Để thực hiện được mục tiêu đưa doanh nghiệp trở thành trung tâm của hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia, chúng ta cần có những đổi mới về chính sách và cơ chế hỗ trợ, không chỉ từ Bộ KH&CN mà cả từ Chính phủ và các bộ, ngành liên quan.
Trong cuộc họp báo thường kỳ quý III vào ngày 9/10/2019 vừa qua, Bộ KH&CN cho biết, trong thời gian tới, Thủ tướng chính phủ sẽ chủ trì một phiên họp do Bộ tổ chức với mục tiêu tạo ra những dịch chuyển về chính sách để đưa doanh nghiệp thực sự trở thành trung tâm của hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia, một nhiệm vụ mà Bộ KH&CN đã tập trung thực hiện trong hai năm trở lại đây. Đây cũng là vấn đề mà Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam trong hội nghị Triển khai công tác ngành KH&CN năm 2019 đã từng đặt ra: “Chúng ta phải tiếp tục có cơ chế để doanh nghiệp thực sự là trung tâm của đổi mới sáng tạo, để có nhiều doanh nghiệp và viện nghiên cứu tư nhân chủ động đầu tư vào nghiên cứu, sao cho những phát minh, sở hữu công nghiệp… [của Việt Nam] chủ yếu phải từ khối này”.
Tái cấu trúc các chương trình quốc gia liệu đã đủ?
Cầu nối quan trọng nhất hiện nay giữa Bộ KH&CN và doanh nghiệp là các chương trình KH&CN quốc gia - những chương trình được thiết lập để tạo điều kiện cho các nhà khoa học, doanh nghiệp thực hiện các nghiên cứu và chuyển giao công nghệ, hoàn thiện công nghệ và một số công nghệ khả thi sẽ được hỗ trợ đến khâu sản xuất thử nghiệm ở lô số 0, và Quỹ Đổi mới công nghệ (NATIF) – nới thực hiện nhiệm vụ cho vay ưu đãi, hỗ trợ lãi suất vay, bảo lãnh vay vốn, hỗ trợ vốn cho các tổ chức, cá nhân và doanh nghiệp thực hiện nghiên cứu, chuyển giao, đổi mới và hoàn thiện công nghệ. Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam từng nhấn mạnh đến vai trò của các chương trình này “như một cách làm tốt để thúc đẩy hiệu quả các chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào KH&CN”.
Tuy nhiên, việc triển khai hơn 50 chương trình quốc gia do Bộ KH&CN trực tiếp quản lý hoặc do các bộ, ngành khác quản lý vẫn chưa hiệu quả do “chúng ta chỉ gắn chương trình với dòng tiền của nhà nước thông qua hình thức thực hiện nhiệm vụ KH&CN mà không đặt nặng vấn đề tìm giải pháp công nghệ cho chính doanh nghiệp”, như đánh giá của ông Lê Xuân Định, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch tài chính (Bộ KH&CN) trong phiên họp về nhiệm vụ tái cấu trúc chương trình quốc gia vào tháng 7/2019. Cũng có một số trường hợp xảy ra là bài toán mà nhà khoa học đặt ra với công nghệ “rất cao cường” nhưng lại khó áp dụng do chi phí nguyên liệu đầu vào lớn, tăng công đoạn xử lý hoặc đòi hỏi doanh nghiệp phải thay lại toàn bộ dây chuyền sản xuất… Đây là lý do giải thích vì sao, có nhiều sản phẩm từ các chương trình quốc gia chưa được doanh nghiệp lựa chọn để đổi mới công nghệ hay đổi mới chất lượng hàng hóa của mình trong khi các sản phẩm đó luôn được đánh giá “tốt”, “xuất sắc” trong những buổi nghiệm thu.
Do đó, vấn đề tái cấu trúc các chương trình KH&CN quốc gia, không chỉ là để tăng nội hàm đổi mới sáng tạo cho các doanh nghiệp tham gia mà theo định hướng của Bộ trưởng Bộ KH&CN Chu Ngọc Anh là “tạo ra cầu nối chính sách để các nhà khoa học đến với doanh nghiệp và cùng giải quyết các vấn đề của doanh nghiệp”. Đây cũng là cách để các doanh nghiệp có thêm nhiều cơ hội triển khai các hoạt động đổi mới công nghệ của mình.
Hiện tại, công việc thiết kế lại các chương trình quốc gia đang được Bộ KH&CN hoàn tất với mục tiêu soạn thảo các quy định mới về tiêu chí, nguyên tắc gắn nhiệm vụ KH&CN với sản phẩm đầu ra, với thực tiễn và thị trường; hoàn thiện tiêu chí sản phẩm để có thể khoán sản phẩm và chuyển sang chế độ hậu kiểm nhằm tạo điều kiện cho doanh nghiệp, dễ dàng tiếp cận được các nhiệm vụ thuộc các chương trình KH&CN quốc gia.
Không chỉ diễn ra với các chương trình KH&CN quốc gia sẵn có, tư duy “doanh nghiệp là trung tâm” đã được thể hiện rõ nét trong việc xây dựng và triển khai Chương trình KH&CN quốc gia Hỗ trợ nghiên cứu, phát triển và ứng dụng công nghệ của công nghiệp 4.0 (KC4.0/19-25). Tại buổi họp báo quý III/2019, ông Đàm Bạch Dương, Vụ trưởng Vụ Công nghệ cao (Bộ KH&CN) – một thành viên ban chủ nhiệm chương trình, cho biết: với mục tiêu hỗ trợ doanh nghiệp trong bối cảnh Việt Nam chuẩn bị cho CMCN4.0, nội dung chương trình xoay quanh hoạt động đổi mới của doanh nghiệp trong bối cảnh mới như nghiên cứu chuyển giao các công nghệ 4.0, nghiên cứu về quá trình chuyển đổi số…
Theo Thứ trưởng Bộ KH&CN Bùi Thế Duy, về cơ bản, chương trình KC4.0/19-25 gồm ba nhóm nghiệm vụ hỗ trợ doanh nghiệp: một số nhiệm vụ đánh giá khó khăn ảnh hưởng, vướng mắc cho doanh nghiệp khi tiến hành đổi mới công nghệ; hỗ trợ triển khai chuyển đổi mô hình kinh doanh của các doanh nghiệp trong CMCN4.0, “chúng tôi làm thử nghiệm với một số doanh nghiệp xem khi chuyển đổi mô hình kinh doanh như thế có thành công hay không, nếu thành công thì mình sẽ nhân rộng ra”; nghiên cứu một số công nghệ mũi nhọn của CMCN4.0 để tạo ra ưu thế cho doanh nghiệp Việt Nam… “Hiện nay chương trình mới bắt đầu, và mới có một số dự án triển khai, một số kết quả ban đầu nhưng chúng tôi đang tích cực tìm các dự án mới mà doanh nghiệp cần”, ông Đàm Bạch Dương đề cập đến hiệu ứng đầu tiên từ chương trình.
Cần cơ chế, chính sách hỗ trợ đổi mới sáng tạo
Những nỗ lực trong tái thiết kế và tái chuẩn hóa các chương trình KH&CN quốc gia theo hướng “doanh nghiệp là trung tâm” của Bộ KH&CN có thể như muối bỏ biển nếu không có sự song hành của một hệ thống cơ chế chính sách liên quan. Đó cũng là quan điểm mà Bộ trưởng Bộ KH&CN Chu Ngọc Anh đưa ra trong phiên họp tái cấu trúc các chương trình quốc gia: “Chúng ta cần nhìn nhận, đánh giá lại cơ chế, chính sách liên quan, nếu thấy bất cập thì phải điều chỉnh hoặc đề xuất phương án giải quyết kịp thời. Chúng ta cũng cần tạo điều kiện để có thể khuyến khích thực hiện những vấn đề mới, những bài toán có tính liên ngành, xuyên ngành cao”.
Hiện tại, việc tạo ra hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia mà trong đó, doanh nghiệp là nhân tố cốt lõi vẫn còn gặp “bất cập và vướng mắc”, cụm từ thường xuất hiện trở đi trở lại trong các phiên họp của Bộ KH&CN cũng như một số bộ, ngành khác tổ chức. Vậy nguyên nhân đến từ đâu? Nhìn lại quá trình triển khai các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp, có thể thấy nổi lên một số vấn đề liên quan đến cơ chế tài chính và thủ tục hành chính: ít doanh nghiệp lập quỹ phát triển KH&CN và nếu có thì khả năng sử dụng vốn chưa cao, ví dụ theo thống kê đến tháng 5/2017 của Sở KH&CN TP.HCM, chỉ có 113 doanh nghiệp trên địa bàn TPHCM lập quỹ, tức là chưa bằng 4% số lượng doanh nghiệp thành lập mới ở thành phố này trong năm, và 80 doanh nghiệp lập quỹ mới sử dụng được hơn 1/4 tổng số kinh phí của các quỹ; ít doanh nghiệp được thụ hưởng ưu đãi về vốn của nhà nước để đầu tư cho hoạt động đổi mới công nghệ, thể hiện một phần từ hoạt động hỗ trợ chưa hiệu quả của Quỹ NATIF, và ngay cả bản thân NATIF vẫn còn loay hoay với cơ chế tài chính do hành lang pháp lý hỗ trợ vẫn đang trong giai đoạn hoàn thiện; phần nhiều doanh nghiệp còn e ngại việc tham gia các chương trình quốc gia do các thủ tục hành chính nhiêu khê, ví dụ quy định về đấu thầu mua sắm thiết bị, máy móc, nguyên vật liệu từ ngân sách nhà nước phục vụ chưa phù hợp trong việc triển khai các nhiệm vụ KH&CN, gây chậm trễ về tiến độ triển khai, và e ngại rắc rối trong xử lý tài sản phát sinh sau dự án…
Trên thực tế, mặc dù đã có nhiều văn bản quy định được ban hành nhằm tháo gỡ các vướng mắc nêu trên nhưng vẫn chưa giải quyết được vấn đề ở nhiều mức độ quy mô, ví dụ Thông tư 63/2018/TT-BTC hướng dẫn một số điều của Nghị định 70/2018/NĐ-CP – nghị định quy định về việc quản lý, sử dụng tài sản được hình thành thông qua triển khai thực hiện nhiệm vụ KH&CN sử dụng vốn nhà nước - vẫn để “lọt lưới” trường hợp tài sản không là tài sản cố định như phản ánh về mô hình hỗ trợ chế phẩm sinh học có được thông qua nhiệm vụ “Nghiên cứu xây dựng hệ thống xử lý nước thải khu giết mổ gia súc tập trung tại làng nghề tiểu thủ công nghiệp thị trấn Đắk Hà” của bà Lê Thị Thủy (Sở KH&CN Kon Tum) trên cổng thông tin Hệ thống tiếp nhận, trả lời kiến nghị của doanh nghiệp vào tháng 12/2018.
Mặt khác, ở quy mô lớn hơn và mang tính bao trùm hơn thì có những chính sách và cơ chế khuyến khích nào để doanh nghiệp thực hiện đổi mới sáng tạo? Tại hội nghị Triển khai công tác ngành KH&CN năm 2019, ông Lê Tiến Trường, Tổng giám đốc Tổng Công ty Dệt may Việt Nam (Vinatex), từng nêu vấn đề: nếu doanh nghiệp đầu tư cho công nghệ 4.0, đầu tư vào công nghệ tiết kiệm năng lượng thì có được sử dụng lợi nhuận trước thuế không, có được miễn thuế thu nhập doanh nghiệp khi đầu tư vào đó không? Những vấn đề mà ông đưa ra cũng là ước muốn của nhiều doanh nghiệp đang muốn thực sự chuyển mình thông qua những hoạt động nâng cao chất lượng và sức cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường trong nước và quốc tế.
Công việc thiết kế lại các chương trình KH&CN quốc gia đang được Bộ KH&CN hoàn tất với mục tiêu soạn thảo các quy định mới về tiêu chí, nguyên tắc gắn nhiệm vụ KH&CN với sản phẩm đầu ra, với thực tiễn và thị trường; hoàn thiện tiêu chí sản phẩm để có thể khoán sản phẩm và chuyển sang chế độ hậu kiểm nhằm tạo điều kiện cho doanh nghiệp, dễ dàng tiếp cận được các nhiệm vụ thuộc các chương trình KH&CN quốc gia. Điều đó được thể hiện rõ nét trong việc xây dựng và triển khai Chương trình KH&CN quốc gia Hỗ trợ nghiên cứu, phát triển và ứng dụng công nghệ của công nghiệp 4.0 (KC4.0/19-25).
Khi thực hiện đề tài “Nghiên cứu, đánh giá tác động của cuộc CMCN lần thứ 4 đối với ngành Dệt may Việt Nam nhằm đề xuất định hướng chiến lược, chính sách và các giải pháp phát triển trong giai đoạn 2019-2030” (KC4.0/19-25), Vinatex cũng nhận thấy một số vấn đề khác: nếu áp dụng công nghệ 4.0, doanh nghiệp dệt may Việt Nam có thể hợp tác với nhiều doanh nghiệp trong nước để nội địa hóa sản phẩm hoặc kết hợp thành chuỗi để có thể đi với nhau ngay từ đầu, đặt hàng họ nghiên cứu tạo ra sản phẩm dành riêng cho mình… Tuy nhiên theo cách này thì doanh nghiệp sẽ đặt hàng không qua đấu thầu hoặc có thể mua sản phẩm giá cao vì sản phẩm đầu tiên có thể đắt hơn cả sản phẩm cùng loại của nước ngoài. Cái khó ở đây là một số cơ chế tài chính hiện hành chưa cho phép thực hiện điều đó trong khi “nếu không giải quyết được vấn đề này thì vấn đề liên kết chuỗi, nội địa hóa chắc chắn chỉ tồn tại trên giấy, không bao giờ thành hiện thực”, ông Lê Tiến Trường nói tại hội thảo “Ngành Dệt may Việt Nam trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0” vào đầu tháng 9/2019.
Do đó, để có thể giải đáp và tháo gỡ các vướng mắc về chính sách, cơ chế ưu đãi trong hội nghị tới, Bộ KH&CN đang xem xét và đánh giá các ưu đãi khuyến khích về chính sách tài chính cho doanh nghiệp đổi mới công nghệ nhằm đề xuất một số giải pháp khả thi.
Trong báo cáo “Việt Nam: Tăng cường năng lực cạnh tranh và liên kết của doanh nghiệp vừa và nhỏ, bài học kinh nghiệm trong nước và quốc tế” và “Việt Nam trước ngã rẽ: tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu thế hệ mới” công bố năm 2017, World Bank đã phân tích các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ và phát triển liên kết ở Việt Nam gồm các chương trình cấp nhà nước do Bộ Công thương, Bộ KH&ĐT, Bộ KH&CN quản lý và điều hành. Báo cáo đã chỉ ra, các chương trình này đều chung chung, hầu như không có khung phân tích, không có một cơ chế để theo dõi, không có chỉ tiêu chỉ số gì để giám sát, đánh giá hiệu quả. Không chỉ có vậy, đối với một số chương trình và chính sách hiếm hoi có các chỉ tiêu, mục tiêu liên quan đến giám sát và đánh giá thì liên tục vấp phải vấn đề như không thể đo lường mục tiêu, thiếu tiêu chí để xác định đầu ra... Chỉ có một số chương trình hỗ trợ đổi mới sáng tạo có sự hỗ trợ, kết hợp của các đối tác là những cơ quan uy tín ở các nước phát triển mới có khung logic ngay từ đầu và có khả năng giám sát, đánh giá kết quả đầu ra. |