Mặc dù được kỳ vọng trở thành cứu cánh cho việc đối phó với khủng hoảng về vệ sinh an toàn thực phẩm nhưng như báo chí đã phản ánh hiệu quả của tiêu chuẩn vietgap vẫn còn “mờ mịt” sau hơn chục năm ra đời.

Tại sao một bộ Tiêu chuẩn do nhà nước ban hành và được đánh giá là tốt, theo sát hướng dẫn của FAO và tham khảo các bộ tiêu chuẩn phổ biến trên thế giới như GlobalGAP, EurepGAP, HACCP lại không thành công?

Ảnh: VietGap
Ảnh: VietGap

Để đối phó với khủng khoảng về vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP), từ năm 2008, Bộ NN&PTNT đã ban hành Quyết định 379/QĐ-BNN-KHCN nhằm thiết lập bộ tiêu chuẩn Thực hành nông nghiệp tốt (VietGAP) – tập trung vào qui hoạch vùng sản xuất, tập huấn và cấp chứng chỉ cho người dân và xem đây như là nền tảng cho sản xuất nông nghiệp sạch. VietGAP dựa trên 4 tiêu chí: Kỹ thuật sản xuất đúng tiêu chuẩn; An toàn thực phẩm gồm các biện pháp đảm bảo không có hóa chất, nhiễm khuẩn hoặc ô nhiễm vật lý khi thu hoạch; Môi trường làm việc phù hợp với sức lao động của người nông dân; Nguồn gốc sản phẩm từ khâu sản xuất đến tiêu thụ. Và đi kèm với nó là 10 bước trồng rau từ đất, giống, phân bón, thuốc trừ sâu...

Theo thống kê, sau 8 năm thực hiện VietGAP, tổng diện tích canh tác được chứng nhận VietGAP vào khoảng 3.200 ha (chiếm 0.4% tổng diện tích trồng rau màu của toàn quốc). Trong số này, hầu như diện tích VietGAP khu trú chủ yếu ở một số tỉnh như Lâm Đồng 1.319 ha và lớn nhất cả nước, theo sau là Vĩnh Phúc (400 ha), TP. Hồ Chí Minh (268 ha)... Trong số 762 cơ sở sản xuất và chế biến nông sản đã được cấp chứng chỉ VietGAP, thì Lâm Đồng cũng có 175 cơ sở.

Nhiều ý kiến đánh giá cho rằng, không tạo được động lực duy trì và lan tỏa ở qui mô địa phương, VietGAP sẽ dừng lại, thậm chí sẽ bị đẩy ra khỏi cuộc sống và sản xuất nông nghiệp của người dân, nhất là khi nguồn vốn hỗ trợ của chính phủ đóng lại. Bên cạnh đó những thay đổi thực chất về quy trình sản xuất của các cá nhân/cơ sở được cấp chứng nhận VietGAP có thể vẫn còn chưa rõ ràng, tính lan tỏa của VietGAP ở địa phương bị hạn chế. Dường như đây là một chương trình được “đẩy từ trên xuống” (top-down), chưa tạo được các động lực duy trì và lan tỏa cần thiết sau hơn 10 năm triển khai. Có hai lý do chính giải thích cho điều này:

Chưa quan tâm đến các tác nhân chi phối chuỗi nông sản

Trong phân tích chuỗi nông sản toàn cầu, mạng lưới lương thực và những phức tạp của hệ thống cung ứng hàng hóa, hai kết luận được rút ra về các tác nhân chi phối đến an toàn thực phẩm (ATTP) và bảo vệ môi trường trong sản xuất nông nghiệp là: (1) các công ty chế biến nông sản xuyên quốc gia; (2) và hệ thống bán lẻ và người tiêu dùng. Các tác nhân này có thể áp đặt các tiêu chí ATTP, chi phối toàn bộ chuỗi cung nông sản chứ không chỉ là người nông dân như đích đến của VietGAP.

Các công ty chế biến nông sản xuyên quốc gia đầu tư vào Việt Nam cũng tự áp dụng các tiêu chuẩn VSATTP của riêng họ thay vì VietGAP (ví dụ như Metro tự phát triển tiêu chuẩn MetroGAP). Tuy nhiên, hệ thống bán lẻ và người tiêu dùng – tác nhân có thể áp đặt các tiêu chuẩn VSATTP cho người sản xuất - đã ít được chú ý trong nội dung các chiến lược can thiệp đảm bảo VSATTP, bao gồm cả VietGAP.

Khảo sát những hộ sản xuất rau VietGAP và không theo VietGAP tại Đà Lạt và ước tính có 32.4% sản lượng rau của nhóm VietGAP và 64.0% của nhóm không-VietGAP được bán cho tư thương địa phương trước thu hoạch (từ 1-2 tháng). Điều này cho thấy, hệ thống thị trường đã hình thành tương đối chắc chắn. Sự gắn kết mạnh giữa người thu gom địa phương – người bán buôn, bán lẻ (và người tiêu dùng; tuy nhiên người tiêu dùng Việt Nam có thể bị dẫn dắt/chi phối bởi hệ thống bán lẻ thay vì có sức mạnh chi phối như tại các nước OECD) tại các tỉnh đã cho phép tư thương địa phương có cơ sở để đầu tư mua rau trước thu hoạch trong thời gian khá dài với ít rủi do. Do đó, quyền lực chi phối VSATTP phần khá lớn nằm trong tay người thu gom, chứ không phải người dân/hoặc nhóm sản xuất - và việc kiểm soát các đầu mối này dễ, rẻ và hiệu quả hơn rất nhiều so với kiểm soát hàng ngàn người dân sản xuất nhỏ lẻ.

Rất tiếc, VietGAP đã lãng quên hoặc quá ít chú ý đến các tác nhân quyền lực trong chuỗi cung rau này, thay vào đó chỉ tập trung vào qui hoạch vùng sản xuất, tập huấn và cấp chứng chỉ cho người sản xuất. Đầu tư tốn kém về tiền bạc và sức lực nhưng kết quả lại rất hạn chế. Ví dụ: vào năm 2011-2012, Sở NN&PTNT Lâm Đồng đã hỗ trợ kinh phí (xét chất lượng đất trồng, nguồn nước) để cấp chứng chỉ cho 400 hộ dân trồng rau. Sau một năm Chứng chỉ VietGAP hết hạn, không có bất kỳ người dân nào trong số này có nhu cầu gia hạn VietGAP thêm nữa.

Thiếu tính thực tế

Hơn nữa, rủi ro liên quan dư lượng thuốc bảo vệ thực vật là khác biệt giữa các loại rau và theo mùa vụ, một quy trình VietGAP áp chung giống nhau cho tất cả các loại rau, các mùa vụ có lẽ là thiếu thực tế.

Với điều kiện thuận lợi của vùng Đà Lạt, các loại rau trồng rất đa dạng. Dù Bộ NN&PTNT đã cho phép gần 500 hoạt chất với khoảng 3.000 tên thương phẩm (các loại: thuốc trừ sâu, bệnh. Trong khi thị trường Mỹ chỉ khoảng 600 tên thương phẩm – số liệu năm 2008). Tuy nhiên, có tới 40 loại rau đang được trồng ở Đà Lạt mà không có các loại thuốc BVTV đăng ký và cấp phép sử dụng cho các rau này (Hung 2016). Vậy là: nếu áp dụng VietGAP cho các rau này, người dân sẽ dùng thuốc BVTV nào cho đúng luật hiện hành và các qui định thực hành VietGAP? Họ sẽ ghi chép nhật ký thế nào, hay là họ sẽ ghi gian dối: rau không có sâu bệnh và không phải dùng thuốc, nếu muốn duy trì chứng chỉ VietGAP?

Bên cạnh đó, do công tác giám sát sản xuất và ghi chép nhật ký đồng ruộng còn hạn chế nên việc ghi chép nhật ký sản xuất có thể dễ dàng bị chỉnh sửa theo chủ đích (của chính họ hoặc của công ty rau an toàn). Các cơ quan quản lý có thể làm gì nếu phân tích mẫu rau phát hiện dư lượng thuốc BVTV A nào đó nhưng trong nhật ký đồng ruộng của dân lại không ghi chép việc sử dụng thuốc BVTV này? Khi mà sự kiểm soát của các tác nhân thị trường chưa mạnh và hiệu quả thì có nghĩa là VietGAP có thể được người dân (hoặc công ty rau an toàn) dùng như “lá bùa” giúp che đậy các hoạt động sản xuất không phù hợp nào đó.

Do đó, muốn xử lý khủng hoảng an toàn thực phẩm thành công, Chính phủ Việt Nam cần phải xem lại toàn bộ các nhân tố chi phối đến chuỗi nông sản an toàn chứ không chỉ tập trung vào một đầu mối là người nông dân. Mặt khác, kinh nghiệm nhiều nước đã cho thấy, khu vực tư nhân, các hệ thống siêu thị và phân phối thực phẩm có vai trò rất quan trọng trong việc định hướng tuân thủ các yêu cầu theo tiêu chuẩn để đảm bảo lợi ích của người mua, người bán, uy tín của kênh phân phối (. Bởi vậy, các cơ quan quản lý Việt Nam nên thúc đẩy, phát huy vai trò của khu vực tư nhân trong việc kiểm soát, thực hành sản xuất an toàn thay cho việc cố gắng tập trung vào một tiêu chuẩn của nhà nước ban hành là VietGAP mà biết chắc là ở nhiều nơi thực hành theo kiểu “có cũng như không” như nhiều báo chí đã phản ánh.

Tài liệu tham khảo:

Atkins, P. and L. Bowler (2001). Food in Society: Economy, Culture, Geography. New York, Oxford University Press Inc.

Hung, L. T. (2016). Integrated pest management in vegetable production: successes and constraints for VietGAP development in Dalat City. Stakeholder's perception on VietGAP. Dalat City, Lamdong - Vietnam.

MARD (2015). Conference Steering Committee in applying Good Agricultural Practices (VietGAP) to recommend solutions for VietGAP development nationwide.

Martinez, M. G., A. Fearne, et al. (2007). "Co-regulation as a possible model for food safety governance: Opportunities for public-private partnerships." Food Policy 32: 299-314.

Son, N. V. (2016). Lam Dong policies on VietGAP development: recommendations for further VietGAP take-off. Stakeholder's perception on VietGAP. Dalat City, Lam Dong - Vietnam.

Spaargaren, G. and B. J. M. v. Vliet (2000). "Lifestyles, Consumption and the Environment: The Ecological Modernisation of Domestic Consumption." Environmental Politics 9(1): 50-77.