Dịch bệnh là một dạng khủng hoảng sức khỏe cộng đồng mang tính nhân tạo mà không một Nhà nước, chính quyền nào, dù mạnh mẽ hiệu quả đến đâu cũng có thể dễ dàng xử lý nếu thiếu sự nỗ lực và đóng góp chung của từng thành viên cộng đồng.

Nhiều điểm phát miễn phí khẩu trang cho mọi người.
Nhiều điểm phát miễn phí khẩu trang cho mọi người.

Quan điểm quy giản xử lý dịch bệnh là trách nhiệm của nhà nước chưa đánh giá đúng vai trò và ý thức trách nhiệm của từng cá nhân trong việc xử lý những khủng hoảng mang tính cộng đồng.

Bối cảnh bùng phát Covid-19 ở Việt Nam và phản ứng ban đầu của Nhà nước.

Covid-19 đã bắt đầu xuất hiện ở Việt Nam theo như ghi nhận là vào ngày 23 tháng 01 năm 2020. Từ thời điểm chính thức phát hiện dịch cúm cho đến nay, chính quyền không ngừng đưa ra những biện pháp khác nhau để nhanh chóng kiểm soát dịch bệnh lây lan trên diện rộng và để minh bạch trong hoạt động phòng/chống dịch của Nhà nước.

Nhiều Bộ và các ban ngành Nhà nước ở Việt Nam đã làm việc chặt chẽ với nhau để đưa ra những chính sách kịp thời và hiệu quả. Ba ngày trước khi WHO công bố tình trạng khẩn cấp toàn cầu (30 tháng 01 năm 2020), Bộ Y tế đã bắt đầu cung cấp thông tin về dịch bệnh trên mọi kênh truyền thông chính thức của Nhà nước, qua SMS, và qua ứng dụng tin nhắn phổ biến nhất ở Việt Nam là Zalo. Chỉ khoảng 1 tuần sau đó, vào ngày mùng 02 tháng 02, Sở Giáo dục Đào tạo Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh tuyên bố cho học sinh nghỉ học đến hết ngày mùng 09 tháng 02 và tiếp tục kéo dài cho đến hết ngày 16 tháng 02 để phòng chống bệnh1. Bộ Y tế đồng thời cũng hợp tác với Bộ Giao thông và vận tải để tạm thời hạn chế giao thông qua lại giữa Trung Quốc và Việt Nam trong thời gian dịch bệnh.

Trong bối cảnh chung đó, giao thông qua lại dày đặc giữa các tỉnh thành phố của Việt Nam và Trung Quốc khiến Nhà nước gặp khó khăn rất lớn trong việc kiểm soát dịch bệnh. Một nghiên cứu trên tạp chí The Lancet đã mô hình hóa sự lây lan của bệnh tật đã cho thấy có khoảng 3,256 chuyến bay từ Vũ Hán Trung Quốc đến thành phố Hồ Chí Minh chỉ riêng trong tháng Giêng và tháng Hai năm 20192. Giao thông đường không, đường bộ, và đường sắt giữa Hà Nội và Trung Quốc đồng thời cũng vận chuyển qua lại một số lượng lớn hành khách qua lại biên giới liên tục trong tuần. Gần đây, 8 hành khách người Việt Nam đáp chuyến bay của Hãng Hàng không Phương Nam Trung Quốc kí hiệu CZ8315 về sân bay Nội Bài. Từ Nội Bài những người này đã đi 18km để tham dự một cuộc họp công ty. Năm người trong số này sau này xét nghiệm dương tính với Covid-19 và đã được cách ly ngay lập tức3. Tính đến ngày 11 tháng 02, năm 2020, có 15 người được xác nhận lây nhiễm Covid-19 ở Việt Nam4 hầu hết xuất phát từ nhóm bệnh nhân này, với số lượng người bị cách ly do giám sát do tiếp xúc trực tiếp là 249 trường hợp5.

Nguy cơ và thách thức vẫn tiếp diễn

Những nỗ lực vừa qua của các cấp chính quyền tại Việt Nam nhằm ngăn chặn nguy cơ xảy ra lan rộng dịch Covid-19 là đáng ghi nhận. Tuy nhiên mối nguy hiểm lớn vẫn đang tiềm tàng, bởi tốc độ sinh sản và thời kỳ ủ bệnh của Covid-19 hết sức thuận lợi để có thể lan truyền với tốc độ nhanh chóng. Chỉ số R0 của Covid-19 vẫn chưa được xác định chắc chắn, hiện không loại trừ khả năng có thể cao đến 4.08, có nghĩa là, một người nhiễm bệnh, có thể lây lan cho khoảng bốn người khoẻ mạnh6. Ngành y tế đã ghi nhận được nhiều trường hợp virus truyền trực tiếp từ người-qua-người. Tuy chưa có bằng chứng chắc chắn song người ta lo ngại rằng một người nhiễm bệnh hoàn toàn có thể không có bất kỳ biểu hiện nhiễm bệnh nào nhưng vẫn gây truyền nhiễm sang người khác7 trong thời gian ủ bệnh từ 2 cho đến 14 ngày8, thậm chí kéo dài 24 ngày9. Chính vì vậy, logic thông thường là cộng đồng cần phải hạn chế tiếp xúc và phơi nhiễm với bệnh tật bằng mọi giá, để có thể ngăn chặn sự bùng phát của dịch bệnh trên phạm vi toàn cầu.

Với những đặc điểm truyền nhiễm này, hoàn toàn dễ hiểu vì sao WHO tuyên bố tình trạng khẩn cấp toàn cầu và đề nghị các chính phủ cần phải hành động ngay lập tức ở cấp độ quốc gia, ngay cả khi những chứng cứ còn rất hạn chế để đưa ra quyết định này. Một số chính phủ cũng đưa ra hành động dứt khoát, áp đặt lệnh cách ly và cấm đi lại với những người bị phơi nhiễm Covid-19 hoặc từng đi qua Vũ Hán trong vòng 14 ngày trước đó. Với Trung Quốc, lệnh này ngay lập tức ảnh hưởng tới hơn 50 triệu người. Hoa Kỳ cấm hoàn toàn việc du hành đến Trung Quốc, giải pháp lần đầu tiên xuất hiện trong suốt 50 năm qua tính từ dịch đậu mùa những năm 196010.

Thay vì buông xuôi và coi dịch bệnh là hệ quả “không tránh khỏi”, “có nguồn gốc từ tự nhiên” xuất phát từ quá trình phát triển kinh tế xã hội, chúng ta tốt nhất nên đầu tư vào nâng cao năng lực ứng phó và phòng tránh dịch bệnh cho từng thành viên cộng đồng chúng ta ở Việt Nam, càng sớm càng tốt.
Thay vì buông xuôi và coi dịch bệnh là hệ quả “không tránh khỏi”, “có nguồn gốc từ tự nhiên” xuất phát từ quá trình phát triển kinh tế xã hội, chúng ta tốt nhất nên đầu tư vào nâng cao năng lực ứng phó và phòng tránh dịch bệnh cho từng thành viên cộng đồng chúng ta ở Việt Nam, càng sớm càng tốt.

Những quyết định phòng chống dịch bệnh một cách quyết liệt như vậy là cần thiết, dù đều dựa trên những bằng chứng và số liệu không đầy đủ, vì khi bằng chứng trở nên đầy đủ, dịch bệnh thường đã ở giai đoạn khó kiểm soát được. Để thấy được mức độ nghiêm trọng của đợt bùng phát dịch bệnh này có thể tham khảo thử nghiệm dẫn đầu bởi Eric Turner, một chuyên gia ở Viện An ninh Sức khỏe của Đại học John Hopkins. Ông dẫn đầu một cuộc tập dượt y tế, được biết đến dưới tên gọi “Sự kiện 201” (Event 201) vào tháng 10 năm 2019, dựa trên giả thuyết về việc bùng phát của bệnh cúm gây ra bởi Covid-19. Cuộc tập dượt này, được hỗ trợ bởi Bill and Melinda Gates Foundation. Mô hình bùng phát dịch bệnh dự đoán rằng có khoảng 65 triệu người trên toàn thế giới sẽ chết trong vòng 18 tháng11. Tình hình thực tế có vẻ hết sức đáng ngại, khi tỉ lệ những người nằm trong tình trạng nguy kịch với những triệu chứng bệnh trầm trọng như viêm phổi, suy hô hấp, và giảm tiểu cầu gây ra bởi Covid-19 ở mức cao12, điều này khiến loại virus này mang những đặc tính nguy hiểm giống như MERS and SARS13. Những đặc tính này của virus sẽ đặt gánh nặng khủng khiếp nên những hệ thống y tế quốc dân của những quốc gia vốn đã rất hạn chế trong việc hỗ trợ, và ứng phó với tình trạng khẩn cấp, khi số lượng bệnh nhân nguy kịch cần phải nhập viện điều trị tăng cao.

Số lượng lây nhiễm virus trên thực tế sẽ luôn cao hơn số trường hợp có thể chính thức ghi nhận được tại các cơ sở y tế, trong khi quy trình xét nghiệm Covid-19 cũng khó hơn việc xét nghiệm những loại virus khác, yêu cầu cơ sở xét nghiệm phải trực tiếp cộng tác với WHO, và chỉ một số hạn chế bệnh viện cùng các cơ sở y tế mới đủ điều kiện an toàn và phương tiện để có thể tiến hành loại xét nghiệm này.

Tuy đã áp dụng các giải pháp hạn chế đi lại nhưng rất khó tránh được tình trạng bệnh tật truyền nhiễm vượt ra khỏi giới hạn của biên giới quốc gia khi những nền kinh tế trên thế giới ngày càng kết nối và phụ thuộc chặt chẽ lẫn vào nhau. Vào tháng 10 năm 2019, chính quyền Việt Nam và Trung Quốc đã đạt được thỏa thuận chung, theo đó cả hai chính quyền sẽ nới lỏng an ninh biên giới để có thể hỗ trợ hàng ngàn công dân Việt Nam và Trung Quốc qua lại hai bên biên giới để làm việc. Những quy định mới này hiển nhiên, sẽ khiến cả hai quốc gia, gặp nhiều khó khăn trong việc kiểm soát truyền nhiễm vi khuẩn và virus gây bệnh giữa hai đường biên giới. Tính từ ngày đầu tiên của đợt dịch bệnh bùng phát này, Việt Nam đã một phen hú hồn khi 30 học sinh ở Điện Biên, thuộc vùng núi phía Bắc Việt Nam đột nhiên có những triệu chứng sốt ho do nhiễm virus sau khi tiếp xúc với cha mẹ của các em đi làm ở nước ngoài về14. Chính quyền khẳng định đây “chỉ là bệnh cúm thông thường.” Giới chức địa phương ban đầu rụt rè, song sau này gạt bỏ một cách chắc chắn khả năng địa phương họ đã bị lây nhiễm loại virus mới. Cuối cùng thì, cho dù thực tế trường học ở tỉnh Điện Biên đã bị ảnh hưởng bởi Covid-19 hay không, thì tình hình đã từng xảy ra ở tỉnh Điện Biên cho thấy những khó khăn mà chính quyền các cấp có thể gặp phải ngay cả khi họ đã hết sức nỗ lực trong việc minh bạch hóa thông tin dịch bệnh, và ban hành những chính sách phòng chống dịch bệnh hiệu quả và phù hợp.

Không thể trông chờ tất cả ở Nhà nước

Quan sát phản ứng của công chúng trong thời gian diễn ra dịch bệnh có thể thấy không ít những ý kiến thể hiện sự không hài lòng hoặc cảm thấy phiền hà với những chính sách ứng phó của chính quyền. Ví dụ sự hoài nghi đối với quyết định cho phép các trường phổ thông và các trường Đại học được nghỉ học phòng bệnh từ ngày mùng 2 tháng 2, khi mới vẻn vẹn chỉ có 8 trường hợp xác nhận nhiễm Covid-19 trên phạm vi cả nước; nhiều phụ huynh phàn nàn rằng họ không có ai ở nhà trông con, do trường học đóng cửa, vì vậy, họ buộc phải đưa con đến nơi làm việc, khiến cho các em có thể dễ dàng bị phơi nhiễm với bệnh tật ở nơi công sở; lo ngại về vi phạm “quyền riêng tư” của các cá nhân khi những người quản lý chủ động công bố thông tin của những người nhiễm bệnh/tình nghi nhiễm bệnh trên các phương tiện thông tin đại chúng; ngược lại có ý kiến cho rằng Chính phủ vẫn còn đang lơi lỏng và chưa mạnh tay đúng mức, ví dụ, chưa đóng cửa biên giới sớm để kiểm soát dịch bệnh15 mặc dù WHO cho rằng việc này không có hiệu quả trong việc kiểm soát dịch bệnh16, v.v.

Những ý kiến nêu trên có thể tùy thuộc vào nhận thức cá nhân trong điều kiện thông tin chưa đầy đủ ở từng thời điểm, nhưng nhìn chung chúng phần nào thể hiện tâm lý trông cậy và đòi hỏi quá nhiều ở chính quyền, không thấy rằng chính quyền chỉ là một trong những thành tố tạo thành sức phòng vệ của một cộng đồng xã hội trước bệnh dịch và những vấn đề phát sinh liên quan.

Một trong số những nghiên cứu thuộc diện kinh điển về vai trò của công chúng trong việc phòng tránh thảm họa là quyển sách Nạn đói và hành động của công chúng (Hunger and Public Action) viết bởi Jean Dreze và Amartya Sen. Trong quyển sách này, Dreze và Sen viết rằng: “Hành động vì mục đích công cộng được chúng tôi nói đến trong quyển sách này không chỉ là để chỉ những hành động từ phía Nhà nước, mà còn để chỉ hành động của từng thành viên trong xã hội”17. Dreze và Sen đã viết quyển sách này nhiều thập kỷ trước, ở thời điểm đó, họ đã chứng minh một cách thuyết phục rằng nạn đói ở đây, không phải là thảm hoạ tự nhiên. Và rằng ngay cả nạn đói là thảm họa nhân tạo và hoàn toàn có thể phòng tránh. Ngày nay, trong bối cảnh của dịch bệnh Covid-19bùng phát, công chúng cần phải được nhắc nhở thêm một lần nữa rằng, virus có thể sinh ra trong tự nhiên, nhưng chỉ có thể bùng phát thành thảm họa, phần nhiều là do quyết định của từng con người trong xã hội. Và hiển nhiên, việc phòng tránh và kiểm soát dịch bệnh, không thể chỉ là công việc của chính quyền trung ương mà phần nhiều là từng cá nhân trong cộng đồng, dù ít dù nhiều, đều có phần trách nhiệm. Từng thành viên cộng đồng có thể là nguyên nhân, và là đối tượng phải cùng giải quyết hậu quả.

Hơn bao giờ hết, chúng ta đang sống trong một xã hội mà quyết định của một cá nhân có thể ảnh hưởng đến sinh mệnh của cả cộng đồng. Hành vi khạc nhổ của một con người ở một góc phố đông người, sự cẩu thả của một chủ quán ăn, hay một phụ huynh cố gẳng đẩy con mình đến trường ngay cả khi trẻ có dấu hiệu ốm sốt, đều có thể là mắt xích trong chuỗi tác nhân dẫn tới bùng phát bệnh dịch.

Những chính sách của chính quyền trung ương chỉ phát huy được hiệu quả và đáng tin cậy nếu bản thân những quan chức địa phương, bác sĩ, nhà nghiên cứu, nhà quản lý trường học, thầy cô, người lao động, và phụ huynh học sinh làm tốt phần việc của mình đối phó với dịch bệnh. Nếu nhân viên chính quyền địa phương thất bại trong việc kiểm tra và kiểm soát những sự cố nghi ngờ phát sinh ở địa phương mình, không thông báo và tìm kiếm sự trợ giúp đúng lúc; nếu phụ huynh học sinh thất bại trong việc cách ly bản thân và trẻ em khi gia đình có người có biểu hiện mắc bệnh, thì có lẽ bệnh tật sẽ liên tục lây lan với tốc độ chóng mặt. Khi đó, không một chính phủ nào, dù mạnh đến mức nào, có thể chịu trách nhiệm về sự bùng phát của bệnh tật. Tất cả chúng ta, từng cá nhân trong xã hội đều có một phần trách nhiệm trong việc này.

Tuy nhiên trách nhiệm đạo đức của cá nhân đối với cộng đồng mà anh ta đang sống là điều mà theo quan sát của người nghiên cứu nhân học như chúng tôi, còn rất yếu ở Việt Nam. Nếu phát huy được ý thức trách nhiệm của mình trước một nguy cơ lớn với cộng đồng cũng như với toàn cầu, mỗi cá nhân chúng ta sẽ tự chủ động nhìn nhận những việc cần làm, những lợi ích riêng cần chấp nhận hi sinh. Khi đó chúng ta sẽ không quá lo lắng về việc con em mình phải nghỉ một vài buổi học, về việc không bán được nông sản, hay về việc nền kinh tế sẽ mất một vài phần trăm tăng trưởng GDP...

Chú thích:

1. https://vietnaminsider.vn/schools-temporarily-closed-over-coronavirus-concerns/

2. https://www.thelancet.com/journals/lancet/article/PIIS0140-6736(20)30260-9/fulltext#fig1

3. https://vietnaminsider.vn/vietnam-confirms-10th-patient-infected-with-ncov/

4. https://vietnamnet.vn/vn/suc-khoe/suc-khoe-24h/virus-corona-moi-tai-viet-nam-da-lay-sang-the-he-thu-3-615534.html

5. https://vietnamnet.vn/vn/suc-khoe/suc-khoe-24h/sau-9-ca-duong-tinh-virus-corona-vinh-phuc-giam-sat-249-nguoi-615256.html

6. http://theconversation.com/r0-how-scientists-quantify-the-intensity-of-an-outbreak-like-coronavirus-and-its-pandemic-potential-130777

7. https://news.zing.vn/benh-nhan-thu-13-nhiem-ncov-o-viet-nam-co-the-da-bo-qua-dau-hieu-benh-post1044483.html

8. https://www.cdc.gov/coronavirus/2019-ncov/about/symptoms.html

9. https://www.medrxiv.org/content/10.1101/2020.02.06.20020974v1.full.pdf

10. https://www.usatoday.com/story/news/politics/2020/01/31/coronavirus-donald-trump-declares-public-health-emergency/4625299002/

11. https://hub.jhu.edu/2019/11/06/event-201-health-security/ và

http://www.centerforhealthsecurity.org/event201/

12. https://www.thelancet.com/journals/lancet/article/PIIS0140-6736(20)30154-9/fulltext

13. https://foreignpolicy.com/2020/01/26/2019-ncov-china-epidemic-pandemic-the-wuhan-coronavirus-a-tentative-clinical-profile/

14. https://www.tienphong.vn/giao-duc/dien-bien-hang-chuc-hoc-sinh-ho-sot-deu-tiep-xuc-voi-bo-me-tu-trung-quoc-ve-1515843.tpo

15. https://laodong.vn/su-kien-binh-luan/tinh-tao-de-quyet-dinh-dong-cua-bien-gioi-tam-thoi-phong-dich-corona-780562.ldo

16. https://tuoitre.vn/who-dung-dong-cua-bien-gioi-vi-virus-corona-co-the-lay-lan-nhanh-hon-2020013120241448.htm

17. Dreze, Jean, and Amartya Sen (2002). Hunger and Public Action. New York: Oxford University Press, 2002, trang vii.