Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) Nguyễn Quân trăn trở tìm cách thu hút những người giỏi về nước và bày tỏ mong muốn các du học sinh về nước làm việc nhiều hơn.


Chiều 12/12, trong khuôn khổ chương trình Đại hội Tài năng trẻ Việt Nam lần thứ II, T.Ư Đoàn phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức diễn đàn với chủ đề “Phát triển khoa học, công nghệ trong thời kỳ hội nhập quốc tế”, Bộ trưởng Nguyễn Quân đã đặt 03 câu hỏi cho 64 tài năng trẻ:

Một là, vì sao người Việt có trí tuệ, học tập không thua kém các dân tộc khác nhưng đất nước lại không phát triển nhanh như kỳ vọng?

Hai là, vì sao những người giỏi, đặc biệt là những người giỏi và trẻ lại không tham gia nhiều vào hoạt động của cơ quan quản lý nhà nước, nguyện vọng lớn nhất của những người giỏi lại không là làm việc trong các cơ quan nhà nước trong khi cơ quan nhà nước rất cần những người giỏi để xây dựng cơ chế chính sách?

Ba là, vì sao những người giỏi đi du học ở nước ngoài không muốn về nước, số người muốn về nước rất ít?

Bộ trưởng Nguyễn Quân trăn trở tìm cách thu hút du học sinh về nước. Ảnh: Loan Lê

Phát biểu tại hội thảo, Bộ trưởng Nguyễn Quân cho biết: Hội nhập sâu rộng là cơ hội và thách thức lớn cho Việt Nam. Theo bộ trưởng, nếu không phát triển khoa học công nghệ thì chúng ta không thể cạnh tranh với thế giới. Nước nào có trình độ khoa học công nghệ cao hơn thì có sức cạnh tranh cao hơn và sẽ chiến thắng trong cuộc đua về kinh tế, xã hội, an ninh, quốc phòng.

Bộ trưởng Nguyễn Quân cũng mong muốn các tài năng trẻ đưa ra thật nhiều ý kiến để ông có thêm thông tin để báo cáo với lãnh đạo Đảng, Nhà nước trong việc thực hiện chính sách thu hút nhân tài trở về.

Trả lời Bộ trường, các đại biểu thẳng thắn nêu lên những thành quả nghiên cứu khoa học của bản thân cũng như những khó khăn vấp phải trong quá trình nghiên cứu, lao động sáng tạo và ứng dụng khoa học công nghệ.

Theo các đại biểu, hoạt động khoa học và công nghệ của nước ta hiện nay vẫn chưa đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, nhất là trong xu thế hội nhập kinh tế quốc tế và sự phát triển kinh tế tri thức trên toàn thế giới.

Theo đại biểu Trương Hải Nhung - Phòng thí nhiệm nghiên cứu, ứng dụng tế bào gốc, Đại học Khoa học tư nhiên, Đại học Quốc gia Hồ Chí Minh: Sự đầu tư của Nhà nước và của Bộ khoa học và công nghệ không chỉ dừng lại ở việc đào tạo những người trẻ tài năng mà cần tập trung đào tạo ra các nhà khoa học đầu ngành, những người có thể là người thầy để truyền tiếp ham mê nghiên cứu khoa học, truyền lửa cho những người trẻ nhỏ hơn trong mọi lĩnh vực khoa học.

Các đại biểu đóng góp ý kiến thẳng thắn và nhiệt tình. Ảnh: Loan Lê

Còn theo đại biểu Vũ Thị Ngân – giảng viên trường ĐH Quy Nhơn, tỉnh Bình Định: Sau thời gian học tập tại nước ngoài và tham gia một số nhóm nghiên cứu, cô cho rằng, người Việt Nam chúng ta rất thông minh và sáng tạo, nhưng lại có một nhược điểm đó là kỹ năng tương tác cũng như làm việc tập thể. Một trong những giải pháp làm tăng kỹ năng làm việc nhóm, hội nhập đó là Nhà nước cần có chính sách luân chuyển cán bộ.

"Tôi cho rằng, một nhà khoa học trẻ cũng cần có cơ hội được trải nghiệm ở nhiều môi trường làm việc khác nhau, qua đó giúp tăng khả năng hội nhập, làm việc nhóm và phát huy tối đa khả năng sáng tạo..." - Đại biểu Vũ Thị Ngân chia sẻ.

Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Trần Văn Tùng đã ghi nhận 20 lượt ý kiến từ các đại biểu. Ngoài ra các tài năng trẻ còn thảo luận nhiều nhóm vấn đề, đưa ra những giải pháp cho việc phát triển nền khoa học, công nghệ Việt Nam.