Có rất nhiều cách tiếp cận khác nhau cho một công việc, vấn đề, hay ngay cả mô hình kinh doanh.

Không bàn chuyện đúng sai ở đây, vì chúng ta là những bản thể được cấu tạo rất khác nhau, sinh ra và lớn lên trong môi trường hoàn toàn khác nhau, cho nên làm gì cũng sẽ chọn những cách khác nhau. Có điều, không bao giờ chỉ có một cách duy nhất để tiếp cận một vấn đề. Nếu trước giờ mình chỉ sử dụng một cách này, và nó work cho mình cũng ổn cho tới thời điểm hiện tại, thì mình nên hiểu là ngoài kia còn có nhiều cách hay hơn mà mình chưa biết, chưa thử hay chưa dám thử. Không bao giờ chỉ có một cách, đặc biệt là là cách mà nhiều người đang xài nhất, để tiếp cận một vấn đề.


Nếu mình canh theo mọi người, thì mình là follower, và chỉ có thể mãi mãi là follower. Còn khi mình hiểu ra là có rất nhiều cách khác, có khi hay hơn, hiệu quả hơn, sáng tạo hơn, đặc biệt và tạo ảnh hưởng xịn sò hơn, nhưng đồng thời cũng có nhiều vùng xám hay sự rủi ro hơn, thì câu hỏi là ta có dám nghĩ khác, làm khác, đi con đường khác, có khi là con đường rất cô độc, để trở thành Leader - người dẫn đầu. Không có câu trả lời chung hay công thức chung cho tất cả mọi người. Đây là lựa chọn rất cá nhân, tuỳ thuộc vào tính cách, hiểu biết, trải nghiệm và mức độ hội nhập tương lai của mỗi người. Có điều, ai mà đã chọn follow thì sẽ follow hoài, sẽ liên tục bị thị trường tái định nghĩa, bỏ lại phía sau, qua mặt, và sẽ luôn hụt hẫng, như cái cách của Nokia giã biệt thế giới một cách hết sức ngẩn ngơ, “chúng tôi đã không làm gì sai”. Và không làm gì sai không có nghĩa là bạn đang làm đúng, không có nghĩa là bạn đang theo kịp tốc độ thay đổi của thế giới và thị trường, không có nghĩa là bạn sẽ còn tồn tại trong một bối cảnh rất mới. Mà bối cảnh thì, không bao giờ là status quo - một bối cảnh đóng băng không chuyển động. Cho nên, thật ra ai cũng phải chọn sẽ chuyển động hay làm theo cách nào, follow hay lead, và phải tự chịu trách nhiệm về cơ hội và rủi ro của nó. Giờ, bạn có thể phản tư rõ hơn về những option mà mình có, rồi đưa ra lựa chọn về cách làm của mình nhé.

Ai sao tui vậy

Cách dễ nhất mà ai cũng làm được là copy cat - ai sao tui vậy, ai làm sao tui làm vậy, canh theo tiền lệ và kết quả của người làm trước mà đu theo, chép theo, lò dò theo. Người theo chủ nghĩa này là người không thích sáng tạo, thích sự ổn định, chắc chắn, và luôn là follower. Điều đó không có gì sai. Tuy nhiên, khi sợ dẫn đầu, sợ rủi ro, sợ sự bất định hay vùng chưa biết thì bạn sẽ không bao giờ học được cái mới, làm được cái mới mà sẽ mãi mãi ở trong vòng an toàn. Cái lợi của vòng an toàn là bạn làm những thứ mà người khác đã làm, có tiền lệ để đánh giá, học hỏi, tránh được sai lầm người khác đã đi qua. Tuy nhiên, cái hại của nó là, bạn sẽ bị bỏ lại phía sau trong khi mọi người đang tìm hiểu, thử nghiệm, triển khai cái mới. Và cái mới mà họ đang theo đuổi, nó có thể tái định nghĩa ngành nghề, thị trường, đặt lại luật lệ mới cho cuộc chơi, và vì thế phủ định sự tồn tại của bạn.

Không có đúng hay sai, đây chỉ là lựa chọn, và cùng với lựa chọn vùng an toàn của bạn, là rủi ro bị phủ nhận.

Người tiên phong

Người được liệt vào hàng sáng tạo là những người này. Họ luôn nghĩ khác, làm khác, thách thức mọi sự hiện hữu, đưa ra những khái niệm, cách làm, cách tiếp cận không giống ai. Cũng vì vậy, họ hay bị nghi ngờ, bị chỉ trích, bị cho là điên khùng thiếu thực tế, và cũng vì vậy họ là những người khá cô độc. Nhưng cũng chính vì tính tình dám nghĩ dám làm khác đi, không giống ai nên họ mới trở thành nhà sáng tạo, người tiên phong, rủi ro lớn, nhưng cơ hội thì miễn bàn. Khi thành công, họ thành công vượt mong đợi, và trở thành người kết án tử cho sự hiện hữu, khai sinh kỷ nguyên mới, cách làm mới, thời kỳ mới, thị trường mới. Họ chính là người tái định nghĩa và phủ nhận vùng an toàn của những người copy cat - ai sao tui vậy.

Vì luôn luôn tìm ra và thử nghiệm cái mới, họ có thể thử nghiệm thất bại một hay nhiều lần, rất dễ bị nghi ngờ, và hay bụi hiểu lầm là thiếu thực tế. Tuy nhiên, người đã có chất sáng tạo trong người thì họ không bỏ được thói quen sáng tạo. họ sáng tạo trong tư duy, suy nghĩ, trong cách nhìn nhận mọi thứ trong cả cuộc sống và công việc. Không bao giờ họ cho là thứ đang hiện hữu là tốt nhất, mà sẽ luôn có cách khác, cách tốt hơn, hiệu quả hơn, hay ho hơn, tạo ra nhiều giá trị hơn. Vì vậy, khó có thể ép họ vào một cái khuôn có sẵn, dù điều đó có vẻ là hợp lý nhất với nhiều người. Nếu nói về kinh tế sáng tạo và quốc gia khởi nghiệp, thì họ chính là hạt nhân quan trọng nhất trong cuộc cách mạng này.

Chờ xem đã

Cũng có người, sợ tiên phong, sợ rủi ro, không chịu được sự nghi ngờ của người khác, nhưng đồng thời cũng sợ bị tụt hậu. Cho nên, họ chọn theo dõi, đứng xem người tiên phong tạo ra cái mới gì. Khi thấy người tiên phong tạo ra một cái gì đó mới, có hình hài và kết quả ban đầu rồi thì họ bèn xông vào, chạy theo, bắt nhịp với cái mới cho kịp giai đoạn bùng phát. Đương nhiên, cách này thì vẫn theo đuổi cái mới được, dù muộn hơn, dù cũng là copy nhưng copy đời đầu, khi thị trường vừa mới chớm. Thành ra, có thể rủi ro của họ ít hơn, tuy là vẫn có rủi ro khi thị trường chưa ổn định.

Người không sáng tạo, không dẫn đầu, nếu chỉ copy thì khó thành công, nhưng nếu biết học cách cải tiến tốt hơn, thực thi tốt hơn, triển khai nhanh và quyết liệt hơn thì hoàn toàn có thể qua mặt được cả người tiên phong mà trở thành dẫn dắt thị trường. Tuy nhiên, họ phải là người nhạy bén và cũng thích rủi ro chứ không chờ quá lâu và quá an toàn trong lựa chọn.

Sao cũng được, copy hay tiên phong gì cũng được, đểu là lựa chọn của mỗi người thôi. Tuy nhiên, lựa chọn nào cũng có cái giá của nó. Không lựa chọn nào là an toàn hết cả, bạn ạ.