Khi cô gái người Thổ - một dân tộc ít người tới mức lần đầu tiên tôi nghe thấy – ôm đứa con vài tháng tuổi và khóc vì cuối cùng đã được thực hiện ước mơ xây một khu du lịch sinh thái bằng cách trồng rừng ở quê mình, thì nhiều giám khảo cũng khóc theo.

Vợ chồng cô gái người dân tộc Thổ tại cuộc thi. Ảnh: BTC cung cấp
Vợ chồng cô gái người dân tộc Thổ tại cuộc thi. Ảnh: BTC cung cấp

Đó là chuyện rất hiếm xảy ra, vì thi khởi nghiệp thường là những ý tưởng triệu USD, những bài toán thống lĩnh thị trường. Nhưng ở cuộc thi khởi nghiệp nông nghiệp này, là những câu chuyện ấm lòng người vô cùng…

Kim Vị và món quà tre

Tôi được ban tổ chức phân công đến Hà Nội sớm hơn một ngày, để hướng dẫn các bạn thực hiện phần thi thuyết trình trên sân khấu. 34 đội thi, có 6 đội từng thực hiện việc thuyết trình, còn lại là chưa bao giờ. Sự lo âu hiện rất rõ trên gương mặt, trong cái nắm tay của các bạn. 7 phút trên sân khấu đó, có thể là khoảng thời gian dài nhất mà những chàng trai người Mông, cô gái người Thái hay các bạn học sinh cấp ba ở Yên Bái từng trải qua.

Hoàng Kim Vị là một trường hợp lo âu nhất. Chàng trai trẻ này, từ Nghệ An đón xe ra thủ đô để thi, mang theo trong người là tất cả kỳ vọng của câu lạc bộ người khuyết tật của anh. Vị đi chân đất lên sân khấu, đứng xiêu vẹo vì cơn sốt bại liệt thuở nhỏ, và kể câu chuyện về cuộc đời một người khuyết tật không tìm được việc làm… Và vì không tìm được việc, anh chàng về phụ gia đình chăn nuôi gà, và từng bước phát hiện ra, là mình có thể “đóng gói” cái mô hình nuôi gà thả vườn, trồng cây và tiếp cận thị trường để nhân rộng ra cho các bạn khuyết tật khác cùng hoàn cảnh giống mình. “Nó có phải như mô hình nhượng quyền thương hiệu không?” – “Dạ em không biết đó là cái gì. Em chỉ muốn bày cho các bạn khuyết tật một mô hình làm việc để kiếm sống. Sau dần có thể xây được một cái quỹ nho nhỏ để hỗ trợ người khuyết tật kiếm các cơ hội cùng nhau làm kinh tế…”.

Ngồi với Vị, thấy bạn lo âu vô cùng, dù những bạn bè xung quanh dự thi đều bảo: Đến được đây là ai cũng có thể hỗ trợ nhau rồi. Nhưng tối đó, Vị không ngủ, mà thức để tập đi tập lại bài trình bày của mình. Vị xin cái ghế để ngồi trình bày, vì không muốn đem sự khuyết tật ra để làm người khác thương cảm, và tập trung vào mô hình mà anh chàng chia sẻ.

Anh Trần Trí Dũng, chuyên gia của tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp Thụy Sĩ SWISS EP bảo: “Điều hay nhất của những dự án như của Kim Vị là gì? Đó là việc dù kết quả cuộc thi có như thế nào đi chăng nữa, thì các bạn vẫn sẽ thực hiện, vì nó chính là cuộc sống của các bạn”. Và tôi đồng ý với nhận định này, khi không chỉ Vị, mà tất cả các dự án khởi nghiệp nông nghiệp đều có cùng một điểm chung: người thật, việc thật và dự án thật.

Buổi chia tay, Vị đứng nấn ná rất lâu trước khi đến gặp tôi, lấy một cây bút bi bằng tre và bảo: “Em mua của bạn thi khởi nghiệp từ tre để tặng thầy…”. Tự dưng, thấy cái sự ấm áp và chân thành của những bạn trẻ khởi nghiệp ở từ ruộng đồng thật có sức mạnh. Ừ, rồi các giám khảo, và chuyên gia nữa, sẽ về cùng với Vị hoàn thiện cái mô hình nuôi gà thả vườn của em, để nhân rộng lên, cho nhiều người khuyết tật có việc làm và thoát nghèo bền vững…

Tận dụng vốn liếng đất trời để làm giàu

Linh, cô gái dân tộc Thổ xinh đẹp, lên sân khấu và bắt đầu… khóc. Cô bảo, đây là 5 năm theo đuổi giấc mơ trồng một khu rừng, và làm du lịch bằng cách trồng thêm nhiều cây xanh nữa. Nhưng ai cũng bảo giấc mơ của cô là điên rồ. Nhưng bây giờ, chồng, con, và những người xung quanh đều bắt đầu ủng hộ. Cô kể về những gì mình mong muốn, và kết thúc bằng một câu trích dẫn quan trọng: cho đến khi những cái cây cuối cùng được chặt đi, con thú cuối cùng bị bắn chết, thì người ta mới hiểu rằng, tiền không thể ăn được. Rồi cô lại khóc. Và nhiều người khóc theo.

Điện, chàng trai dân tộc Tày lên thi sau Linh, thì kể chuyện… dũng mãnh hơn nhiều. Anh mang đến sản phẩm nước sốt mắc mật, là thứ “tuyệt chiêu” để làm ra món vịt quay Lạng Sơn trứ danh. “Cây này quê em đầy, công thức chế biến cũng đơn giản. Nhưng loay hoay mãi vẫn không ra được cái tỉnh miền núi này. Em muốn đem sản phẩm bán khắp Hà Nội, khắp Sài Gòn, bán luôn ở nước ngoài nữa. Không chỉ để mọi người biết đến sản vật quê em, mà còn là để mọi người đều được ăn ngon, và người dân quê em có cuộc sống sung túc hơn nhờ bán nước sốt mắc mật”. Tôi hỏi, đặc tính quan trọng nhất của người dân tộc Tày là gì? Anh chàng bảo, là “sự thật thà”. Thảo nào, làm ra sản phẩm nước sốt mắc mật ngon lành như thế mà anh định giá 5.000 đồng một túi to đùng. Và đúng như sự thật thà của người Tày, anh không biết nói đùa, nên khi giám khảo hỏi: “Nếu vào tới chung kết ở Sài Gòn, thì có sản phẩm chứng minh không?”. Anh nghĩ ngợi một hồi rồi bảo: “Em sẽ quay hẳn một con lợn bằng sốt mắc mật để thi chung kết”. Nói xong, anh lật đật gọi điện thoại để kiểm tra với vợ là mình có đủ tiền để… thực hiện lời hứa này không…

Người dân tộc Thái lại có một đặc tính riêng bên cạnh sự thật thà, đó là khả năng làm các công việc liên quan đến… nước. Giải pháp nuôi cá ở lòng hồ thuỷ điện không mới, nhưng kết hợp với một chuỗi giá trị liên tục như các sản phẩm cá khô, nước mắm và du lịch trải nghiệm thì khá hấp dẫn. Có hai chàng trai người Thái đi thi, nhưng chỉ có một cái… áo truyền thống dân tộc. Hai anh bảo nhau: đứa nào vào đến chung kết thì sẽ được cái áo. Vậy là kết quả vừa xướng lên, một chàng trai Thái vui vẻ mang áo lên tặng cho bạn mình…

Đây là năm thứ năm tôi ngồi chấm thi khởi nghiệp nông nghiệp của BSA và Trung ương Đoàn. Năm nào, cũng thấy ăm ắp năng lượng từ núi cao, từ sự thuần khiết của những mô hình kinh doanh gắn chặt với tài nguyên bản địa. Nhưng năm nay, rõ ràng những chàng trai cô gái này đã đi được một đoạn xa hơn nhiều. Mô hình kinh doanh đã rõ ràng, thậm chí có pha thêm một chút công nghệ để tạo giá trị gia tăng. Và hơn ai hết, họ bắt đầu biết tận dụng những thứ vốn liếng mà đất trời quê hương đã trao cho họ để đem đi làm giàu, không còn là những chuyến hành trình về xuôi làm công nhân nữa.