Scimago (SCImago Institutions Rankings) - một dự án uy tín về xếp hạng và đánh giá khoa học hàng đầu thế giới - vừa công bố bảng xếp hạng 5.147 trường đại học và tổ chức nghiên cứu năm 2016.
Theo đó, Đại học Bách khoa (ĐHBK) Hà Nội đứng đầu trong 4 tổ chức giáo dục của Việt Nam gồm Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam, Đại học Quốc gia TPHCM, Đại học Quốc gia Hà Nội. So với thế giới, ĐHBK Hà Nội xếp thứ 577, tăng 40 bậc so với năm 2015.
Điều gì khiến ĐHBK Hà Nội nằm ở vị trí dẫn đầu trong 4 cơ sở của Việt Nam được Scimago xướng tên lần này trong khi số bài báo công bố trên các tạp chí khoa học quốc tế không phải là nhiều nhất? Đó là do tiêu chí về đổi mới sáng tạo được Scimago coi trọng.
Trong tiêu chí xếp hạng các trường đại học, cơ sở nghiên cứu, viện nghiên cứu của Scimago, yếu tố kết quả nghiên cứu KH&CN chiếm 50%, đổi mới sáng tạo chiếm 30% và tác động xã hội chiếm 20%. Scimago đánh giá và cho điểm chỉ số “đổi mới sáng tạo” dựa trên các công trình ISI được trích dẫn bởi các patent trên thế giới.
Hằng năm, ĐHBK Hà Nội công bố hơn 200 bài trên các tạp chí ISI, đều là các bài chuyên về kỹ thuật, sinh học, hóa học, vật lý, vật liệu… Do đó, khả năng các bài báo được trích dẫn bởi các patent trên thế giới rất cao.
Riêng Viện Đào tạo quốc tế về Khoa học vật liệu (ITIMS) là một trong những viện hàng đầu của ĐHBK Hà Nội trong việc công bố các bài báo ISI (mỗi năm công bố khoảng 25-30 bài báo, chiếm khoảng 20-25% số bài báo công bố quốc tế của ĐHBK Hà Nội).
Như vậy có thể thấy, để khoa học Việt Nam được khắc tên lên bản đồ thế giới, không thể chỉ dựa vào số lượng các bài báo công bố, mà cần tập trung để nâng cao chỉ số đổi mới sáng tạo và tác động xã hội của các nghiên cứu.
Đây cũng là điều mà ĐHBK Hà Nội hướng đến trong những năm qua, nhằm giúp cho hoạt động nghiên cứu khoa học đáp ứng tốt nhất các nhu cầu của đời sống. Bởi thế, xét ở khía cạnh ngược lại, bảng xếp hạng của Scimago cũng giúp cho các nhà hoạch định chính sách có được số liệu cụ thể để đánh giá về hiệu quả nghiên cứu khoa học và đưa ra được hướng đầu tư cho các cơ sở nghiên cứu, đào tạo khoa học một cách hợp lý.