Kỳ vọng vào trí tuệ trẻ và xác định các công dân toàn cầu có thể nghiên cứu, sáng tạo ở bất kỳ đâu, Bộ trưởng Bộ KH&CN Nguyễn Quân đang dồn tâm huyết cho mô hình V-KIST - viện nghiên cứu cao cấp đủ điều kiện thu hút các tài năng Việt ở nước ngoài
Nhân dịp đầu xuân Bính Thân, Bộ trưởng Nguyễn Quân đã có cuộc trò chuyện với Báo Khoa học và Phát triển về những kỳ vọng và phương hướng phát triển KH&CN trong năm 2016 cũng như giai đoạn 2016-2020.
Không ai đứng lại để chờ mình vượt lên
2015 là năm bản lề với nhiều kết quả ấn tượng của ngành KH&CN, trong đó có thể kể tới đóng góp của KH&CN vào việc tăng năng suất các yếu tố tổng hợp (TFP). Từ giá trị âm năm 2010, đến năm 2015, TFP ước tính đóng góp tới 39,92% vào tăng trưởng GDP. Đây cũng là năm chỉ số đổi mới sáng tạo của Việt Nam tăng 19 bậc trên bảng xếp hạng GII, đứng thứ 52/141 nền kinh tế, top 3 ASEAN. Bộ trưởng có hài lòng với con số này và có kỳ vọng gì trong 5 năm tới?
Tôi cho rằng con số này rất đáng hài lòng, bởi nếu không có kết quả đó (tăng tỷ lệ đóng góp của TFP trong tăng trưởng GDP) thì chúng ta không được cộng đồng quốc tế xếp hạng cao về chỉ số đổi mới sáng tạo. Chính TFP là biểu tượng của đổi mới sáng tạo, là ghi nhận đóng góp của KH&CN trong tăng trưởng kinh tế của một quốc gia.
Kỳ vọng của tôi trong 5 năm tới là các chỉ số trên sẽ tăng cao hơn nữa, bởi chúng ta mới đang xếp thứ 52/141 nền kinh tế, còn cách Malaysia hơn 20 bậc và Singapore tới 45 bậc.
Vượt qua khoảng cách này là điều rất khó. Cứ hình dung khi ta từ dưới đáy, muốn vượt lên khoảng giữa thì cố gắng là có thể đạt được, còn muốn từ giữa vượt lên đỉnh cao sẽ không đơn giản.
Song tôi tin rằng việc chính sách mới của Luật KH&CN 2013 và các nghị định, thông tư... được áp dụng vào thực tiễn sẽ tăng hiệu quả hoạt động KH&CN và phần đóng góp của KH&CN vào kinh tế.
Tuy nhiên, khó khăn trước mắt còn rất lớn, nhất là khi chúng ta hội nhập. Nếu các bộ, ngành không quán triệt được tinh thần của Luật KH&CN, không quyết liệt đưa luật vào cuộc sống thì chúng ta sẽ chỉ loanh quanh ở thứ hạng hiện nay. Sở dĩ tôi nói vậy là vì trong hệ thống hành chính của chúng ta, ý tưởng tốt nhưng hiện thực hóa nó không dễ. Trong 5 năm tới, nếu như chính sách của Đảng, Chính phủ không đi vào cuộc sống thì rất khó hy vọng KH&CN có được thứ hạng cao hơn. Giữ được hạng thứ ba trong ASEAN cũng đã là một nỗ lực rất lớn bởi người ta không dừng lại để chờ chúng ta tiến lên. Chúng ta tiến một bước, họ cũng phải tiến hai bước.
Thu hút nhà khoa học trẻ với mô hình V-KIST
Để tiếp tục tăng thứ hạng, Bộ trưởng kỳ vọng gì ở các trí thức trẻ, trong khi câu chuyện nhiều nhà khoa học trẻ tài năng không về nước sau khi du học ở nước ngoài lâu nay được nói đến rất nhiều?
Tôi rất kỳ vọng vào giới trẻ Việt Nam bởi trong thời gian qua và đặc biệt là năm vừa rồi, họ đã chứng tỏ bản lĩnh và năng lực sáng tạo. Về lý do họ không muốn quay về, không phải ngành KH&CN trong nước không có cơ hội cho họ. Vấn đề ở đây vẫn là môi trường làm việc và chính sách đãi ngộ. Nếu họ về nước mà cơ sở vật chất quá nghèo nàn, đồng nghiệp lại thiếu những người cùng chí hướng, cùng tư duy, thu nhập quá thấp khiến họ không thể dành tối đa tâm huyết cho nghiên cứu… thì rất khó thu hút họ trở về. Chính vì thế, chúng tôi đặt ra mục tiêu trong năm 2016 sẽ đưa vào thí điểm Viện Nghiên cứu cao cấp V-KIST để thu hút các nhà khoa học người Việt ở nước ngoài về. V-KIST sẽ áp dụng cơ chế quản lý của Viện KIST Hàn Quốc.
Xin Bộ trưởng chia sẻ thêm về quá trình đưa V-KIST vào hoạt động trong thời gian tới?
Chúng tôi dự định mời cựu chủ tịch Viện KIST Hàn Quốc sang làm Viện trưởng V-KIST. Các chế độ làm việc ở V-KIST sẽ tương đương Hàn Quốc, mức độ yên tâm làm khoa học mà viện tạo ra ít nhất cũng gần bằng. Có thể mức lương ở V-KIST sẽ thấp hơn một chút. Tuy nhiên, chi phí tiêu dùng ở Việt Nam lại rẻ hơn Hàn Quốc rất nhiều. V-KIST cũng sẽ tạo cho các nhà khoa học môi trường học thuật, nghĩa là là các nhà khoa học làm việc ở đây phải tương đương về trình độ, cùng quan điểm khoa học, tư duy khoa học.
Điều kiện làm việc tối thiểu cũng phải được bảo đảm. Các nhà khoa học cơ bản và khoa học ứng dụng không thể không có phòng thí nghiệm. Trang thiết bị trong đó cũng phải tương đương các nước. Không thể để những người đang quen làm việc với thiết bị trình độ cao khi về Việt Nam dùng chiếc máy lạc hậu đến 5-7 thế hệ, không có người hỗ trợ chu đáo, máy hỏng không biết sửa ở đâu... Tất cả những điều này sẽ được khắc phục để tạo cho cơ quan khoa học một không khí, môi trường hoàn toàn khác biệt.
Tuy nhiên, không phải ai cũng thấy điều này, nên hiện cơ chế tài chính của V-KIST chưa ban hành được. Có những thắc mắc tại sao ở V-KIST chế độ lương bổng lại cao như vậy, phải theo đúng quy định của Nhà nước.; nhưng nếu chỉ theo quy định hiện hành thì không cần có V-KIST. Đang có hàng trăm viện theo quy định hiện hành và hiệu quả thế nào thì ai cũng biết. Chúng ta muốn thu hút các nhà khoa học về thì không thể tạo ra một viện giống các viện đang có, vì nếu được thì họ đã về các viện kia làm rồi. Thực tế, nhiều nhà khoa học đã ra đi từ chính các viện theo đúng quy định hiện hành đó bởi không được đáp ứng các điều kiện cần thiết.
Chúng tôi đang kiên trì thuyết phục Bộ Tài chính và báo cáo với Thủ tướng để quy chế tài chính của V-KIST được ban hành, vì đây là điều kiện tiên quyết, từ đó mới có thể làm các bước tiếp theo. Nếu đổ cả nghìn tỷ đồng vào xây dựng viện mà người giỏi không về làm thì sẽ không có ý nghĩa gì. Tôi tin rằng mô hình viện V-KIST sẽ thu hút được nhiều nhà khoa học trẻ và giỏi.
Đừng “trói” nhà khoa học bằng quy định hành chính
Thưa Bộ trưởng, hình ảnh CEO Google uống trà đá với Nguyễn Hà Đông, sau đó gặp gỡ các startups và giới công nghệ trong nước cho thấy giới trẻ Việt rất được chú ý. Từ câu chuyện này, Bộ trưởng có thể chia sẻ quan điểm của mình về khái niệm “công dân toàn cầu”? Và trước thềm xuân mới, Bộ trưởng có nhắn nhủ gì với trí thức, nhất là các nhà khoa học trẻ?
Tôi rất kỳ vọng vào giới trẻ Việt Nam. Những người như Nguyễn Hà Đông là ví dụ điển hình cho việc họ chẳng cần có đề tài dự án cấp nhà nước nhưng vẫn khởi nghiệp thành công. Nhiều người nói rằng phải là những nhà khoa học có bằng cấp cao rồi làm chủ nhiệm nhiều đề tài, dự án mới có thể thành công. Đối với giới trẻ, tôi tin họ có thể thành công trong những điều kiện mà chúng ta không thể ngờ được. Trong lịch sử cũng có nhiều ví dụ tương tự. Tôi nghĩ đối với giới trẻ và những người làm khoa học, cái họ cần nhất là tự do sáng tạo. Chúng ta đừng ràng buộc họ bởi những quy định hành chính.
Ngày nay trong thế giới phẳng, công dân toàn cầu đương nhiên có quyền làm khoa học ở bất kỳ nơi nào trên thế giới. Nguyễn Hà Đông thành công dù bạn ấy chưa hề bước chân ra làm việc cho một tập đoàn đa quốc gia nào. Từ câu chuyện này, tôi nghĩ làm khoa học không cứ là phải trong giờ hành chính. Tôi tin Nguyễn Hà Đông cũng phải mất nhiều đêm để làm Flappy Bird không phải do viện nào giao nhiệm vụ. Làm khoa học tương đối tự do, ngẫu hứng, chủ yếu là đam mê, có ý tưởng và dành toàn bộ thời gian, sức lực, tiền bạc để theo đuổi đến cùng. Cũng có thể họ thất bại, nhưng cũng nên động viên giới trẻ biết chấp nhận thất bại.
Tôi đã gặp rất nhiều nhà khoa học trẻ và họ nói rằng nếu chúng ta không có văn hóa thất bại thì chắc chắn không thể thành công. Làm khoa học luôn luôn rủi ro. Sẽ là giáo điều nếu nói cứ làm khoa học là phải thành công, giao 100 đề tài là phải được cả trăm. Làm khoa học mà thành công được vài chục phần trăm đã là tốt rồi. Ngay cả ở Mỹ cũng chỉ có 20% số đề tài nghiên cứu thành công và được ứng dụng; còn một số đề tài thành công nhưng chưa ứng dụng được và cũng nhiều đề tài thất bại.
Thất bại trong khoa học cũng chính là thành công vì sẽ giúp những người đi sau tránh vết xe đổ của mình, tránh nghiên cứu những vấn đề không áp dụng được trong thực tiễn. Thậm chí ngay cả thất bại cũng có thể là tiền đề của thành công vì họ biết được rằng đi theo hướng này không đúng thì phải đi theo hướng khác, đầu tư đến mức này thất bại thì phải đầu tư ở mức khác, sản phẩm này không được chấp nhận nhưng nếu thay đổi một chút, biết đâu thị trường sẽ đón nhận... Vì vậy, với giới trẻ, tôi chỉ mong họ hãy hết sức tự chủ, biết chấp nhận thất bại và tận dụng tối đa mọi cơ hội để có thể sáng tạo một cách tự do.
Nhân dịp năm mới, tôi muốn gửi tới các nhà khoa học nói chung, nhà khoa học trẻ nói riêng lời chúc sức khỏe, thành công và bày tỏ sự kỳ vọng, tin tưởng vào những đóng góp của họ cho nền KH&CN nước nhà.
Xin trân trọng cảm ơn Bộ trưởng!