Trong năm 2017 Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam (Vinatom) phấn đấu công bố kết quả nghiên cứu trong các tạp chí quốc tế và tạp chí quốc gia tăng 10% so với năm 2016. Các đơn vị nghiên cứu triển khai thúc đẩy ứng dụng kỹ thuật và công nghệ.
Đây là một trong các nhiệm vụ chủ yếu trong năm 2017 được ông Cao Đình Thanh - Phó Viện trưởng Viện Vinatom - báo cáo tại hội nghị tổng kết công tác năm 2016 và phương hướng nhiệm vụ năm 2017 của Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam tổ chức ngày 24/12.
Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) Phạm Công Tạc cùng đại diện các đơn vị trực thuộc Bộ KH&CN, Vinatom đã tham dự hội nghị.
Theo báo cáo được ông Cao Đình Thanh trình bày tại hội nghị, trên các mặt hoạt động từ quản lý nhà nước tới công tác chuyên môn năm 2016 đã được Vinatom nỗ lực thực hiện và đạt nhiều kết quả khả quan.
Trong số này, công tác nghiên cứu khoa học được chú trọng. Cụ thể Viện đã làm thủ tục nghiệm thu đối với 5 nhiệm vụ KH&CN cấp nhà nước và tiến hành nghiệm thu chính thức đối với 13 nhiệm vụ của KH&CN cấp Bộ, 22 nhiệm vụ KH&CN cấp cơ sở và 54 nhiệm vụ hoạt động thường xuyên theo chức năng theo đúng quy định hiện hành của nhà nước.
Trong đó điển hình là nghiên cứu cơ bản trên lò phản ứng hạt nhân Đà Lạt, tính toán vật lý lò phản ứng, chế tạo các thiết bị đo đạc hạt nhân, xử lý chế biến quặng phóng xạ, nhiên vật liệu hạt nhân và xử lý chất thải phóng xạ; Nghiên cứu phát triển năng lực hỗ trợ kỹ thuật về bảo đảm an toàn, an ninh và bảo vệ môi trường; các nghiên cứu ứng dụng trong sinh học, nông nghiệp và công nghiệp...
Trong hoạt động triển khai kỹ thuật, sản xuất và dịch vụ, Viện cũng đạt nhiều kết quả đáng ghi nhận với tổng doanh thu đạt 183 tỉ đồng (tăng khoảng 40% so với năm 2015).
Theo ông Cao Đình Thanh, bên cạnh nhiệm vụ chuyên môn, công tác đào tạo nhân lực trong năm 2016 được Viện chú trọng. Đã có 34 nghiên cứu sinh được đào tạo. Hiện đang có 22 nghiên cứu sinh, 28 thạc sĩ đang theo học ở Cộng hòa liên bang Nga, Nhật Bản, Hàn Quốc...
Khẳng định những kết quả đã đạt được trong 1 năm là đáng ghi nhận, song ông Thanh cũng thẳng thắn nhìn nhận hoạt động của Viện vẫn còn những tồn tại. Trong đó ông Thanh nhấn mạnh đến khoảng cách chuyên môn giữa các thế hệ cán bộ còn khá xa, nhiều hướng nghiên cứu còn thiếu cán bộ đầu đàn.
Trong công tác nghiên cứu, mặc dù chất lượng các đề tài nghiên cứu, nhiệm vụ khoa học từng bước được nâng lên, tuy nhiên ông Thanh cho rằng đóng góp cho phát triển kinh tế - xã hội còn chưa cao.
Trước thực tế này, trong năm 2017 công tác đào tạo phát triển nguồn nhân lực được Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam đặc biệt chú trọng. Theo đó sẽ xây dựng và triển khai thực hiện kế hoạch đào tạo phát triển nguồn nhân lực của Viện, đặc biệt là chuyên gia đầu ngành đào tạo trình độ trên đại học thông qua các chương trình nghiên cứu, hợp tác trong và ngoài nước.
Nhìn lại các kết quả đạt được của năm 2016, ông Trần Chí Thành - Viện trưởng Viện Vinatom - ghi nhận nỗ lực của các cán bộ của Viện. Cho rằng hoạt động của ngành năng lượng nguyên tử cần phải điều chỉnh theo tình hình phát triển chung của đất nước, làm sao để gắn kết nhiều hơn nữa vào sự phát triển kinh tế - xã hội, ông Thành đưa ra thông điệp năm 2017 là: đẩy mạnh khoa học năng lượng vào sản xuất.
"Khoa học kết hợp với doanh nghiệp" là chủ đề của Vinatom trong năm 2017 để các nghiên cứu đi vào cuộc sống nhiều hơn, mang lại lợi nhuận cao hơn, đóng góp nhiều hơn nữa cho kinh tế xã hội" - Viện trưởng Trần Chí Thành nhấn mạnh.
Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Thứ trưởng Phạm Công Tạc, dẫn con số kết quả công bố nghiên cứu năm 2016 của Viện, Thứ trưởng nhấn mạnh: "Dù công bố trong nước giảm nhưng công bố quốc tế tăng. Là một viện nghiên cứu có nhiều chỉ số tăng trưởng (kết quả nghiên cứu; nhân lực có trình độ cao; ứng dụng tăng đột biến). Đây là những kết quả rất đáng mừng".
Đồng tình với báo cáo của Viện và đánh giá cao kết quả Vinatom đã đạt được, Thứ trưởng Phạm Công Tạc cũng bày tỏ mong muốn năm tới trong bối cảnh nguồn vốn đầu tư nhà nước ngày càng khó khăn, Vinatom cần xác định rõ các nhiệm vụ nghiên cứu của mình để đóng góp nhiều hơn nữa cho nền kinh tế.