Trong một bộ máy quản trị tốt, khi đối mặt với những vấn đề liên quan đến khoa học và xã hội, những người ra quyết định luôn cần thông tin đầu vào từ nhà nghiên cứu. Nhưng ngược lại, làm sao để nhà nghiên cứu có thể tham gia hiệu quả vào quá trình chính sách?

Nhà khoa học có thể chủ động định hình công việc của mình xoay quanh quy trình chính sách | Nguồn: TAMU
Nhà khoa học có thể chủ động định hình công việc của mình xoay quanh quy trình chính sách | Nguồn: TAMU

Năm 2011, khi còn là trợ lý nghiên cứu tại ĐH Queensland (Úc), Megan Evans đã có khóa học ngắn về chính sách khoa học (science policy). Cô cũng tham gia dự án hỗ trợ chính phủ Úc phát triển một công cụ bồi thường ảnh hưởng môi trường do phát triển đất thương mại và nhiều hoạt động khác gây ra. Nếu một loài động vật được bảo vệ có khả năng bị tổn thương thì công cụ ‘bù trừ’ đa dạng sinh học sẽ giúp chính quyền xác định xem cần bổ sung thêm bao nhiêu đất làm không gian sinh sống cho các loài đó.

Evans vô cùng thích thú với những dự án vì thiên nhiên như vậy. Cô cho biết nhiều nhà nghiên cứu trong giai đoạn đầu sự nghiệp thường bị thu hút bởi sự giao thoa giữa khoa học và việc xây dựng chính sách. Nhưng rất khó để họ biết phải bắt đầu từ đâu. Thậm chí có trường hợp nhà khoa học trẻ còn bị sa cơ lỡ vận, ảnh hưởng tới cả sự nghiệp. Việc nghiên cứu liên quan đến chính sách thường tốn nhiều thời gian và khó tìm nguồn tài trợ. Đôi khi trên hồ sơ thăng tiến, việc hỗ trợ hình thành được một văn bản pháp luật hay kế hoạch quản lý có khi không ‘đẹp’ bằng xuất bản được một nghiên cứu cấp cao.

Mọi nhà khoa học đều phải đối mặt với thực tại chính trị khó khăn là giúp ‘phiên dịch’ các bằng chứng khoa học (với đầy tính không chắc chắn) thành các điều khoản luật và quy định rõ ràng. Bởi vậy nhiều người nói rằng, khoa học có thể giúp củng cố ra được chính sách tốt nhưng hiếm khi định nghĩa được chúng.

Chuyên gia chính sách khoa học Tateo Arimoto tại Viện nghiên cứu chính sách quốc gia (GRIPS) ở Tokyo, Nhật Bản, cho rằng việc tham gia vào các chính sách chưa bao giờ quan trọng như hiện nay. Xã hội và cả thế giới đang thay đổi nhanh chóng, các nhà hoạch định cần bằng chứng khoa học để chỉ dẫn nhiều vấn đề, từ biến đổi khí hậu đến trí tuệ nhân tạo. Arimoto nói rằng: “Nhiệm vụ của khoa học hiện đại không chỉ tạo ra tri thức mới mà còn sử dụng tri thức khoa học đó để giải quyết vấn đề xã hội”.

Trên thực tế, các nhà nghiên cứu có thể chủ động tăng cường tác động chính sách trong công việc nghiên cứu của mình. Họ có thể thiết lập mối quan hệ chặt chẽ với các ủy viên, đại biểu quốc hội, công chức, viên chức và học cách đưa ra những tóm tắt khoa học rõ ràng, súc tích giúp những người ra quyết định này có thể hiểu rõ các phương án lựa chọn. Hai bên có thể hợp tác giải để quyết nhiều vấn đề, điều quan trọng là tinh thần khiêm tốn và cởi mở. Evan cho rằng: “Nếu nhà khoa học muốn tham gia vào quá trình chính sách, họ phải đến bắt tay và bày tỏ ý định ‘Tôi có thể giúp được gì?’”

Quan sát, Kết nối

Nhưng làm sao để nhà nghiên cứu có thể tham gia hiệu quả vào quá trình chính sách? Bước đầu tiên, Evans nói, là kết nối với các nhà hoạch định. Nhà khoa học trước hết phải quan sát cách thức chính sách đối với vấn đề họ quan tâm được hoạch định ra, chẳng hạn đọc tin tức hay nhận thông báo từ Google cho các từ khóa liên quan. Từ đó, họ xác định được ai trong giới chính trị có khả năng quan tâm đến những khía cạnh nghiên cứu cụ thể của mình, đồng thời hiểu được các nhân vật đó tương tác với nhau như thế nào. Những nhà lập pháp, hành pháp, trợ lý, hay công chức trong cơ quan thực thi đều có thể là đối tượng mục tiêu tiếp cận. Evans khuyên các nhà khoa học nên phác thảo một bản đồ mối liên hệ tiềm năng để tinh chỉnh theo thời gian.

Nhà khoa học lão làng đã tham gia làm chính sách có thể giúp những người trẻ hơn thiết lập mối quan hệ. Họ cũng có thể giới thiệu người hoặc công trình nghiên cứu tới những ủy viên ở quận, huyện hay tỉnh thành mình đang ở. “Nó có thể đơn giản chỉ là đi ra ngoài nói chuyện trực tiếp với mọi người”, David Rose, nhà địa lý học môi trường tại ĐH East Anglia (UK) cho biết.

Rose nói rằng các nhà khoa học có thể liên hệ với các nhóm lập pháp quan tâm đến từng vấn đề cụ thể, chẳng hạn các đại biểu quốc hội Mỹ đã tạo ra các nhóm họp riêng để thúc đẩy khoa học thần kinh và khoa học hành tinh, ở Anh có các nhóm nghị sĩ đa đảng về ung thư hay bảo tồn thiên nhiên, nghị viện Úc cũng thành lập các ‘nhóm hữu nghị’ tập trung vào khoa học và y khoa. Rose cũng khuyên các nhà khoa học có thể thiết lập cuộc gặp với những người có vai trò đưa ra lời khuyên cho các nhà làm luật, chẳng hạn như thành viên Ban nghiên cứu nghị viện của EU hay Tổ tư vấn khoa học của chính phủ.

Chuyên gia ‘kép’ về chính sách và khoa học Tateo Arimoto thường xuyên sử dụng kiến thức khoa học để giải quyết các vấn đề xã hội. | Nguồn: IISD
Chuyên gia ‘kép’ về chính sách và khoa học Tateo Arimoto thường xuyên sử dụng kiến thức khoa học để giải quyết các vấn đề xã hội. | Nguồn: IISD

Peter Gluckman, nguyên trưởng cố vấn khoa học của thủ tướng New Zealand nói rằng để có tác động tối đa, những thông điệp khuyến nghị chính sách mang tính khoa học nên do các tổ chức, viện nghiên cứu, trường đại học hay cộng đồng uy tín và chuyên nghiệp gửi đi. Tuy nhiên, viết lên blog hay phương tiện truyền thông xã hội cũng làm tăng khả năng xuất hiện của nhà khoa học và vấn đề họ muốn nhấn mạnh. Chẳng hạn Twitter tại Mỹ là kênh kết nối hữu hiệu với các quan chức lớn nhỏ.

Các nhà nghiên cứu cũng có thể tạo mối quan hệ với cán bộ cơ quan thực thi luật hiện hành. Ví dụ, quy định của California yêu cầu các tiểu bang đến năm 2030 phải giảm 40% khí thải nhà kính xuống dưới mức của năm 1990, một phần trong đó bằng cách lưu trữ carbon xuống đất. Do đó, Katharine Mach, chuyên gia đánh giá khí hậu của ĐH Stanford đã giúp một số cơ quan quản lý nông-lâm tại bang xem xét lợi ích quản lý đất đai, chẳng hạn như lượng phân hoặc than tăng lên trong đất. Cô và đồng nghiệp nhận được lời mời tham gia nghiên cứu này từ hai quỹ S. D. Bechtel, Jr. và David & Lucile Packard của bang.

Mach tin rằng các nhà khoa học ở bất kỳ giai đoạn nào cũng có thể giúp định hình các chương trình của chính phủ. Theo cô, một cách rất hiệu quả là nhà khoa học gửi thư kèm bản đánh giá liên quan khi nhà nước kêu gọi ý kiến đóng góp công cộng về dự thảo luật hoặc kế hoạch hành động. “Những dịp kêu gọi phản hồi như thế rất quan trọng và cũng rất thú vị. Ta phải tư duy ngay lúc ấy về một cách tiếp cận thật tốt”, Mach chia sẻ.

Cô đã đăng kí vào danh sách nhận email để được thông báo về hội thảo và yêu cầu tuyển chọn của nhà nước sắp tới. Ngoài ra, các nhà nghiên cứu cũng có thể tạo mối quan hệ bằng việc ngỏ ý muốn thuyết trình hay nói chuyện tại phòng ban hoặc chuỗi hội thảo thường niên của bộ ngành.

Gặp gỡ, Chào hỏi

Nhà sinh thái học Toni Lyn Morelli tại Cục Khảo sát Địa chất Hoa Kỳ khuyên rằng nhà khoa học nên chịu khó đi tham dự một loạt hội nghị. Khi muốn kết nối với quan chức về động vật hoang dã để đề cập tới kế hoạch nghiên cứu cá nước lạnh của mình, Morelli quyết định không tổ chức phiên thảo luận tại cuộc họp thường niên của Cộng đồng Sinh thái Hoa Kì vì biết sẽ có rất ít nhà quản lý tới tham dự. Thay vào đó, bà đi đến hội thảo do Hiệp hội các Cơ quan về Cá và Động vật hoang dã tổ chức, đặt một phòng thảo luận tại đó và mời những nhà quản lý đến thăm quan, trò chuyện và ăn pizaa nhẹ. “Tôi đã biết được những người tuyệt vời từ đó”, Morelli cho biết.

Tuy vậy, Peter Gluckman cảnh báo, khi các nhà khoa học tham gia vào hoạt động chính sách, họ nên cẩn thận để không bênh vực cho giải pháp cụ thể nào. Thay vào đó, ông trích dẫn rằng một nhà khoa học nên là ‘người môi giới trung thực’, giúp các nhà hoạch định hiểu rõ từng lựa chọn chính sách và hậu quả đi kèm.

Đây cũng là cách tiếp cận của Craig Downs – một nhà nghiên cứu sinh thái học và là giám đốc Phòng thí nghiệm môi trường Haereticus - khi ông giúp các nhà lập pháp Hawaii soạn thảo một dự luật cấm nhiều loại kem chống nắng có chứa hóa chất mà nghiên cứu của ông chỉ ra rằng chúng gây hại cho rặng san hô. Ông giải thích với các nhà làm luật về tác hại của hóa chất và ngụ ý chính sách như áp dụng lệnh cấm tạm thời hoặc vĩnh viễn. Tuy vậy, ông không tỏ ra đặc biệt ủng hộ phương án nào. Ông biết rằng các nhà lập pháp phải cân bằng nhiều yếu tố, bao gồm cả việc nếu lệnh cấm đưa ra có thể ảnh hưởng đến những cơ sở sản xuất liên quan. Cuối cùng dưới áp lực mạnh mẽ của công chúng, các nhà lập pháp đã thông qua lệnh cấm vĩnh viễn vào tháng 5/2018.

Ngài Peter Gluckman, nguyên trưởng cố vấn khoa học cho chính phủ New Zealand, có bài phát biểu tại Đại học Ottawa năm 2017 về khoa học và chính trị trong một thế giới đầy rắc rối. | Nguồn: Postmedia
Ngài Peter Gluckman, nguyên trưởng cố vấn khoa học cho chính phủ New Zealand, có bài phát biểu tại Đại học Ottawa năm 2017 về khoa học và chính trị trong một thế giới đầy rắc rối. | Nguồn: Postmedia

Trong bất kỳ tương tác nào, Rose nói, điều quan trọng là nhà khoa học sử dụng ngôn ngữ rõ ràng, dễ tiếp cận và nếu có thể, hãy kể một câu chuyện hấp dẫn về khoa học. Trên hết, các nhà khoa học nên hiểu rằng các nhà hoạch định chính sách hiếm khi muốn nghe về kết quả nghiên cứu (dù đã được bình duyệt ngang hàng) của một nhà khoa học. Khi thăm dò thành viên trong quốc hội Anh, Rose nhận ra rằng hầu hết đại biểu muốn có cái nhìn tổng quan về cả một hệ thống kiến thức hiện hành liên quan. Do vậy, các nhà nghiên cứu phải cố gắng đưa càng nhiều luồng thông tin có thể liên quan đến chính sách càng tốt. “Cá nhân nhà khoa học không chỉ cần khả năng phân tích mà còn phải có cả khả năng tổng hợp”, Arimoto nói.

Downs gợi ý các nhà khoa học nên mài giũa kĩ năng thuyết trình ngắn gọn (elevator pitch, 1-3 phút) cho các cuộc nói chuyện trực tiếp với những nhà làm luật. Gluckman khuyên rằng nhà khoa học cần phải chuẩn bị sẵn tài liệu văn bản, ví dụ như một bản tóm tắt chính sách với các gạch đầu dòng, nội dung cảnh báo liên quan và các lựa chọn có thể thực hiện. Một số nơi như ĐH John Hopkins thậm chí có những bản hướng dẫn online cho nhà nghiên cứu điền vào các nhận định khoa học của mình cho từng chính sách cụ thể.

Các nhà khoa học có thể tìm đến các khóa đào tạo chuyên sâu về tương tác với những nhà hoạch định chính sách. Gluckman hiện chủ trì Mạng lưới Tư vấn Khoa học Chính phủ Quốc tế (INGSA), nơi thường xuyên tổ chức các hội thảo, hội nghị quy tụ nhiều nhà khoa học và hoạch định chính sách toàn thế giới. Không ít trường đại học và tổ chức chuyên nghiệp cũng có trại huấn luyện cho nhà nghiên cứu.

Thêm vào đó, Gluckman khuyến nghị các nhà khoa học nên ứng tuyển vào một vài vị trí có thể ra quyết định, chẳng hạn làm việc ngắn hạn tại cơ quan quản lý khoa học của chính phủ, Liên hợp quốc, WHO hoặc OECD. Thông thường, nhà khoa học có kinh nghiệm làm chính sách sẽ học được cách vận hành ở cả hai phía.

Bền bỉ

Nhà khoa học tham gia vào quá trình chính sách không nên mong đợi kết quả ngay lập tức. Matthew MacLeod, nhà hóa học môi trường tại ĐH Stockholm, (Thụy Điển), nhận xét rằng khoa học thường khuếch tán từ từ vào chính sách. Nhóm nghiên cứu của anh thiết kế một phiên bản thử nghiệm mới mà OECD khuyến nghị các nước sử dụng để đánh giá khả năng tích lũy sinh học với các loại hóa chất. Thiết kế của anh chỉ mất 1/2 thời gian so với phương pháp kiểm tra tiêu chuẩn, và chỉ cần 1/3 mẫu cá làm đối tượng thử nghiệm. Nhưng anh dự đoán kết quả của mình sẽ phải mất khoảng 10 năm mới có thể được thông qua.

Thông thường, nếu một sự kiện xúc tác xảy ra (ví dụ: dịch bệnh) sẽ khiến nhà hoạch định gấp rút đòi hỏi chứng cứ khoa học. Chính vì vậy, Evans nói, các nhà nghiên cứu nên đầu tư dài hạn vào các nghiên cứu chính sách và sẵn sàng hành động khi cơ hội đến.

Evans nhớ lại, trước đây tại Úc, khi một vị bộ trưởng mới nhận chức dẫn ra một kết quả nghiên cứu vững chắc, chính phủ đã nhanh chóng quyết định khởi động dự án đền bù đa dạng sinh học – mở ra một loạt đòi hỏi cần các nhà khoa học liên quan tham gia vào. “Chúng tôi đã có thể ứng dụng khoa học đó một cách nhanh chóng”. Evans nói thêm rằng các nhà nghiên cứu nên chú tâm đến những thay đổi trong hệ thống quản lý tại lĩnh vực của họ hoặc các lĩnh vực tài phán khác có khả năng làm thay đổi khả năng tiếp thu bằng chứng khoa học của các nhà hoạch định chính sách.

Một cuộc biểu tình ở Brussels trước thềm cuộc bỏ phiếu cấm thuốc trừ sâu neonicotinoid của Liên minh châu Âu tháng 4/2018 | Nguồn: Isopix
Một cuộc biểu tình ở Brussels trước thềm cuộc bỏ phiếu cấm thuốc trừ sâu neonicotinoid của Liên minh châu Âu tháng 4/2018 | Nguồn: Isopix

Tuy nhiên, cũng có trường hợp mà bằng chứng không đủ mạnh để thúc đẩy hành động. Cố vấn khoa học Ian Boyd tại Bộ Môi trường, Thực phẩm và Nông thôn Anh chia sẻ rằng trong thập kỉ qua, các nghiên cứu về việc liệu thuốc trừ sâu neonicotinoid có gây hại cho ong hay không vẫn chưa đưa ra được câu trả lời rõ ràng về tác động ở mức độ quần thể. Boyd cho biết ông đã bị thuyết phục rằng các hóa chất được sử dụng nhiều hơn mức ghi nhận và chỉ đem lại cho người nông dân khoản lợi nhuận cận biên. Tuy nhiên, ông than thở về việc thiếu các nghiên cứu nghiêm ngặt để định lượng mối nguy hiểm thực sự mà chúng gây ra cho các loài thụ phấn. Cuối cùng thì, rất may, nước Anh đã ủng hộ quyết định cấm hóa chất của EU.

Để đảm bảo khoa học ảnh hưởng đến chính sách, tốt nhất nhà khoa học phải cộng tác với nhà hoạch định chính sách ngay từ đầu. “Nhà khoa học trong trạng thái cô lập sẽ chẳng biết được câu hỏi nào liên quan nhất và cũng sẽ chẳng gây ảnh hưởng thực sự đến các quyết định”, Mach nhận xét. Việc hợp tác đòi hỏi nhà khoa học phải tiếp cận với khối chính sách từ lâu trước khi nghiên cứu bắt đầu. Họ phải lắng nghe các thắc mắc, biết được những đòi hỏi và định hình nghiên cứu của mình xung quanh những nội dung ấy. Sau đó, các nhà khoa học vẫn phải thường xuyên duy trì liên lạc, chia sẻ kết quả sơ bộ và sẵn sàng thay đổi trọng tâm của dự án nghiên cứu để đáp ứng phản hồi.

Quá trình này là sự thử thách không hề nhỏ, nhưng Mach thấy rằng làm việc giữa khoa học và chính sách là phần thưởng vô cùng thỏa mãn. Rốt cuộc thì nhiều người dấn thân vào khoa học cũng vì muốn góp phần giải quyết những vấn đề quan trọng. “Có một cái gì đó thực sự là động lực khi ta có thể khiến khoa học hòa hợp được vào bức tranh rộng lớn hơn”, Mach nói./.

Nguồn: Nature 560, 671-673 (2018)
doi: 10.1038/d41586-018-06038-4