Chỉ số được dùng thường xuyên như là một thước đo về uy tín và ảnh hưởng. Nhà khoa học cũng dựa vào IF để chọn tập san; các trường đại học dùng IF để đánh giá nhà khoa học. Có thế nói, IF đã trở thành một nét văn hóa khoa học.
Tiến sỹ Trần Quang Vinh - Đại học Bách Khoa Hà Nội.
Chỉ số ảnh hưởng impact factor (IF) ra đời ở Mỹ năm 1950 nhằm đánh giá các nhà khoa học, sau đó được nhân rộng ra dùng cho cả thế giới. Từ năm 1975 đến nay, chỉ số này được các tập san khoa học dùng rất thường xuyên - như là một thước đo về uy tín và ảnh hưởng. Nhà khoa học cũng dựa vào IF để chọn tập san; các trường đại học dùng IF để đánh giá nhà khoa học. Có thế nói, IF đã trở thành một nét văn hóa khoa học.
Việc một số tạp chí khoa học lớn trên thế giới xem xét lại giá trị của IF, thậm chí công bố kế hoạch tẩy chay (Khoa học và Phát triển số 39) xuất phát từ thực tế là những năm gần đây, chỉ số này đã bộc lộ một số nhược điểm.
Thứ nhất, IF chỉ đánh giá dựa trên số lần bài báo được trích dẫn trong vòng 2 năm. Đây là thời gian quá ngắn với các bài báo thuộc lĩnh vực khoa học cơ bản, bởi nhiều khi sau 10-20 năm mới thấy hiệu quả và trong thời gian ngắn người ta chưa thấy rõ vai trò, ảnh hưởng của bài báo đó.
Thứ hai, việc trích dẫn có nhiều mục đích: Cảm ơn tác giả, chỉ ra bài báo có phương pháp nghiên cứu tương đương, để phản biện (có ý nghĩa đối lập với kết quả được trích dẫn)… Nghĩa là nhiều bài báo có kết quả sai vẫn được trích dẫn. Nhiều nhà khoa học trích dẫn chính bài báo của mình, khiến việc trích dẫn không khách quan.
Ví dụ: Chúng tôi tham gia phản biện cho tạp chí, người phụ trách tạp chí có gợi ý trích dẫn những bài báo cụ thể. Khi đó, chúng tôi buộc phải trích dẫn những bài báo đó mặc dù không liên quan nhiều đến vấn đề mình đề cập. Nói thế để thấy việc trích dẫn nhiều khi không khách quan.
Rõ ràng, ai cũng biết IF có nhược điểm, thậm chí nhiều nhược điểm. Tuy nhiên, chúng ta không thể phủ nhận vai trò của các tham số đánh giá đó vì thực tế IF có tương quan cao đến tầm ảnh hưởng của tạp chí hay bài báo khoa học. Đó chính là lý do giới khoa học vẫn dùng IF.
Các nhà khoa học hiểu rằng IF vẫn có giá trị tốt như một công cụ giúp tầm soát những công trình nghiên cứu có chất lượng và giúp các nhà quản lý trong các quyết định của họ.
Việt Nam vẫn dựa chủ yếu vào chỉ số IF để đánh giá các nhà khoa học, bởi những bài báo có chỉ số trích dẫn cao sẽ được đưa vào danh mục ISI và được tính vào điểm công trình. Dựa trên điểm công trình, hội đồng sẽ xét phong chức danh giáo sư và phó giáo sư.
TS Trần Quang Vinh - ĐH Bách khoa Hà Nội