Ông Phan Xuân Dũng - Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Quốc hội - đã dẫn con số này khi báo cáo kết quả giám sát chuyên đề “Hiệu quả thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển khoa học và công nghệ (KH&CN) nhằm thúc đẩy công nghiệp hóa, hiện đại hóa giai đoạn 2005-2015 và định hướng phát triển giai đoạn tới, trong đó chú trọng đẩy mạnh công nghiệp hỗ trợ và cơ khí chế tạo” tại phiên họp thứ tư, Ủy ban Thường vụ Quốc hội chiều 4/10. Bộ trưởng Bộ KH&CN Chu Ngọc Anh, đại diện cơ quan Chính phủ, các bộ, ngành cùng tham dự phiên họp.
Ông Phan Xuân Dũng trình bày báo cáo giám sát tại phiên họp chiều 4/10. Ảnh: Đình Nam
Hàm lượng công nghệ tăng dần đều
Theo ông Phan Xuân Dũng, trong những năm qua hành lang pháp lý về KH&CN đã cơ bản được hoàn thiện. Các lĩnh vực quản lý nhà nước về KH&CN cơ bản đã được điều chỉnh bằng luật. Hệ thống văn bản hướng dẫn triển khai cũng đã được các cấp, các ngành ban hành tương đối đầy đủ. Chính sách, pháp luật về phát triển KH&CN trong các lĩnh vực tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng, công nghệ cao (CNC), chuyển giao công nghệ, sở hữu trí tuệ... ngày càng được đổi mới và hoàn thiện, tạo môi trường pháp lý đồng bộ, thuận lợi.
“Các kết quả nghiên cứu khoa học những năm qua đã làm tăng hàm lượng công nghệ trong nhiều sản phẩm, đóng góp đáng kể cho tăng trưởng và sức cạnh tranh trên tất cả các lĩnh vực kinh tế - xã hội, nâng cao năng suất, chất lượng các mặt hàng xuất khẩu nông, lâm, thủy sản, thiết kế chế tạo giàn khoan dầu khí, đóng tàu quân sự, thương mại hóa vi mạch điện tử, sản xuất vắcxin...” - ông Dũng báo cáo.
Theo tính toán của Bộ KH&CN, tỷ trọng giá trị sản phẩm CNC và sản phẩm ứng dụng CNC trong tổng giá trị sản xuất công nghiệp có xu hướng tăng dần trong những năm qua, với 12,74% năm 2011, 17,22% năm 2012 và 18,37% năm 2013. “Về đóng góp của KH&CN vào tăng trưởng kinh tế - theo tính toán của Viện Năng suất Việt Nam, trong giai đoạn 4 năm 2011-2014, đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) vào tăng trưởng GDP trung bình là 25,96% và có xu hướng tăng dần đều qua các năm.
Riêng năm 2014, TFP đã có đóng góp tới 39,58% tăng trưởng GDP. Điều này cho thấy dưới tác động của tổng hợp các nhân tố - trong đó có KH&CN, các yếu tố đầu vào của quá trình sản xuất (vốn và lao động) đã được sử dụng hiệu quả hơn. Chỉ số đổi mới sáng tạo của Việt Nam đã liên tục được cải thiện” - ông Dũng dẫn con số chứng minh.
Làm rõ hiệu quả ngân sách cho khoa học
Ghi nhận các kết quả song ông Dũng cũng thẳng thắn nêu những hạn chế tồn tại, cụ thể là năng lực tiếp thu, làm chủ và đổi mới công nghệ của doanh nghiệp không cao. Công nghệ được mua bán chủ yếu trên thị trường là thiết bị, máy móc và dây chuyền công nghệ toàn bộ...
Lĩnh vực cơ khí chế tạo cơ bản tạo ra giá trị gia tăng thấp, ngành chế tạo máy công cụ không theo kịp nhu cầu hiện rất khó khăn. Việt Nam vẫn chỉ sản xuất được các máy công cụ vạn năng, sản phẩm máy công cụ tự động điều khiển số mới chỉ là sản phẩm đơn lẻ của một số cơ sở nghiên cứu.
Đồng tình với đánh giá của đoàn giám sát về những kết quả cũng như hạn chế, nhiều thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội khi thảo luận đã nêu sự quan tâm tới tính ứng dụng thực tế của các đề tài KH&CN trong thực tiễn cũng như hiệu quả sử dụng ngân sách nhà nước đầu tư cho nghiên cứu.
Theo đó, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Nguyễn Văn Giàu cho rằng cần làm rõ hiệu quả sử dụng nguồn ngân sách dành cho việc nghiên cứu đề tài cấp nhà nước, cấp bộ và khả năng ứng dụng thực tế của các đề tài.
Liên quan đến vấn đề kinh phí, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết, tuy tỷ lệ chi cho phát triển KH&CN tại Việt Nam là 2% tổng chi ngân sách nhà nước, nhưng chưa có năm nào việc chi phát triển KH&CN sử dụng hết định mức ấy.
Ghi nhận phần đóng góp rất quan trọng - mặc dù có thể chưa được như mong muốn - của KH&CN trong thành tựu phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam hôm nay, Chủ tịch Quốc hội cũng khẳng định, Việt Nam hoàn toàn có thể làm chủ công nghệ. Bà Kim Ngân cũng đồng thời lưu ý không thể nhập khẩu công nghệ cũ, lạc hậu.
Từ kết quả giám sát và ý kiến thảo luận, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị đoàn giám sát tiếp thu đầy đủ ý kiến, hoàn thiện dự thảo nghị quyết và báo cáo giám sát để có thể trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa XIV.