Không chỉ sinh viên hay nhà nghiên cứu trẻ mà các doanh nhân cũng bắt đầu quan tâm đến khóa học ngắn ngày về phát triển cộng đồng bền vững này.
Khi đọc được thông báo tuyển sinh của Trường học Mùa đông về Phát triển bền vững hồi cuối năm ngoái, Nguyễn Thị Bích Trâm (1996, TPHCM) hết sức ấn tượng với nhận định rằng, nhiều bạn trẻ triển khai dự án nhằm giải quyết các vấn đề xung quanh mình nhưng do thiếu tầm nhìn dài hạn và mô hình bền vững, các dự án thường kết thúc trong thời gian ngắn. Đang tham gia chạy một số dự án xã hội mà tự mình nhận thấy không tạo ra tác động như kỳ vọng, Trâm rất muốn tìm hiểu lý do tại sao và quyết định nộp hồ sơ đăng ký với suy nghĩ “nơi này có thể cho tôi những kiến thức tôi cần hoặc kết nối tôi với những người có kiến thức đó.” “Trong một khóa học kéo dài 4 ngày thì khó để mà nói mình được trang bị cái gì đó có thể giúp giải quyết mọi vấn đề nhưng tôi đã được làm quen với khái niệm giải pháp liên ngành và tôi biết khái niệm đó là có trên đời để sau khi khóa học kết thúc, tôi bắt đầu đi tìm kiếm kiến thức ở những chỗ khác hay kết nối với bạn bè và những người khác,” Trâm chia sẻ.
Nối tiếp Trường học Mùa đông về Phát triển bền vững, Trường hè Phát triển Việt Nam 2020 (VSSD) vẫn giữ định hướng là nơi chuẩn bị nền tảng khoa học, kinh tế, và xã hội cho những người trẻ có mong muốn làm công việc phát triển cộng đồng.
Sức nóng của Trường hè đã tăng đáng kể so với Trường học Mùa đông diễn ra cách đây 6 tháng. Theo Ban tổ chức, đến nay đã có gần 1.000 hồ sơ từ 50 tỉnh/thành phố đăng ký tham gia, trong khi Trường học Mùa đông nhận được gần 550 hồ sơ. Trong số này, có 12 tiến sĩ và 108 thạc sĩ.
Chương trình VSSD được thiết kế nhằm bảo đảm người học có thể kết nối lý thuyết với thực hành, hay như TS Nguyễn Thị Tú Mai, thành viên Ban tổ chức, nhấn mạnh, “để các em không làm công việc phát triển cộng đồng chỉ dựa vào kinh nghiệm mà còn dựa trên nền tảng khoa học, kinh tế, và xã hội.”
Trong đó, ở phần kiến thức chung, học viên sẽ học các nội dung như nhận thức luận, tư duy khoa học, tương lai của sự tăng trưởng, và phát triển bền vững - lý thuyết và thực tiễn.
Sau các phiên toàn thể, tùy theo mối quan tâm, học viên có thể chọn một trong 6 nhóm chuyên đề, gồm: Khoa học và Công nghệ đổi mới sáng tạo; Nông nghiệp và Sinh kế; Môi trường và Biến đổi khí hậu; Sức khoẻ Cộng đồng; Giáo dục, Văn hoá và Nghệ thuật; Xã hội hoà nhập (Inclusive Society). Đặc biệt, nếu 5 chuyên đề đầu tiên chủ yếu do các nhà nghiên cứu, chuyên gia hay nghệ sĩ chủ trì và giảng bài thì chuyên đề Xã hội hòa nhập có thêm sự tham gia của khá nhiều doanh nhân như: bà Đỗ Thị Thúy Hằng, CEO Scommerce - công ty mẹ của Giao Hàng Nhanh và Ahamove; bà Nguyễn Thái Hải Vân, Giám đốc điều hành Grab Việt Nam; ông Tăng Gia Hải Lam - CEO Buzzmetrics… Họ đến đây không chỉ để chia sẻ thông tin và dự định của doanh nghiệp mình đối với hoạt động cộng đồng mà còn để tìm kiếm nguồn lực, TS Tú Mai cho biết.
Cuối cùng, giống như sự mô phỏng một quá trình phát triển cộng đồng, ở phần thực hành, các học viên sẽ làm việc theo nhóm để đưa ra giải pháp cho một vấn đề xã hội dựa trên lĩnh vực thế mạnh của mình và có khả năng thực thi, thí dụ như vấn đề hỗ trợ sức khoẻ, tinh thần cho người bệnh ung thư đã được đưa ra tại Trường học Mùa đông. Chất lượng thuyết trình sẽ quyết định khả năng dự án nhận được cam kết hỗ trợ từ Ban tổ chức và các đối tác.
Tìm lối ra cộng đồng
VSSD sẽ diễn ra từ ngày 30/7 - 2/8/2020 tại Trung tâm Quốc tế Khoa học và Giáo dục liên ngành (ICISE), TP Quy Nhơn, tỉnh Bình Định. Toàn bộ chi phí ăn ở và học tập của 120 học viên được Ban tổ chức - gồm tổ chức Thanh niên Phát triển Bền vững YSD, ICISE và Quỹ Khởi nghiệp xanh Việt Nam - tài trợ.
Nhưng khóa học không thật sự kết thúc sau 4 ngày vì VSSD khuyến khích các học viên tham gia tình nguyện trong vòng 6 tháng cho một dự án/tổ chức để có thể ứng dụng kiến thức mà trường cung cấp. Dựa trên báo cáo kết quả hoạt động tình nguyện đó, Ban tổ chức sẽ quyết định việc cấp chứng nhận tốt nghiệp cho học viên. Ngoài ra, trong 6 tháng thử thách, đối với các học viên mong muốn tiếp tục phát triển ý tưởng, Ban tổ chức và các đối tác cam sẽ kết đồng hành cùng họ.
Theo đại diện Ban tổ chức, thực tế đã có 3 dự án được sinh ra từ chương trình Trường học Mùa đông. Trong đó, Dự án Tri ân mỗi ngày đặt mục tiêu cải thiện thói quen nuôi dưỡng cảm xúc tích cực của giáo viên chủ nhiệm khối 11 trường THPT Chu Văn An (Hà Nội) và thúc đẩy hệ sinh thái trường học hạnh phúc tại đây; Dự án Tạo cơ hội cho các bạn nhỏ khuyết tật và không khuyết tật làm việc cùng nhau được triển khai tại TPHCM nhằm thay đổi cái nhìn của trẻ em từ 9-12 tuổi về các bạn khuyết tật; và Dự án Trồng chúc xóa nghèo, giải quyết sinh kế cho người dân ở khu vực Bảy Núi, An Giang bằng cách hướng dẫn người dân trồng xen canh cây chúc, sản xuất sản phẩm từ cây chúc, và hỗ trợ đưa sản phẩm ra thị trường. Tuy nhiên, do tác động không mong muốn của dịch Covid-19, các dự án trên hiện đang phải tạm ngưng hoạt động.
TS Phùng Hà Thanh - Trưởng bộ môn Đất nước học tại Khoa Ngôn ngữ và Văn hoá các nước nói tiếng Anh, Đại học Ngoại ngữ, Đại học Quốc gia Hà Nội - chia sẻ, tham gia Trường hè Phát triển Việt Nam “giống như một thách thức” vì “khi phải nói về một chủ đề gì đó thì mình phải làm việc với nó, giống như mình có một động cơ để làm việc”.
Ở chuyên đề Giáo dục, Văn hóa và Nghệ thuật của Trường hè, chị sẽ có bài giảng tổng quan về giáo dục vì phát triển bền vững và giới thiệu những cách hiểu về nó. “Tôi muốn nhấn mạnh với các học viên rằng, cần có sự chất vấn khái niệm phát triển bền vững, nhưng nếu chỉ chất vấn nội hàm của nó là gì, phát triển có thể bền vững hay không thì không đủ và không có ý nghĩa nhiều. Khi người ta gắn thương hiệu với khái niệm phát triển bền vững thì khái niệm đó có nguy cơ biến thành công cụ quảng cáo, bởi vậy thực hành ra sao là điều cần trăn trở nhiều hơn.”
Được biết, hơn 30 chuyên gia, giảng viên và nghệ sĩ sẽ giảng bài mà không lấy thù lao tại Trường hè. |