Mới đây Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội đã tổ chức hội nghị thẩm tra sơ bộ về dự án luật trước khi trình Quốc hội vào kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa XIV khai mạc ngày 20/10. Dự thảo Luật (sửa đổi) có 7 chương, 62 điều, trong đó sửa 30/61 điều, bổ sung 2 điều mới và bỏ 1 điều.
Gắn trách nhiệm và vai trò của hiệp hội
Ông Dương Nguyên Bình - Hội Tự động hóa Việt Nam - từng trao đổi với các doanh nghiệp trong hiệp hội và họ đều đồng tình về sự cần thiết sửa đổi, bổ sung Luật CGCN. Cho rằng dự thảo luật đã điều chỉnh hợp lý, một số khái niệm, định nghĩa về ươm tạo công nghệ, định chế trung gian, góp vốn, khởi nghiệp… đã được làm rõ, song ông Bình cũng góp ý rằng luật sửa đổi cần bổ sung quy định về tổ chức trung gian trong thị trường công nghệ, tổ chức đánh giá sự phù hợp của kiểm định, phân tích, kiểm nghiệm, giải mã thiết bị.
Ông Trần Khoa Long - Hiệp hội Cơ khí Việt Nam - bày tỏ mong muốn thể hiện vai trò, trách nhiệm của hiệp hội trong luật sửa đổi lần này: “Không chỉ cơ khí mà đối với các ngành hàng sản xuất công nghiệp cũng phải có trách nhiệm của hiệp hội trong việc tham gia kiểm soát công nghệ. Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) và các cơ quan nên xét cấp giấy phép cho hiệp hội đủ năng lực để họ tham gia thẩm định công nghệ nào là mới, không mới”.
Ông Long cũng thừa nhận, cũng như nhiều ngành khác nếu không đổi mới công nghệ và thiết bị thì ngành cơ khí không thể cạnh tranh được. Ngành cơ khí đã đi sau quá nhiều, xu hướng chủ yếu hiện nay vẫn là nhập khẩu công nghệ mới chứ xuất khẩu thì rất khó.
“Luật không nên chỉ xem xét dự án vốn nhà nước, vốn nào cũng phải xem. Cần bình đẳng, ai đưa công nghệ xấu vào thì phải xem xét và ai đưa công nghệ mới vào thì phải khuyến khích” - ông Long nhấn mạnh.
Ông Trần Văn Nam - Đại học Kinh tế quốc dân - băn khoăn: “Hiện các dịch vụ đánh giá, định giá, giám định công nghệ đã được quy định rõ trong dự thảo luật sửa đổi. Với những loại hình như môi giới, tư vấn, xúc tiến có nên quy định để hình thành dịch vụ này? Thực tế phát sinh hiện tượng nhiều doanh nghiệp làm một số loại hình dịch vụ đó, vậy có cần thiết cụ thể hóa hơn nữa hay đợi nghị định hướng dẫn thi hành luật làm rõ?”.
Ngăn công nghệ lạc hậu
Theo ông Nguyễn Văn Tuấn - Tập đoàn Dầu khí - thế giới đã bước vào cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư nên nhiều nước có xu hướng đẩy công nghệ lạc hậu sang nước khác để tận dụng tài nguyên. Vì vậy, luật sửa đổi cần tạo ra bộ lọc hữu hiệu.
“Hiện luật sửa đổi đã thiết kế theo hướng ngăn chặn công nghệ lạc hậu, nhưng phải có bộ lọc mạnh hơn thể hiện rõ chính sách không chấp nhận đánh đổi ô nhiễm để lấy tăng trưởng, chỉ chấp nhận công nghệ tiên tiến, trung bình tiên tiến vào Việt Nam” - ông Tuấn nhấn mạnh.
Công nghệ dập khuôn vỏ điện thoại tại nhà máy của Viettel. Ảnh: TH
Đồng tình quan điểm này, ông Đỗ Hồng Minh - Tổng Công ty Ximăng - cũng cho rằng việc ngăn cản công nghệ lạc hậu vào Việt Nam qua các nội dung đã được ban soạn thảo xem xét. Câu chuyện thẩm định, định giá công nghệ cũng đã được quan tâm đúng mức. “Nếu thực tế vận hành đúng như luật nghiên cứu sẽ đảm bảo ngăn chặn được công nghệ lạc hậu” - ông Minh tin tưởng.
Ông Phùng Đức Tiến - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội - đánh giá rằng thời gian qua, ban soạn thảo đã tích cực, khẩn trương chuẩn bị dự án luật và tiếp thu nhiều đề xuất, đề nghị sửa đổi, bổ sung dự án luật. Trong quá trình soạn thảo, ban đã rà soát các văn bản quy phạm pháp luật về KH&CN; đánh giá việc thực hiện Luật CGCN năm 2006; đánh giá tác động của việc ban hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của
Luật CGCN.
“Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội cơ bản nhất trí với bố cục dự thảo luật. Tuy nhiên, cũng có ý kiến đề nghị thiết kế lại dự thảo luật theo hướng như cơ cấu thị trường KH&CN gồm bên cung, bên cầu, các quy định về tổ chức trung gian chuyển giao KH&CN, quản lý nhà nước về chuyển giao công nghệ...” - ông Tiến nhấn mạnh.