Thông điệp “Ai cũng có thể có khả năng lãnh đạo, bất kể là nam giới hay nữ giới” của Vòng chung kết khu vực phía Bắc cuộc thi “Women can lead – Tại sao không?” diễn ra vào ngày 1/10/2018 đã được gửi gắm qua các chân dung sống động của phụ nữ Việt Nam hiện đại, những người dám theo đuổi đam mê và truyền cảm hứng cho cộng đồng.

Nữ diễn viên Minh Hòa và các bạn trẻ tham gia chương trình "Woman can lead - Tại sao không?". Nguồn: Tienphong.vn
Nữ diễn viên Minh Hòa và các bạn trẻ tham gia chương trình "Woman can lead - Tại sao không?". Nguồn: Tienphong.vn

Cuộc thi “Women can lead – Tại sao không?” là phần tiếp nối của “Bình thường hay bất thường – Howabnormal”, một chiến dịch nhằm xóa bỏ định kiến giới dành cho đối tượng học sinh, sinh viên được Chương trình phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) và báo Sinh viên Việt Nam tổ chức trong năm 2016 và đầu năm 2017. Giải thích vì sao chương trình này được tiếp nối, nhà báo Nguyễn Huy Lộc – Tổng Biên tập báo Sinh viên Việt Nam, cho biết: “Trong giai đoạn một của chiến dịch “Bình thường hay bất thường”, chúng tôi nhận thấy các trường đại học và sinh viên không chỉ tham gia nhiệt tình mà còn gợi ý về cách thức tham gia. Vì thế, trong giai đoạn hai, chúng tôi đã mời các bạn sinh viên chủ động xây dựng các sản phẩm truyền thông và chủ động sáng tạo các hình thức để truyền các thông điệp của chiến dịch đến cộng đồng một cách hiệu quả.”

Cuộc thi “Women can lead” nhằm tìm kiếm các sản phẩm truyền thông sáng tạo phản ánh vai trò chủ động của phụ nữ trong cuộc sống và công việc, từ đó khuyến khích họ vượt qua các định kiến về giới, tự làm chủ cuộc đời. Bà Akiko Fujii – Phó Giám đốc quốc gia của UNDP tại Việt Nam nói rõ hơn quan điểm của những nhà tổ chức: “Tôi muốn nhấn mạnh rằng phụ nữ có quyền theo đuổi đam mê, phát huy thế mạnh mà không bị ảnh hưởng bởi bất kỳ định kiến và rào cản nào về giới.”

Để diễn đạt thông điệp này, 7 đội tham gia vòng chung kết phía Bắc đã khai thác các hình mẫu những cô gái đã thể hiện rõ sự chủ động trong công việc, theo đuổi đam mê và có khả năng truyền cảm hứng cho cộng đồng như Nguyễn Phương Thảo – thành viên của đội tuyển Việt Nam đạt điểm cao nhất tại kỳ thi Olympic Sinh học quốc tế 2018; Nguyễn Thị Minh Nguyệt - cầu thủ đạt danh hiệu Quả bóng vàng nữ Việt Nam 2016; Trang Moon - nữ DJ đầu tiên của Hà Nội… Giữa các phần thi sáng tạo này, phần thi của đội thi Học viện Y học cổ truyền với nội dung về nữ MC Mai Trang của VTV, người đăng ký hiến tất cả các mô tạng trong trường hợp không may bị chết não, đã giành giải nhất. Qua hình ảnh nữ MC chương trình “Cà phê sáng với VTV3” đăng ký hiến tất cả mô, tạng nếu không may qua đời hoặc chết não vào đầu năm 2018, các thành viên đội Học viện Y học cổ truyền đã truyền đi thông điệp: Không thể đo thành công của một người phụ nữ bằng tiền hay địa vị xã hội. Một người phụ nữ thành công, hay nhìn rộng hơn một người thành công, là người có thể được làm những gì họ mong muốn, làm được những điều tốt cho cộng đồng khi sống và ngay cả khi mất đi, họ vẫn có thể giúp ích nhiều người.

Với giải nhất giành được, đội Học viện Y học cổ truyền đã giành tấm vé duy nhất khu vực phía Bắc tham gia Chung kết toàn quốc cùng các đội vô địch vòng chung kết khu vực miền Trung, Tây Nguyên và miền Nam tổ chức tại Hà Nội vào tháng 12/2018.

Chiến dịch Bình thường hay bất thường – Howabnormal tổ chức thành công lần đầu tiên vào 21/12/2015 với chuỗi phim về hình ảnh đảo ngược vai trò truyền thống của nam giới và nữ giới, phản ánh những định kiến về giới từ lâu tồn tại trong xã hội Việt Nam từ đó làm thay đổi quan điểm và hành vi của người xem về vai trò giới. Tiếp nối chiến dịch là “Ngày hội chung tay xóa bỏ định kiến giới” được tổ chức tại 13 cụm trường đại học năm 2016 với câu hỏi “Những điều được xem là bình thường trong cuộc sống thật ra bất thường như thế nào?” nhằm phá vỡ những khuôn mẫu về giới. Chương trình nhận được sự ủng hộ tích cực của sinh viên toàn quốc.