Trong thời kỳ chuyển đổi số, chuẩn bị cho việc tiếp cận cuộc cách mạng công nghệ lần thứ 4 ở Việt Nam, NAFOSTED và NATIF - hai quỹ do Bộ KH&CN quản lý, cần cơ chế hoạt động khác biệt so với những quỹ tài chính ngoài ngân sách nhà nước khác để có thể phát huy vai trò và đóng góp của mình.

Viện Tế bào gốc (ĐHQG TPHCM) là một trong những nơi triển khai các nghiên ứng và ứng dụng tốt trên kết quả đề tài do NAFOSTED tài trợ. Nguồn: Viện Tế bào gốc
Viện Tế bào gốc (ĐHQG TPHCM) là một trong những nơi triển khai các nghiên ứng và ứng dụng tốt trên kết quả đề tài do NAFOSTED tài trợ. Nguồn: Viện Tế bào gốc

Một bức tranh tổng thể về hoạt động của các quỹ tài chính ngoài ngân sách nhà nước đã được khái quát sau cuộc giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách nhà nước giai đoạn 2013-2018. Trong giai đoạn này, nhiều quỹ được thành lập để giải quyết một số nhiệm vụ đặc thù mà không cần thực hiện đúng quy trình về dự toán ngân sách hằng năm hoặc trải qua những thủ tục ngân sách một cách chặt chẽ. Tại buổi làm việc giữa Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Chính phủ vào ngày 5/8/2019, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết, ở giai đoạn này, cả nước có trên 40 quỹ/loại quỹ tài chính nhà nước hoạt động, trong đó 28 quỹ do 17 bộ, cơ quan trung ương quản lý, chiếm khoảng 95% tổng nguồn vốn hoạt động các quỹ tài chính nhà nước (5 quỹ có quy mô lớn là Quỹ phát triển đất, Quỹ đầu tư phát triển, Quỹ bảo vệ môi trường, Quỹ phát triển nhà ở, Quỹ bảo vệ và phát triển rừng).

Trên nền tảng chung đó, NAFOSTED và NATIF là hai quỹ có tính chất hoạt động và đối tượng tài trợ, hỗ trợ mang nhiều nét khác biệt với những quỹ còn lại: một bên đầu tư cho nghiên cứu cơ bản trong lĩnh vực khoa học tự nhiên, khoa học xã hội nhân văn thông qua việc thực hiện nhiệm vụ KH&CN, hỗ trợ hoạt động nâng cao năng lực KH&CN quốc gia; một bên hỗ trợ tài chính cho các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân thực hiện hoạt động nghiên cứu, ứng dụng, đổi mới, chuyển giao công nghệ và khởi nghiệp sáng tạo. Sự hiện diện của hai quỹ không chỉ đem lại luồng gió mới trong đầu tư cho KH&CN, đổi mới sáng tạo mà còn giới thiệu cho Việt Nam một cách quản lý mới theo thông lệ quốc tế, như đánh giá của Phó Chủ nhiệm chuyên trách Ủy ban Tài chính – Ngân sách của Quốc hội Đinh Văn Nhã trong buổi làm việc với Bộ KH&CN ngày 25/3/2019: “Đây là những quỹ không thể không có bởi hai quỹ này vận hành theo thông lệ quốc tế, áp dụng mô hình, đổi mới phương pháp, cung cấp nguồn quỹ mới. Chúng ta nên duy trì mô hình này”.

Những giá trị mang lại

Dưới sự quản lý của Bộ KH&CN, hai quỹ NAFOSTED và NATIF đều thực hiện các nhiệm vụ KH&CN, đổi mới sáng tạo công nghệ theo những cách thức tiếp cận khác nhau. Với NAFOSTED, công việc tài trợ cho nghiên cứu khoa học cơ bản, hợp tác song phương, nghiên cứu đột xuất – tiềm năng và một số nhiệm vụ KH&CN khác do Bộ KH&CN, chính phủ giao đã được thực hiện một cách rõ ràng, minh bạch theo tiêu chuẩn quốc tế. Do đó, những khoản đầu tư từ ngân sách nhà nước, ví dụ như 1.534 tỷ đồng được phê duyệt cho nghiên cứu cơ bản trong lĩnh vực KHTN&KT giai đoạn 2009-2018, 260 tỷ đồng phê duyệt cho nghiên cứu KHXH&NV, đã đem lại nhiều kết quả khác biệt cho khoa học Việt Nam: tài trợ cho 10.000 lượt nhà khoa học, trong đó số lượng các nhà khoa học trẻ chiếm số lượng lớn (các chủ trì đề tài dưới 40 tuổi dao động chiếm từ 55 đến 65%); số lượng công bố trên tạp chí ISI là sản phẩm của đề tài do quỹ tài trợ gia tăng từ 20 đến 30% hằng năm và chiếm trên 50% công bố ISI được từ ngân sách nhà nước tài trợ (trung bình mỗi đề tài 3 công bố ISI); cải thiện chất lượng nghiên cứu và đào tạo tại các trường đại học, viện nghiên cứu…

Dây chuyền đóng lon sản phẩm nước cốt dừa của công ty chế biến dừa Lương Quới, nơi ứng dụng thành công công nghệ chế biến mới, đảm bảo sản phẩm đạt tiêu chuẩn quốc tế. Ảnh: cafef
Dây chuyền đóng lon sản phẩm nước cốt dừa của công ty chế biến dừa Lương Quới, nơi ứng dụng thành công công nghệ chế biến mới, đảm bảo sản phẩm đạt tiêu chuẩn quốc tế. Ảnh: cafef

Nhìn rộng hơn, hình thành một môi trường nghiên cứu nghiêm túc, bình đẳng và dựa trên chất lượng công bố để tạo đà cho những phát triển khác của nền khoa học Việt Nam, đó là cơ sở phát triển công nghệ và đổi mới sáng tạo, góp phần gia tăng đóng góp của khoa học vào đời sống kinh tế xã hội.

Đây là một trong những cơ sở quan trọng để NATIF ra đời và năm 2014 và hứa hẹn trở thành một phần của chính sách lấy doanh nghiệp là trung tâm của hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia mà Bộ KH&CN đang thực hiện thông qua việc hỗ trợ doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao, đổi mới, hoàn thiện công nghệ được khuyến khích; hỗ trợ ươm tạo công nghệ, ươm tạo doanh nghiệp KH&CN, doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo; hỗ trợ đào tạo nhân lực KH&CN phục vụ việc nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao, đổi mới, hoàn thiện công nghệ...

Dù chưa có “thâm niên” hoạt động như NAFOSTED nhưng NATIF đã “chọn được 184 đề xuất từ 300 hồ sơ gửi đến và tiến hành ký 27 hợp đồng tài trợ; hiện còn có 57 nhiệm vụ đang được thẩm định để có thể tiến hành ký hợp đồng” như lời báo cáo tổng kết năm 2018 của ông Nguyễn Đình Bình, giám đốc NATIF, trong phiên họp tổng kết Khối Ban, Quỹ Bộ kH&CN vào cuối tháng 12/2018. Tuy gặp một số vấn đề khúc mắc về cơ chế tài chính kể từ năm 2018 nhưng NATIF cũng bước đầu đạt được một số kết quả tài trợ, hỗ trợ: công ty chế biến dừa Lương Quới ứng dụng thành công công nghệ chế biến mới, đảm bảo sản phẩm đạt tiêu chuẩn quốc tế, xuất khẩu tới 16 quốc gia; công ty Sơn Hải Phòng hoàn thiện công nghệ sản xuất nhựa Alkyd đem lại sản phẩm có thể thay thế sơn nhập ngoại; công ty thủy sản Việt Nam san xuất được tôm bố mẹ sạch bệnh và kháng bệnh, tiết kiệm gần 900 tỷ đồng/năm, theo báo cáo của ông Nguyễn Đình Bình tại lễ tổng kết Khối Ban, Quỹ Bộ (KH&CN) vào tháng 12/2019.

Vướng mắc từ cơ chế tài chính

Những đổi mới về cơ chế tài chính kể từ khi Luật Ngân sách nhà nước chính thức có hiệu lực từ tháng 1/2017 đã khiến hoạt động của NAFOSTED và NATIF ít nhiều gặp khó khăn, đặc biệt là NATIF. “Sự không đồng bộ giữa Luật Ngân sách nhà nước và một số luật khác như Luật Chuyển giao công nghệ khiến NATIF không có kinh phí để triển khai tài trợ dù về cơ bản cũng có đủ các văn bản pháp lý về chức năng tài trợ”, theo ông Nguyễn Đình Bình. Theo Luật Ngân sách nhà nước thì NAFOSTED và NATIF thuộc nhóm quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách, hoạt động độc lập với ngân sách nhà nước và theo Nghị định số 163/2016/NĐ-CP của chính phủ hướng dẫn một số điều của Luật Ngân sách nhà nước, thì ngân sách nhà nước không hỗ trợ kinh phí hoạt động cho các quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách, trường hợp được ngân sách nhà nước hỗ trợ vốn điều lệ khi đáp ứng đủ các điều kiện: được thành lập và hoạt động theo đúng quy định của pháp luật; có khả năng tài chính độc lập; có nguồn thu, nhiệm vụ chi không trùng với nguồn thu, nhiệm vụ chi của ngân sách nhà nước. Do đó, trong báo cáo tổng kết, TS. Đỗ Tiến Dũng, giám đốc NAFOSTED nói, “nếu là quỹ thì không được bổ sung vốn còn nếu là đơn vị sự nghiệp thì phải cấp kinh phí theo cơ chế dự toán”.

Ông Nguyễn Đình Bình diễn giải cơ chế tài chính cũ ở thời điểm trước khi Luật Ngân sách nhà nước năm 2015 có hiệu lực, “phần vốn điều lệ của Quỹ trước đây thì được quy định là 1000 tỉ, khi hết và thiếu thì Quỹ sẽ báo cáo với Bộ KH&CN và Bộ Tài chính để bù cho đủ con số 1000 tỉ. Đấy là theo luật ngân sách cũ còn theo luật ngân sách mới thì không có cơ chế này, nếu đã ghi vốn điều lệ 1.000 tỉ, tức là sang năm Quỹ vẫn phải là 1.000 tỉ chứ không có chuyện bớt đi. Hiện nay, Quỹ mới chỉ thực hiện được chức năng tài trợ, mà tài trợ thì chỉ có không hoàn lại và ‘mất’ đi thôi”.

Với NATIF, hệ quả của những quy định mới là “đến năm 2017, chúng tôi không làm dự toán kinh phí cho năm 2018 được nữa. Kể từ năm 2018 và năm 2019, Quỹ gần như dừng - không phải dừng hoạt động mà là dừng mọi việc tiếp nhận các hồ sơ và ký hợp đồng tài trợ… Hai năm 2018 và 2019 gần như không làm được các việc đó”, theo báo cáo của ban quản lý NATIF.

Những khó khăn trong triển khai hoạt động tài trợ của NATIF, đặc biệt với các nhiệm vụ đã ký hợp đồng tài trợ, đã thể hiện rõ trong hoạt động của năm 2019. “Vừa rồi theo kế hoạch xét duyệt, NATIF tài trợ tiếp cho 27 nhiệm vụ nhưng thực tế là doanh nghiệp họ chờ lâu quá, ‘rơi rụng’ hết chỉ còn 20 thôi. Tức là vào tháng 4/2019, báo cáo với Phó thủ tướng Vương Đình Huệ là 27 nhiệm vụ nhưng đến khi rà lại để tiếp tục báo cáo Bộ Tài chính thì còn 24, sau đó đến tháng 11/2019 thì có một số đơn vị người ta tự bỏ kinh phí ra làm, không cần tài trợ của nhà nước nữa, cho nên đến khi giải ngân chỉ còn chính thức 20 tổ chức”, ông Nguyễn Đình Bình lý giải và cho biết thêm, “do kinh phí đến chậm nên NATIF không theo kịp tiến độ của doanh nghiệp”.

Hoạt động theo cơ chế nào?

Vấn đề của NAFOSTED hay NATIF là vấn đề không giống với các quỹ mà theo Luật Ngân sách nhà nước là quỹ ngoài ngân sách. “Các đồng chí ở Bộ Nội vụ cũng từng giải thích là đáng ra phải có một khung pháp lý chung để quy định các quỹ ngoài ngân sách là gì, bộ máy tổ chức, cơ chế hoạt động như thế nào nhưng chưa có bộ khung nào. Hơn 40 quỹ là hơn 40 nét đặc thù khác nhau nên có một khung chung là khó”, ông Nguyễn Đình Bình kể lại quá trình đi “gõ”các cửa tư vấn về trường hợp của NATIF.


Trong thời gian tới, Chính phủ tiếp tục tăng cường quản lý đối với các quỹ, đưa hoạt động của các quỹ đi vào thực chất, phù hợp với yêu cầu của tình hình mới: tập trung rà soát và sắp xếp lại các quỹ tài chính nhà nước; gắn với tăng cường năng lực cho bộ máy quản lý quỹ để giảm đầu mối, nâng cao tính độc lập và hiệu quả hoạt động của các quỹ, giảm sự chồng chéo, trùng lặp với ngân sách Nhà nước.

Trích ý kiến của Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng tại buổi làm việc của Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng quỹ tài chính Nhà nước ngoài ngân sách Nhà nước giai đoạn 2013-2018.


Sự khác biệt của NAFOSTED và NATIF đã được Phó Chủ nhiệm chuyên trách Ủy ban Tài chính – Ngân sách của Quốc hội Đinh Văn Nhã khái quát trong buổi làm việc với Bộ KH&CN, “quỹ tồn tại như vốn mồi cho KH&CN và đổi mới sáng tạo”. Vậy hai quỹ cần một mô hình khác? Nếu vậy thì đâu là một mô hình hoặc khung riêng để cho họ tồn tại và thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ của mình? “Trong buổi làm việc với Bộ KH&CN năm 2019, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ có giải thích: quỹ không là doanh nghiệp nhưng cũng không phải đơn vị hành chính sự nghiệp; trên thực tế quỹ là một mô hình hỗn hợp cần được làm rõ hơn trong điều lệ nhưng có điểm chốt: 1. là quỹ tài chính nhà nước trực thuộc Bộ KH&CN (như cơ quan nhà nước), 2. có vận dụng một số vấn đề về cơ chế tiền lương, cơ chế hoạt động nhưng hoạt động theo mô hình công ty TNHH 100% vốn nhà nước”, ông Nguyễn Đình Bình nói.

Trong nghị quyết 792/NQ-UBTVQH14 của Thường vụ Quốc hội về một số nhiệm vụ và giải pháp đẩy mạnh việc thực hiện chính sách pháp luật về quản lý, sử dụng các quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách nhà nước có nêu một số kết luận và giải pháp cho tình hình hiện nay của các quỹ tài chính ngoài ngân sách, nhấn mạnh đến sư trùng lặp của một số chức năng, nhiệm vụ của các quỹ, cần rà soát lại văn bản quy phạm pháp luật có liên quan trong quản lý điều hành. Đây cũng là hướng đi để NATIF và NAFOSTED xem xét và đánh giá lại các hoạt động tài trợ, hỗ trợ của mình. Ví dụ đối với NAFOSTED, Quỹ đã tạm dừng thực hiện chương trình cho vay và thực hiện đề nghị của Bộ KH&CN – Bộ Tài chính về việc rà soát sửa đổi Nghị định 23/2014/NĐ-CP về điều lệ và hoạt động của Quỹ để trình chính phủ; với NATIF, dự thảo điều lệ tổ chức và hoạt động của Quỹ đã được trình và bổ sung theo yêu cầu của Văn phòng Chính phủ.