộc thi Intel ISEF - cuộc thi khoa học kỹ thuật lớn nhất và lâu đời nhất thế giới của học sinh trung học.

Sau đó, ông hỏi tôi là có sách gì đặc sắc của Việt Nam bằng tiếng Anh để hợp tác với Pelangi bán ở thị trường ASEAN và thế là tôi có cơ hội giới thiệu mấy bộ sách Toán, truyện tranh, cờ vua của chúng tôi.

Khi tôi cho ông xem 3 cuốn trong bộ “Em thích giỏi Toán” chúng tôi làm chung với một nhà xuất bản ở Pháp, ông rất ngạc nhiên và bảo tôi gửi cho xem bản tiếng Anh. Đây là bộ sách với cách trình bày các bài toán trên các thẻ quạt hình dép tông do nhà xuất bản ở Pháp đưa ra, còn nội dung hoàn toàn của tác giả và hoạ sĩ Việt Nam. Khi các bạn Pháp mang bộ sách đến Hội Sách Frankfurt 2015 giới thiệu, có 10 nước quan tâm nhưng cuối cùng chỉ có người Nga ký hợp đồng, có lẽ vì người Nga thích toán khó của Việt Nam (cười). Tôi đã gửi bản thảo của cuốn sách lớp 2 cho đối tác Malaysia đọc và sau đó mấy tháng thì ký hợp đồng cả bộ 7 cuốn (2 mầm non và 5 cuốn cho tiểu học từ lớp 1 đến lớp 5).

Đối tác Malaysia có tìm hiểu về các tác giả của bộ sách này không?

Về họa sĩ Bùi Tuấn Linh thì họ không hỏi nhiều, họ xem các bản thảo tiếng Anh trên máy tính, các bản in bằng tiếng Việt và tiếng Nga; hình vẽ được người Pháp và người Nga ưng là ổn rồi.

Về nội dung các bài toán thì họ thẩm định trước khi đem ra in theo quy trình của họ. Tôi có nói với họ, nhà giáo Phạm Đình Thực là chuyên gia đã viết hơn 400 đầu sách toán cho các lứa tuổi mầm non và tiểu học của Việt Nam, bao gồm cả các sách cho giáo viên.

Nội dung tiếng Anh do chúng tôi làm khá tốt vì chịu trách nhiệm dịch và biên tập 7 cuốn sách từ tiếng Việt sang tiếng Anh là các bạn trẻ của Long Minh từng tham gia huấn luyện thi Intel ISEF.

Sách cờ vua, sách giáo dục STEM sẽ là hướng tiếp theo?

Hội Sách Frankfurt 2019 lại sắp khai mạc, ông có tham dự không và lần này có gì mới hơn để giới thiệu không?

Tôi không trực tiếp tham dự Hội Sách Frankfurt lần này nên ủy quyền cho Trung tâm Bản quyền Con Sóc chào bán bản quyền theo catalogue sách xuất khẩu của chúng tôi gồm các sách Toán, truyện tranh và sách cờ vua.

Đáng để khoe là lần này đã có bản tiếng Anh cuốn sách hình học phẳng “Niềm vui sáng tạo” của thầy Vũ Quốc Lương, nguyên giáo viên chuyên toán kỳ cựu của THCS Chu Văn An (Hà Nội).

Bản tiếng Việt đã được xuất bản cách đây mấy năm, nội dung của nó là các định lý thú vị mà thầy Vũ Quốc Lương sáng tạo ra trong quá trình dạy học, các bài toán đẹp phục vụ cho các giáo viên và học sinh yêu toán khó, toán chuyên.

Tới đây, bản thảo bộ truyện tranh “Người cầm quân” về CLB chơi cờ vua và đua xe đạp trong trường học của nhóm tác giả Phạm Tuấn Lâm cũng được làm mới bằng việc thêm vào chất STEM, sau đó dịch sang tiếng Anh.

Bộ sách cờ vua của huấn luyện viên quốc tế Lương Trọng Minh cũng có thể xuất khẩu được vì nó đã góp phần huấn luyện nên những kỳ thủ mang về nhiều huy chương quốc tế cho làng cờ thiếu niên Việt Nam.

Theo ông còn có những bộ sách nào khác của Việt Nam có tiềm năng xuất khẩu?

Theo kinh nghiệm của chúng tôi, để xuất khẩu được thì cần hoàn thiện bản thảo ở kênh hình cho thật tốt. Tôi không biết nhiều nhưng tôi nghĩ sách Toán thiếu nhi của PGS.TS Lê Anh Vinh và PGS. TS Chu Cẩm Thơ bên Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam có thể xuất khẩu được. Sách của họ có bản sắc riêng, công nghệ riêng. Hai tập sách hình học dành cho việc thi học sinh giỏi toán tầm Olympic quốc tế của thầy Nguyễn Minh Hà (THPT Chuyên Đại học Sư phạm Hà Nội) cũng đã có bản tiếng Anh và có khả năng sẽ xuất khẩu được.

Bộ sách về cờ vua của nhà xuất bản Kim Đồng vừa ra mắt mới đây gồm 7 cuốn dành cho lứa tuổi 4-9 cũng rất có tiềm năng, họa sĩ minh hoạ chính là bạn Bùi Tuấn Linh.

Tôi đồ rằng, một hướng lớn cho sách giáo dục Việt Nam trong thị trường xuất khẩu chính là sách về giáo dục STEM. Tôi hy vọng trong tương lai sẽ có nhiều sách giáo dục STEM được xuất khẩu bởi các nhóm tác giả đến từ ĐH Sư phạm Hà Nội, ĐH Sư phạm TPHCM, ĐH Giáo dục ( ĐH Quốc gia Hà Nội) và các chuyên gia nghiên cứu, thực hành giáo dục STEM như Nguyễn Thành Hải, Nguyễn Tố Khuyên, Đặng Văn Sơn, Hoàng Vân Đông, Dương Tuấn Hưng...

Tôi không thể kể hết các nhóm, còn rất nhiều thầy cô và chuyên gia quan tâm tới giáo dục STEM và họ đều có thể viết sách. Thế mạnh của Việt Nam là có giải pháp giáo dục STEM cho khu vực nông thôn theo cách sáng tạo riêng của chúng ta và đó là điều 3 tỷ người thu nhập thấp trên thế giới có thể cần. Hy vọng là như vậy (cười)

Vì sao việc xuất khẩu sách giáo dục của Việt Nam mới ở dạng tiềm năng?

Tôi nghĩ, tất cả những ai đã tham gia làm sách đều có ý định xuất khẩu nếu có cơ hội. Lý do nhiều người còn ngại là vì phải kiên nhẫn đợi lâu mới may ra có kết quả, chúng ta thực sự chưa có chiến lược cho việc xuất khẩu bản quyền xuất bản. Trước đây, tôi có biết một vài cuốn sách giáo dục của Việt Nam được xuất khẩu theo kiểu nhà xuất bản nước ngoài mua bản quyền trực tiếp từ tác giả, chứ không phải từ nhà xuất bản hay đơn vị bản quyền ở Việt Nam.

Hiện nay Hàn Quốc đã vươn lên thành cường quốc xuất khẩu bản quyền sách và họ đã dùng các mũi nhọn văn hóa khác như phim, âm nhạc, games… để mở đường, tạo hình ảnh đẹp cho thương hiệu hàng hóa Hàn Quốc xuất khẩu.

Chúng ta có thể làm tốt hơn họ trong tương lai nếu như chúng ta có mục tiêu như vậy và khi những người trẻ của chúng ta bắt đầu theo đuổi các mục tiêu này.

Cảm ơn ông về cuộc trò chuyện!

Công ty Giáo dục Long Minh thành lập năm 2008, tập trung vào mảng sách kiến thức phổ thông như Toán, cờ vua, khoa học tự nhiên và giáo dục STEM.