Đã tròn 9 tháng kể từ khi xung đột Nga - Ukraine nổ ra, làm đảo lộn nền giáo dục ở nước này: 2.430 trong hơn 16.000 cơ sở giáo dục bị hư hại, trong đó 337 cơ sở bị phá hủy hoàn toàn. Hơn 7,6 triệu người Ukraine phải chạy sang châu Âu, 25% trong số đó là thanh niên ở độ tuổi đại học. [1]
Trong loạt bài giảng “Quản lý giáo dục trong tình trạng khẩn cấp” mới đây tại Đại học Tampere, Phần Lan, bà Kateryna Suprun - Trưởng nhóm Chuyên gia về Chuyển đổi số trong Giáo dục và Khoa học, Bộ Giáo dục và Khoa học Ukraine - cho biết, ngành giáo dục nước này từng có kinh nghiệm ứng phó với những trường hợp khẩn cấp. Sau 2 năm xảy ra đại dịch COVID, toàn bộ các bài giảng phổ thông từ lớp 5 đến lớp 11 đã được chuyển lên nền tảng số “Trường học trực tuyến toàn Ukraine” (All Ukrainian Online School). Trước đó nữa là khủng hoảng Crimea năm 2014 cũng dẫn đến việc dạy và học bị xáo trộn.
Tòa nhà của Khoa Kinh tế thuộc Đại học Quốc gia Kharkov bị bốc cháy trong một trận pháo kích. Nguồn: Getty Images
Thế nhưng mức độ nghiêm trọng của cuộc xung đột toàn diện Nga-Ukraine lần này đặt giáo dục Ukraine trước những thử thách chưa từng gặp, bà Suprun nói. Trong đó, giáo dục đại học phải vật lộn với nhiều khó khăn chồng chất hơn cả. Các nhà lãnh đạo giáo dục phải mất vài tuần để thích nghi với một thực tế hoàn toàn mới - họ bối rối khi không có dữ liệu đầy đủ về thiệt hại và nguồn lực của từng trường để đưa ra quyết định hiệu quả. Thêm nữa, mặc dù có chung Khung Trình độ Quốc gia để kiểm soát các tiêu chuẩn và kết quả học tập, các ngành học không có giáo trình chung để có thể số hóa cho cả hệ thống (vì điều này đi ngược với nỗ lực tự chủ đại học của Ukraine). Các trường bị tàn phá chuyển sang học trực tuyến; đặc biệt, nhiều trường ở khu vực phía Đông sát Nga phải sơ tán sang các vùng phía Tây và được các trường ở đó hỗ trợ cơ sở vật chất tạm thời. Sinh viên quốc tế, đặc biệt là sinh viên Ấn Độ theo học các trường Y - Dược, cũng phải sơ tán đến các khu vực tương đối an toàn ở phía tây vì các học phần thực hành và thí nghiệm không thể làm online, nếu không bằng cấp sẽ không được công nhận. Các tổ chức cứu trợ nhân đạo như UNICEF đến Ukraine cũng bối rối vì họ quen với việc hỗ trợ nhân đạo ở các quốc gia/khu vực kém phát triển hơn. Chưa kể, họ thường chỉ giới hạn tài trợ cho giáo dục bắt buộc trước năm 18 tuổi.
Tình hình chiến sự thay đổi từng ngày và không biết khi nào mới kết thúc khiến chính quyền Ukraine quyết định, việc học của hơn 1,5 triệu sinh viên và 4,5 triệu trẻ em tại không thể bị gián đoạn – bà Suprun chia sẻ.
Đặc biệt, Bộ Giáo dục và Khoa học Ukraine đã mạnh dạn đưa ra những quyết sách chuyển đổi giáo dục đại học.
Trước tiên, Bộ duy trì việc thu thập dữ liệu bằng cách trao đổi với lãnh đạo các trường đại học mỗi tuần một tiếng. Lãnh đạo các trường được toàn quyền với các quyết định liên quan trực tiếp đến hoạt động giảng dạy hằng ngày. Ví dụ, họ dựa vào thực tế hằng ngày và sức chứa hầm tránh bom để cho phép học tại chỗ và hướng dẫn sinh viên di chuyển vào hầm khi còi báo động kêu.
Thứ hai, Bộ mạnh dạn nói có với các hình thức học tập không chính quy bằng việc thông qua một dự thảo công nhận các chứng chỉ vi mô (microcredentials) từ tháng Ba năm nay. Theo đó, sinh viên được tích lũy tối đa 25% tổng tín chỉ bằng các chứng chỉ vi mô không trên trường lớp chính thống. Với ngành IT, con số này có thể lên tới 35%. Ba nền tảng MOOCS lớn là Coursera, Udemy và EdX đồng ý hỗ trợ chính phủ Ukraine cung cấp nền tảng và miễn phí nhiều khóa học cho sinh viên. Ví dụ hơn 20.000 sinh viên đã hoàn thành ít nhất một khóa học trên Coursera. Bộ cũng thành lập một nhóm chuyên trách triển khai các khóa học trực tuyến này.
Thứ ba, Bộ Giáo dục và Khoa học đảm bảo cơ sở vật chất cho giảng viên và sinh viên. Bộ đạt được một số thỏa thuận với Zoom, Google và Microsoft về cung cấp giải pháp phần mềm. Việc trang bị các thiết bị như máy tính xách tay, máy tính bàn, và camera cho các trường đang được triển khai. Không dựa vào kinh phí nhà nước, Bộ đã liên hệ với các nhà cung cấp và kêu gọi tài trợ nhân đạo.
Hai năm trước, giáo dục đại học Ukraine đã thực hiện thí điểm cơ chế phân bổ ngân sách mới dựa trên kết quả (performance-based funding) thay vì dựa trên công thức cũ trường nào càng nhiều sinh viên thì càng nhận được nhiều ngân sách. Tuy nhiên cơ chế này bị gián đoạn bởi xung đột vì khi những thiệt hại xảy ra thì việc so sánh kết quả một cách công bằng không có nghĩa lý gì cả. Việc phân bổ ngân sách giờ đây lại quay lại lối cũ, dựa trên số sinh viên của mỗi cơ sở đào tạo đại học.
Đột phá hơn cả, “ví” dữ liệu EDEBO (Cơ sở Dữ liệu Điện tử Thống nhất của Nhà nước về Giáo dục, dưới sự quản lý của Bộ Giáo dục và Khoa học) sắp được đưa vào hoạt động. Đây hứa hẹn sẽ là một trong những hệ thống thông tin trung tâm hoàn thiện nhất thế giới, nơi tất cả sinh viên, nhà trường, và các cơ quan có thẩm quyền có thể truy cập vào dữ liệu giáo dục. Tất cả các giấy tờ và quy trình đăng kí thi tuyển, nhập học, thẻ sinh viên điện tử, bảng điểm, công nhận bằng cấp, và thậm chí thông tin nghề nghiệp sau tốt nghiệp đều sẽ được số hóa và lưu trữ điện tử. Đặc biệt, EDEBO không chỉ áp dụng cho sinh viên bản địa mà cả sinh viên quốc tế theo học tại Ukraine. Thử tượng tượng là một sinh viên quốc tế, bạn có thể tìm hiểu thông tin về các trường đại học và ngành học của Ukraine, gửi hồ sơ và làm thủ tục nhập học trên cùng một nền tảng. Quy trình nhập cảnh lần đầu tại Ukraine cũng sẽ trở nên trơn tru khi bạn không cần phải mang theo giấy tờ vì các nhân viên xuất nhập cảnh có thể truy cập các thông tin cần thiết thông qua mã định danh của bạn trên EDEBO.
Tháng Tám vừa rồi, Ukraine lại có một “chiến thắng nhanh” khác trong cải cách giáo dục, khi kì thi đầu vào đại học tập trung hằng năm được thay bằng một buổi thi duy nhất. Thay vì phải tham gia kì thi tại các trường trong 2-3 ngày với các tổ hợp môn thi khác nhau, học sinh tốt nghiệp phổ thông Ukraine chỉ cần làm một bài thi tổng hợp gồm 3 môn: Tiếng Ukraine, Lịch sử Ukraine, và Toán trong một ngày. (Trước kia, học sinh được chọn giữa Toán và Lịch sử cùng với tổ hợp các môn khác). Kì thi được tổ chức tập trung trên máy tính ở các cở sở đánh giá độc lập một cách minh bạch. Ban đầu, khi ý tưởng được đưa ra, có rất nhiều lo ngại liên quan đến các vấn đề kỹ thuật và hậu cần. Làm cách nào để thông báo các địa điểm tổ chức thi cho học sinh một cách bí mật, đảm bảo an toàn? Làm sao để chắc chắn các thí sinh đến được địa điểm dự thi? Nếu đang thi mà có tình huống khẩn cấp thì sẽ giải quyết như thế nào? Làm thế nào để tránh các trường hợp gian lận đặc biệt khi phải di chuyển vào hầm trú ẩn? Làm sao để thuyết phục cộng đồng quốc tế hỗ trợ thiết lập các trung tâm thi để học sinh Ukraine hiện đang sinh sống ngoài lãnh thổ cũng có thể tham dự? Nhưng ngành giáo dục Ukraine đã chứng minh quyết định của mình là sáng suốt, bằng chứng là hơn 214.000 học sinh phổ thông đã dự thi ở 58 thành phố thuộc 32 quốc gia, và chỉ xảy ra vài trăm trường hợp gặp vấn đề về kĩ thuật hay gian lận. 186.000 học sinh trong số đó nhập học trong năm học mới 2022-2023, nhiều hơn 50.000 so với năm trước.
Chính phủ và xã hội dân sự cũng chung tay tạo một sáng kiến phi lợi nhuận - dự án Ukrainian Global University (
https://uglobal.university/) - kết nối với các đại học nước ngoài để cung cấp cơ hội học tập và nghiên cứu cho những sinh viên Ukraine có kế hoạch trở về xây dựng lại đất nước sau này.
Phải nhấn mạnh rằng, những cải cách trên của ngành giáo dục Ukraine đều đã được nhen nhóm từ vài năm trước. Kể từ năm 2014, giáo dục được ưu tiên hàng đầu trong chương trình nghị sự của chính phủ mới, trong đó giáo dục đại học được xem như một trong những nhân tố chính thúc đẩy quá trình hội nhập của Ukraine vào châu Âu. Luật Giáo dục Đại học mới được ban hành chỉ ba tháng sau đó để tái cấu trúc giáo dục đại học. Hai nền tảng này cho phép Ukraine phản ứng tốt hơn với các tình huống khẩn cấp.
Tiếp đến, Bộ Giáo dục và Khoa học đảm bảo mua sắm công minh bạch. Đơn cử như trong dự án trang bị máy tính cá nhân cho giáo viên, Ủy ban Chuyển đổi số đã công khai các kế hoạch và quy trình trên trang chủ
https://thedigital.gov.ua/, liệt kê những đơn vị tham gia đấu thầu và giá trúng thầu ở từng tỉnh.
Theo bà Kateryna Suprun, chiến sự đã tình cờ đẩy nhanh nhiều tiến trình cải cách giáo dục. Chẳng hạn, từ năm 2017 một số trường đại học đã có quy trình công nhận các học phần giáo dục không chính quy nhưng vẫn còn nhiều do dự và nghi ngại. Bộ Giáo dục và Khoa học đã tích cực vận động hành lang, thuyết phục nội các chính phủ để luật được thông qua nhanh hơn. Điều tương tự cũng xảy ra với quá trình gia nhập Tiến trình Bologna mà Ukraine đã nỗ lực đàm phán từ 2005. Nếu trở thành quốc gia thành viên của Erasmus+, giáo dục Ukraine sẽ được nhận thêm nguồn tài chính cố định từ Liên minh Châu Âu.
Nhiều nỗ lực đang được thực hiện ở tất cả các cấp - quốc gia, tổ chức, và cá nhân để ứng phó với tình hình mới. Nhưng vẫn còn nhiều thách thức trước mắt với giáo dục Ukraine, đặc biệt khi mà các dịch vụ công cạnh tranh nhau để chia sẻ 10% ít ỏi của ngân sách nhà nước (vì 90% ngân sách nhà nước trong năm tới sẽ được dự chi cho vũ khí và quân sự) và tỉ lệ lạm phát hiện lên tới 25%. Hiện tượng chảy máu chất xám rất nghiêm trọng khi hơn 17% dân số phải tị nạn. Không thể biết khi nào xung đột kết thúc, và kể cả khi kết thúc rồi thì cũng cần rất nhiều nhân lực và nguồn lực cho công cuộc tái kiến thiết.