Cách mạng công nghiệp lần thứ tư (CMCN4) mang lại rất nhiều cơ hội phát triển kinh tế xã hội với những tiến bộ khoa học công nghệ mang tính đột phá. Tuy nhiên, các chuyên gia thế giới cũng dự báo rằng cuộc cách mạng này tiềm ẩn nguy cơ làm gia tăng bất bình đẳng trên toàn cầu giữa các quốc gia cũng như bên trong mỗi quốc gia.

Trong kỷ nguyên 4.0, công nghệ đang dẫn đầu xu thế và làm gia tăng năng suất lao động trong rất nhiều ngành, nhiều lĩnh vực cũng như tạo cơ hội cho rất nhiều cá nhân. Tuy nhiên, những thành tựu có được từ cuộc CMCN4 đang được phân bổ không đều giữa các khu vực, quốc gia, cũng như trong nội tại mỗi quốc gia. Theo một nghiên cứu của viện nghiên cứu ODI, London, việc tăng phủ sóng kết nối internet đã giúp làm tăng 11% năng suất lao động ở các quốc gia có thu nhập trung bình, tuy nhiên, chỉ làm tăng 3% năng suất lao động ở các nước có thu nhập thấp. Hàm lượng phát minh sáng chế và đổi mới khoa học công nghệ hiện tập trung phần lớn ở các nước phát triển khiến gia tăng sự phân cực giữa các quốc gia thuộc các nhóm thu nhập khác nhau. Trong mỗi quốc gia, cuộc cách mạng này cũng có nguy cơ tạo ra khoảng cách ngày càng rộng giữa các nhóm thu nhập. Đội ngũ nhân lực có kỹ năng cao sẽ ngày càng chiếm lợi thế tuyệt đối trong khi nhiều nhóm công việc giản đơn đòi hỏi ít năng lực sáng tạo và kỹ năng đang dần được thay thế bởi tự động hóa.

Trước nguy cơ và xu hướng phân cực ngày càng rõ rệt, Việt Nam cần có một chiến lược phát triển tổng thể và bao trùm, để đảm bảo rằng không một cá nhân nào bị bỏ lại phía sau và Việt Nam không bị bỏ lại phía sau trong cuộc đua với các cường quốc. Dưới đây là một số xu hướng cần được quan tâm:

Thúc đẩy đổi mới sáng tạo và KHCN hướng đến các mục tiêu phát triển bền vững

Bên cạnh mục tiêu tăng trưởng, việc phát triển đổi mới sáng tạo và khoa học công nghệ cần hướng đến các mục tiêu phát triển bền vững. Xu thế này trên thế giới được các chuyên gia đặt tên là ‘Công nghệ vì những điều tốt đẹp’ (tech for good). Vì vậy, bên cạnh các quỹ hỗ trợ phát triển khoa học công nghệ và quỹ khởi nghiệp dành cho khu vực tư nhân, cần có những mô hình/vườn ươm hỗ trợ khởi nghiệp dành cho các doanh nghiệp xã hội, đặc biệt là các doanh nghiệp sử dụng công nghệ đột phá 4.0 để tạo ra ảnh hưởng xã hội lớn cũng như những doanh nghiệp đang tạo ra nhiều việc làm xanh (green jobs).

Giáo dục STEM được xem là giải pháp giúp trẻ em miền núi bắt kịp các khu vực có điều kiện kinh tế phát triển. Trong ảnh: Chuyên gia Nguyễn Thành Hải cùng các em nhỏ “làm kem siêu tốc”, Trung tâm Giáo dục cộng đồng TP Hà Giang, 20/7/2018. Ảnh: Cao Tuấn Vũ

Giáo dục 4.0

Giáo dục 4.0 nên trở thành một trong những trọng tâm để phát triển nguồn nhân lực 4.0. Giáo dục 4.0 hướng đến tạo ra những công dân toàn cầu, có kỹ năng thích ứng tốt với thị trường lao động 4.0. Đặc biệt, giáo dục 4.0 ưu tiên sử dụng phương pháp giáo dục mới nhằm gia tăng kết nối và tương tác giữa người học (ví dụ: học tập theo dự án, học tập theo cách giải quyết vấn đề) và công nghệ số trong giáo dục (ed tech) để đảm bảo rằng các cá nhân ở nông thôn và vùng khó khăn vẫn có thể tiếp cận với giáo dục tiên tiến qua kết nối internet và các mạng lưới học tập xuyên quốc gia.

An sinh xã hội dành cho tất cả mọi người

Tăng trưởng kinh tế cần đi liền với việc phân phối lại thu nhập cho các nhóm bị bỏ lại phía sau để hạn chế tình trạng nghèo xuyên thế hệ (intergenerational poverty) và hỗ trợ dịch chuyển xã hội (social mobility). An sinh xã hội, đặc biệt là trợ giúp xã hội từ nguồn ngân sách đóng vai trò quan trọng trong việc bảo vệ và hỗ trợ các cá nhân yếu thế và các cá nhân bị bỏ lại phía sau, đảm bảo rằng các cá nhân này và con của họ có thể leo lên các nấc thang thu nhập cao hơn trong tương lai.

Tận dụng lợi thế của nền kinh tế tự do (gig economy)

Gig economy – nền kinh tế tự do, thời vụ đang ngày càng trở nên phổ biến trong thời đại 4.0. Xu thế này đang và sẽ tạo ra cơ hội việc làm từ xa cho rất nhiều cá nhân có kỹ năng đang sống ở các nước đang phát triển như Việt Nam. Tuy nhiên, Gig economy cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro. Vì vậy, chính sách lao động phù hợp cần đi trước để bảo vệ người lao động, đồng thời giúp nền kinh tế Việt Nam tận dụng được cơ hội từ những cơ hội việc làm không biên giới.

Tham khảo:
https://www.weforum.org/agenda/2020/01/governments-leverage-4ir-achieve-sdgs/
https://www.odi.org/publications/11073-digitalisation-and-future-manufacturing-africa