Sau các chương trình phát triển quốc gia về Toán và Vật lý, Bộ KH&CN lại tiếp tục chủ trì Chương trình phát triển khoa học cơ bản trong Hóa học, Khoa học sự sống, Khoa học Trái đất và Khoa học biển giai đoạn 2017-2025 (Chương trình 562), kỳ vọng sẽ góp một phần thiết thực vào các hoạt động kinh tế, xã hội của đất nước, trong đó có Biển Đông.
Trong phiên họp tổ công tác triển khai Chương trình 562 ngày 2/6/2020, Thứ trưởng Bộ KH&CN Phạm Công Tạc đã nhấn mạnh đến ý nghĩa của việc thực hiện các nghiên cứu về khoa học cơ bản trong bối cảnh hiện nay, “khoa học cơ bản cần thiết với một nền kinh tế xã hội, một đất nước nhưng không phải vì thế mà chúng ta không quan tâm đến tiềm năng ứng dụng của nó. Do đó, chúng ta cần tiếp tục chương trình phục vụ nghiên cứu cơ bản nhưng vẫn cần bám sát những tình hình kinh tế xã hội để vừa góp phần tạo thêm một nguồn đóng góp vào dòng chảy chung của khoa học đất nước, vừa tính đến những khả năng đóng góp phù hợp với yêu cầu thực tiễn”.
Hứa hẹn hiệu quả lan tỏa
Cũng như nhiều chương trình nghiên cứu cấp quốc gia khác do Bộ KH&CN quản lý, Chương trình 562 đã thu hút sự tham gia của nhiều cơ sở giáo dục, nghiên cứu trực thuộc các bộ, viện, trường như Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam, Bộ GD&ĐT, Bộ Quốc phòng, Bộ TN&MT, ĐHQGHN, ĐHQG TPHCM… và bao phủ trên một diện rất rộng từ Nam ra Bắc chứ không khu trú tại một vài đơn vị “điểm”. Dường như cả bốn lĩnh vực hóa học, khoa học sự sống, khoa học Trái đất và khoa học biển đang trở thành những “từ khóa” hấp dẫn các nhà nghiên cứu và nhóm nghiên cứu trên cả nước khi Chương trình tạo điều kiện cho họ thực hiện các đề tài và ý tưởng khoa học. “Nếu chúng ta không dành cho các lĩnh vực khoa học này một sự quan tâm đặc biệt hay một sự đầu tư đặc biệt thì không bao giờ có thể thúc đẩy sự phát triển của nó lên được”, bà Nguyễn Thị Thanh Hà, Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học xã hội, nhân văn và tự nhiên (Bộ KH&CN), nói trong phiên họp.
Với mục tiêu thúc đẩy sự phát triển của các lĩnh vực, yêu cầu đặt ra cho các nhiệm vụ nghiên cứu là phải có công bố quốc tế với đề tài khoa học cơ bản và sản phẩm sản xuất ở quy mô pilot hoặc mẫu prototyle với đề tài khoa học định hướng ứng dụng. Ví dụ trong 18 nhiệm vụ đầu tiên được phê duyệt vào năm 2019 thuộc hai lĩnh vực hóa học và khoa học sự sống, chủ yếu tập trung vào các chủ đề phát triển dược liệu, xử lý các hợp chất POPs, hóa học xanh; bảo tồn đa dạng sinh học, giải pháp phòng ngừa bệnh nguy hiểm, bệnh mới nổi ở người và vật nuôi, chỉ số sinh học của người Việt Nam và hệ gene người Việt Nam… Bản thân các đề tài này sẽ là minh chứng cho “sự chuyển dịch kết quả nghiên cứu trong lĩnh vực này vào đời sống rất nhanh”, bà Nguyễn Thị Thanh Hà đánh giá.
Tuy sẽ cần thêm thời gian để có thể đánh giá hiệu quả lan tỏa của các đề tài nghiên cứu từ Chương trình 562 nhưng trước mắt đã thấy rõ tác động từ việc thực hiện chúng ở ĐHQGHN, ĐHQG TPHCM hay các cơ sở nghiên cứu của Bộ GD&ĐT. PGS. TS Vũ Văn Tích, Trưởng ban Quản lý Khoa học (ĐHQGHN) nếu tác động ban đầu của Chương trình “đã góp phần tạo cơ sở pháp lý để ĐHQGHN có thể triển khai nhiều công việc liên quan đến các hoạt động nghiên cứu và giảng dạy như sắp xếp lại các phòng thí nghiệm cho khối nghiên cứu khoa học cơ bản về hóa, khoa học sự sống, địa chất… để có hướng đầu tư bài bản, đến năm 2023 sẽ hình thành hệ thống phòng thí nghiệm theo tiêu chuẩn quốc tế”. Bên cạnh đó, việc nhận kinh phí từ Chương trình giúp ĐHQGHN đầu tư thực hiện nhiều đề tài nghiên cứu ý nghĩa, khuyến khích công bố quốc tế, thưởng cho công bố quốc tế (60 triệu/bài báo), hỗ trợ xuất bản quốc tế hoặc đầu tư thêm cho các đề tài đã có sẵn kết quả để có thể có được sản phẩm, đồng thời tạo điều kiện cho ĐHQGHN biên soạn sách, giáo trình tiếng Việt và tiếng nước ngoài trong đào tạo ngành khoa học sự sống và khoa học Trái đất.
Trong năm 2020, ĐHQGHN sẽ tập trung triển khai các nhiệm vụ liên quan đến Chương trình 562, trong đó tập trung triển khai các phòng thí nghiệm liên quan trong hệ thống phòng thí nghiệm liên ngành, gồm: Dự án đầu tư phòng thí nghiệm công nghệ sinh học và y sinh; dự án đầu tư Phòng thí nghiệm kiểm định chất lượng môi trường và thực phẩm; dự án đầu tư Phòng thí nghiệm giám sát môi trường tự nhiên và phát triển bền vững.
Trước đó, năm 2019, ĐHQGHN đã tập trung phát triển các phòng thí nghiệm liên quan đến bốn ngành của Chương trình 562 qua các dự án Tăng cường năng lực Phòng thí nghiệm trọng điểm phát triển năng lượng sinh học; dự án tăng cường năng lực các phòng thí nghiệm tính toán, môi trường, sinh học; dự án tăng cường năng lực nghiên cứu và chuyển giao công nghệ tài nguyên và môi trường; dự án răng cường năng lực chuyên sâu tại Trung tâm nghiên cứu khoa học sự sống.
Những chuyển động ở trường ĐHQG TPHCM cũng đang bắt đầu, dù mới có một số đề tài cấp quốc gia được phê duyệt trong năm 2020. PGS.TS Lâm Quang Vinh, Trưởng ban KH&CN (ĐHQG TPHCM) cho rằng, trên nền tảng các lĩnh vực nghiên cứu cơ bản như toán học, vật lý và hóa học đã được xây dựng và những nhóm nghiên cứu mạnh sẵn có như nhóm của giáo sư Phan Thanh Sơn Nam (ĐH Bách khoa TPHCM), ĐHQG TPHCM đang có điều kiện duy trì được nguồn nhân lực và mở rộng hợp tác quốc tế. “Hiện tại, mối quan hệ hợp tác quốc tế của ĐHQG TPHCM với các đối tác nước ngoài rất tốt. Một số nhóm nghiên cứu châu Âu đã mang thiết bị đến để cùng các nhà nghiên cứu của trường nghiên cứu về khí hậu ven biển của vùng ĐBSCL”, ông nói.
Những khó khăn cần được giải quyết
“Lần đầu tiên chúng ta thực hiện Chương trình này nên chúng ta sẽ phải đối đầu với muôn vàn khó khăn”, Thứ trưởng Phạm Công Tạc đã nói một cách bao quát về những điều mà những người tham gia thực hiện chương trình sẽ gặp phải. Quả thật, những khó khăn đó thể hiện trong thực tế muôn hình vạn trạng, từ vấn đề hệ thống cơ sở vật chất nghiên cứu, kinh phí thực hiện đề tài và nguồn nhân lực.
Có lẽ, một trong những vấn đề nổi bật là sự lẻ tẻ, manh mún của các cơ sở vật chất nghiên cứu, không chỉ tồn tại ở những cơ sở do Bộ GD&ĐT quản lý mà còn ở các bộ ngành khác. Bà Nguyễn Hoàng Lan, Phó Vụ trưởng Vụ KH, CN và Môi trường (Bộ GD&ĐT) chia sẻ thông tin, “Để đạt được yêu cầu của chương trình thì việc thực hiện các đề tài nghiên cứu phải được thực hiện trên hệ thống cơ sở vật chất tốt. Tuy các trường và cơ sở nghiên cứu do Bộ quản lý có rất nhiều phòng thí nghiệm nhưng chúng lại phân bố rất lẻ tẻ hoặc đã trở nên cũ kỹ và cần được quy hoạch lại”. Tuy nhiên có một thực tế khác là nếu đầu tư nâng cấp thì “Bộ sẽ chọn cơ sở nào để đầu tư? bởi các trường đều phân tán ở nhiều nơi và nếu thành lập phòng thí nghiệm liên ngành thì việc xác lập cơ chế quản lý để nhiều bên có thể dùng chung cũng là cả một vấn đề”. Do đó, bà chỉ hi vọng là “chờ một số văn bản quy định được ban hành thêm để có căn cứ đầu tư hệ thống phòng thí nghiệm cho hiệu quả”.
Tại phiên họp, đại diện Bộ TN&MT cũng nêu vấn đề tương tự, “những nội dung nghiên cứu cơ bản của khoa học biển và môi trường, biến đổi khí hậu… mà các cơ sở thành viên của Bộ được giao có nhiều công đoạn cần thực hiện trong phòng thí nghiệm. Hiện tại, các phòng thí nghiệm của Bộ TN&MT cũng phân tán, thành ra nhiều lúc nghiên cứu rất dở dang”. Tuy Bộ TN&MT cũng nghĩ đến phương án quy hoạch “làm gọn lại các phòng thí nghiệm đó thành cơ sở nghiên cứu chung” nhưng vấp phải vướng mắc là “khó xây dựng dự toán và các nghiên cứu về khoa học biển đòi hỏi những thiết bị rất chuyên dụng”.
Một khó khăn khác mà các bên gặp phải trong quá trình thực hiện, đó là sự thiếu hụt nguồn nhân lực chất lượng cao. Hiện ĐHQG TPHCM, ĐHQGHN và một số cơ sở nghiên cứu, đào tạo khác đang đứng trước tình trạng “chảy máu chất xám” bởi nhiều nhà nghiên cứu, giảng viên đã chọn làm việc ở các trường, viện tư nhân. Trong khi đó, theo báo cáo của TS. Phạm Đình Nguyên, Phó Giám đốc Quỹ NAFOSTED, dù Quỹ cũng muốn ưu tiên thì lượng hồ sơ đề xuất của các ngành khoa học Trái đất, khoa học biển gửi đến rất ít do không có nhiều nhà nghiên cứu trong lĩnh vực này. Tuy nhiên, nguồn bổ sung đầu vào các ngành khoa học Trái đất thuộc trường ĐH Khoa học Tự nhiên (ĐHQGHN), Đại học Mỏ địa chất… đều có số lượng và chất lượng rất thấp.
Đây là những khó khăn mà mỗi bên cần phải ngồi lại bàn bạc để cùng tháo gỡ. Giữa những khó khăn đó cũng có một vài điểm sáng, đó là sự hỗ trợ của Quỹ NAFOSTED đối với các nhà khoa học thực hiện các nhiệm vụ quốc gia về kinh phí tham dự các hội nghị, hội thảo quốc tế hoặc hỗ trợ kinh phí công bố quốc tế, “với điều kiện đi kèm là nhà khoa học cần hướng đến công bố trên tạp chí chất lượng tốt, ví dụ thuộc danh mục tạp chí ISI, và cân nhắc không nên công bố trên tạp chí thuộc nhà xuất bản có vấn đề”, TS. Phạm Đình Nguyên bổ sung.
Mặt khác, anh cũng nêu một giải pháp mà các nhà khoa học Việt Nam vẫn áp dụng một cách phổ biến khi thực hiện các đề tài nghiên cứu. “Khi thực hiện nhiệm vụ có liên quan đến chỉ số đổi mới sáng tạo GII, chúng tôi đã có khảo sát về hệ thống cơ sở vật chất và nhận được hơn 300 phản hồi của các nhà khoa học, chủ yếu trong lĩnh vực khoa học tự nhiên và kỹ thuật. 90% phản hồi đều cho rằng có thể thuê dịch vụ bên ngoài để đáp ứng nhu cầu của mình, ví dụ tới Viện Hóa học (Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam) xét nghiệm mẫu, trong chi phí cho công trình đã có quy định chi cho khoản đó”.
Mục tiêu chính của chương trình là nâng cao tiềm lực khoa học cơ bản trong bốn lĩnh vực hoá học, khoa học sự sống, khoa học trái đất, khoa học biển, phấn đấu đưa vị thế của khoa học Việt Nam đến năm 2025 đạt trình độ tiên tiến trong khu vực, nghiên cứu có định hướng để tiếp thu, làm chủ các công nghệ tiên tiến trong lĩnh vực để phục vụ phát triển kinh tế xã hội và góp phần đảm bảo quốc phòng an ninh quốc gia.
Mục tiêu cụ thể của chương trình là 1) Xây dựng được đội ngũ các nhà khoa học có trình độ cao, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực theo chuẩn quốc tế; phát triển các nhóm nghiên cứu trẻ có tiềm năng trong các cơ sở giáo dục đại học, góp phần hình thành các trường đại học nghiên cứu, phấn đấu đến năm 2025 mỗi lĩnh vực hình thành 15 - 20 nhóm nghiên cứu mạnh; 2) Nâng cao vị thế của khoa học Việt Nam trong khu vực và trên thế giới, phấn đấu đến năm 2025, một số ngành đứng thứ 3 - 4 trong khối các nước ASEAN; tăng số công trình khoa học được công bố trên các tạp chí; uy tín quốc tế (Danh mục thuộc cơ sở dữ liệu Scopus), trung bình hằng năm, tăng 20 - 25%, đối với ngành Khoa học biển từ 10 - 15%; 3) Phát triển được một số hướng nghiên cứu cơ bản trọng điểm có định hướng ứng dụng có tính liên ngành, đa ngành để tiếp thu, làm chủ các công nghệ tiên tiến để phục vụ sản xuất và đời sống. |