Trước bối cảnh nông nghiệp Việt Nam đang chịu những thách thức lớn của biến đổi khí hậu, nước biển dâng và thời tiết cực đoan, việc rà soát các bài toán tổng thể của ngành nông nghiệp và đầu tư vào KH&CN một cách bài bản là yếu tố quan trọng để thúc đẩy phát triển nông nghiệp trong giai đoạn mới.
Không phải tới cuộc họp đánh giá kết quả hoạt động KH&CN giai đoạn 2016-2020 và định hướng xây dựng kế hoạch năm 2021 vào ngày 23/6 do Bộ KH&CN và Bộ NN&PTNT tổ chức, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Quốc Doanh mới nhấn mạnh vai trò của KH&CN: “Hai giải pháp căn bản của ngành nông nghiệp chính là tái cơ cấu nông nghiệp và KH&CN”. Đây là điểm ông liên tục đề cập đến nhiều lần trong nhiều cuộc họp cả ở cấp trung ương và cấp vùng.
Hơn bao giờ hết, ngành nông nghiệp đang thấy được những khó khăn chực chờ trước mắt, rất cần đến sự tham gia “giải cứu” của yếu tố KH&CN: ngay trong năm ngoái và năm nay, ngành nông nghiệp đã liên tiếp đứng trước sức ép kép, không chỉ là dịch bệnh gây thiệt hại tới 6 triệu con lợn trong năm 2019, thậm chí có tỉnh thiệt hại tới 65% đàn lợn giống như Quảng Nam mà còn là tình trạng hạn mặn làm 30.000 ha lúa đông xuân của ĐBSCL bị nhiễm mặn, dịch bệnh Covid-19 đang khiến xuất nhập khẩu gặp điêu đứng. Do đó, hai Bộ KH&CN và Bộ MM&PTNT cùng nhau nhìn nhận lại quá trình hợp tác giai đoạn 2016-2019 để xác định kế hoạch năm 2021 và những năm tiếp theo.
Nền tảng ứng phó với sức ép kép
Những khó khăn trên mới chỉ là những điểm dễ nhìn thấy nhất ở thời điểm hiện tại, đằng sau đó về cơ bản thì “ngành nông nghiệp vẫn có xuất phát điểm thấp, quy mô manh mún nhỏ lẻ, liên kết lỏng lẻo, biến đổi khí hậu trầm trọng và nhanh hơn chúng ta dự tính, rủi ro về thị trường do biến động của thị trường xuất nhập khẩu gắn liền với chủ nghĩa bảo hộ”, như ông Lê Quốc Doanh đã nhấn mạnh trong kỳ họp giữa hai Bộ nhằm bàn giải pháp thúc đẩy KH&CN phục vụ cho nông nghiệp tại vùng Đồng bằng sông Hồng vào khoảng thời gian này năm ngoái. Để đưa ra được các giải pháp ứng phó dài hạn cho những khó khăn kép trước mắt này hay thay đổi “nội lực” cho ngành nông nghiệp, đều cần tới sự chuẩn bị lâu dài và bài bản về KH&CN mà một mình Bộ NN&PTNT không thể giải quyết trọn vẹn.
Đây chính là lý do mà Bộ KH&CN bao giờ cũng đặt các vấn đề của ngành nông nghiệp – “ngành căn cốt của đất nước lên hàng đầu” và “hiện giờ khoản kinh phí dành cho hoạt động KH&CN của Bộ NN&PTNT vẫn lớn hơn cả [so với kinh phí KH&CN của những bộ khác]” như Thứ trưởng Bộ KH&CN Phạm Công Tạc nhấn mạnh tại buổi họp. Bên cạnh đó, để có được những các chương trình có ý nghĩa thiết thực nhất giúp ngành Nông nghiệp có thể ứng phó nhanh nhạy trong bối cảnh mới, Bộ KH&CN và Bộ NN&PTNT đã ngồi lại bàn bạc, xác định những vấn đề quan trọng cần giải quyết để xây dựng và đồng quản lý các chương trình có ý nghĩa thiết thực, bao gồm bốn Chương trình KH&CN cấp quốc gia về công nghệ sinh học nông nghiệp, thủy sản, Chương trình KHCN phục vụ xây dựng nông thôn mới, Chương trình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và Chương trình sản phẩm quốc gia.
Không chỉ riêng những chương trình mang đậm dấu ấn nông nghiệp như vậy mà các chương trình do Bộ KH&CN trực tiếp quản lý như các chương trình Đổi mới công nghệ quốc gia, chương trình KH&CN trọng điểm quốc gia, Chương trình Khai thác phát triển nguồn gen… đều ưu tiên những nội dung liên quan đến ngành nông nghiệp và những đề tài, dự án có tiềm năng tạo ra sản phẩm mới hoặc giải pháp mới, thiết thực với ngành nông nghiệp.
Nhìn lại giai đoạn hợp tác vừa qua giữa hai bộ, số lượng nhiệm vụ giải quyết vấn đề của ngành nông nghiệp trong các chương trình này chiếm tới 50% số lượng các nhiệm vụ, theo cáo cao tình hình triển khai hoạt động giao đoạn 2016-2019. Và ngược lại, các nhiệm vụ phục vụ tái cơ cấu ngành nông nghiệp của Bộ NN&PTNT đều hướng tới giải pháp KH&CN làm nền tảng để đổi mới, giải đáp những vấn đề bức thiết nhất đang đặt ra với ngành như tuyển chọn giống cây chủ lực, phát triển các cây trồng trong điều kiện khô hạn, chọn tạo giống cây trồng và chăn nuôi chất lượng cao, có năng suất cao, kháng bệnh và chống chịu các điều kiện khắc nghiệt…
Điều nổi bật và dễ nhận thấy nhất trong 5 năm qua là KH&CN đã được ngành nông nghiệp đánh giá là đóng góp tới 30% giá trị của ngành nông nghiệp. Yếu tố KH&CN tưởng chừng không dễ định lượng đã được lượng hóa trong các sản phẩm cụ thể, ví dụ góp phần tạo ra 210 giống mới, 169 tiến bộ kỹ thuật mới, bao phủ khắp các lĩnh vực từ chăn nuôi, lâm nghiệp, thủy hải sản… được công nhận, và hơn 80 sáng chế, giải pháp hữu ích được bảo hộ và ứng dụng. Bộ NN&PTNT đã công bố và ban hành mới hơn 430 tiêu chuẩn Việt Nam và 22 quy chuẩn Việt Nam ở nhiều lĩnh vực giống cây trồng vật nuôi, sản phẩm hàng hóa nông nghiệp… Những “tiền đề” KH&CN đó đã góp phần đem lại những đổi thay không chỉ trong những khu vực “hùng hậu” về tiềm lực kinh tế và nhân lực chất lượng cao như xuất khẩu lúa gạo, xuất khẩu hải sản và nhiều loại sản phẩm trị giá tỉ đô khác như cây cà phê, cây chè, cây hồ tiêu, cây cao su… mà còn dẫn đến thay đổi cả bộ mặt của các tỉnh xa xôi, không có nhiều điều kiện thuận lợi cho chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, theo nhận định của Thứ trưởng Lê Quốc Doanh. “Các tỉnh khó khăn như Sơn La nay cũng chuyển sang trồng cả trăm ngàn ha cây ăn quả, xoài và nhãn mà thậm chí còn tốt hơn các tỉnh có truyền thống như Hưng Yên, hoặc Ninh Thuận sản xuất tôm không kém gì các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long”, ông nói.
Những thách thức mới
Những chuẩn bị đó đã đủ cho một bối cảnh tới đây, đó là câu hỏi thường trực trong những trao đổi trong và ngoài hội nghị của các nhà quản lý hai bộ. Những thách thức đặt ra trong bối cảnh hội nhập sẽ còn ngặt nghèo hơn nữa và nông sản không dễ đón đầu cơ hội nếu chậm chạp trong khâu chuẩn bị còn bối cảnh dịch bệnh mới nổi, biến đổi khí hậu được dự đoán là sẽ tăng lên nhiều và sẽ diễn biến khó lường. Mặc dù Bộ KH&CN đã nỗ lực chuẩn bị nền tảng quan trọng cho quá trình hội nhập của ngành nông nghiệp tới đây là đã bảo hộ hơn 70 chỉ dẫn địa lý cho các nông sản quan trọng ở khắp các địa phương trong cả nước, đặc biệt là đàm phán để đưa 36 chỉ dẫn địa lý vào thị trường châu Âu cũng như đang trong tiến trình đưa các chỉ dẫn địa lý nông sản tiến vào thị trường khó tính khác như Úc, Nhật Bản, đồng thời xây dựng các tiêu chuẩn và chương trình riêng về xuất xứ hàng hóa nhưng đó mới chỉ là những điều kiện cần bởi vì còn hàng loạt hàng rào kỹ thuật, tiêu chuẩn chất lượng cho nông sản. Do đó, để có một cái nhìn dài hạn nhằm giải quyết những vấn đề lớn đó thì việc phối hợp giữa hai Bộ sẽ không thể chỉ dừng lại ở việc đề xuất các pha nối tiếp cho Chương trình nghiên cứu KH&CN quốc gia hiện nay, tránh để bị gián đoạn – có thể dẫn tới hệ quả gây lãng phí các kết quả đã đạt được như đề cập của Thứ trưởng Lê Quốc Doanh.
Để làm được điều đó, tới đây hai Bộ cần có rà soát, đánh giá tổng thể, giải quyết những câu chuyện lâu dài của ngành nông nghiệp. Vì mục tiêu trong giai đoạn tới của ngành nông nghiệp không phải là sản lượng mà là các sản phẩm có giá trị cao nên sẽ đòi hỏi cần tiếp tục có các cuộc thảo luận khoa học sâu hơn giữa hai Bộ về các nghiên cứu phục vụ cho từng sản phẩm đặc sản, đặc chủng, theo Thứ trưởng Phạm Công Tạc.
Không chỉ những vấn đề dài hạn mới cần bàn bạc mang tính tổng thể, mà ngay cả các vấn đề nóng bỏng ngay trước mắt cũng cần được đánh giá, dự đoán đưa ra thảo luận sớm, có sự phối hợp mang tính đồng bộ giữa cấp địa phương và trung ương. Đơn cử như tình trạng an toàn hồ đập chưa được quan tâm nghiên cứu đúng mức, hay tình trạng lũ quét sạt lở ở khu vực miền núi phía Bắc diễn ra liên tục và rất phức tạp từ nhiều năm nay nhưng hiện nay mới chỉ có một dự án thử nghiệm do Viện Khoa học Địa chất khoáng sản (Bộ TN&MT), bằng nguồn vốn tài trợ của Đài Loan lắp đặt thử nghiệm một hệ thống cảnh báo ở Lào Cai và chưa đánh giá được hiệu quả thực tế. Một thực tế khác cho thấy chưa có sự đồng bộ và tầm nhìn dài hạn trong khâu tổ thức nghiên cứu là trong thời gian qua đã có những đề tài nóng được đưa ra ngay khi có diễn biến tình hình mới xảy ra như nghiên cứu về tình hình sạt lở ở ĐBSCL nhưng ngay khi mà đề tài chưa hoàn thành thì các địa phương ở khu vực phía Tây Đồng bằng sông Cửu Long đã tự tìm nguồn lực để giải quyết ngay. Đến nay giải pháp của đề tài được kỳ vọng giải quyết cho khu vực phía Đông Đồng bằng sông Cửu Long thay vì toàn vùng, theo ông Nguyễn Trường Sơn, Phó Tổng cục trưởng Cục Phòng chống thiên tai, Bộ NN&PTNT. “Tôi nghĩ phải tổ chức lại cách tiếp cận để nâng cao hiệu quả của việc triển khai các nhiệm vụ KH&CN giữa các cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành trong việc đặt đầu bài giám sát và thực hiện nghiệm thu”, ông Nguyễn Trường Sơn nói.
Phát biểu kết luận tại cuộc họp, Thứ trưởng Phạm Công Tạc nhấn mạnh, một đất nước với quá nửa dân số sản xuất nông nghiệp nên KH&CN phải ưu tiên phục vụ phát triển sản xuất nông nghiệp. Ngoài các chương trình cấp quốc gia đang triển khai, Bộ NN&PTNT có thể hình thành các chương trình KH&CN cấp Bộ theo các lĩnh vực cần được ưu tiên. Bộ Nông nghiệp xem xét ưu tiên các đề án đầu tư đưa vào kế hoạch trung hạn để triển khai các nhiệm vụ đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt như: Vườn thực vật quốc gia, các phòng thí nghiệm trọng điểm... Tập trung cho việc hoàn thiện và ban hành các tiêu chuẩn, quy chuẩn quốc gia để đẩy mạnh xuất khẩu các mặt hàng nông sản.
Hai Bộ đã thống nhất những nhiệm vụ cần tập trung triển khai trong năm tới và các năm tiếp theo gồm tổng kết đánh giá hiệu quả Chương trình phối hợp giữa hai Bộ; ký kết chương trình phối hợp hoạt động KH&CN giữa hai Bộ cho giai đoạn 2021-2025; Đánh giá việc tổ chức thực hiện các Chương trình KH&CN cấp quốc gia kết thúc năm 2020; Đánh giá và đề xuất phê duyệt điều chỉnh chương trình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, chương trình sản phẩm quốc gia giai đoạn 2021-2025; Kiến nghị Thủ tướng Chính phủ bổ sung một số sản phẩm chủ lực của ngành nông nghiệp vào danh mục sản phẩm quốc gia; Tăng cường phối hợp trong công tác đo lường chất lượng, sở hữu trí tuệ ngành nông nghiệp; tập trung rà soát phục vụ tái cơ cấu các Chương trình KHCN cấp quốc gia trong lĩnh vực nông nghiệp...
Để thực hiện các chương trình trên, Bộ NN&PTNT đã đề xuất kinh phí thực hiện nhiệm vụ KH&CN năm 2021 là hơn 1.000 tỉ đồng, trong đó ngoài nguồn kinh phí dành cho các nhiệm vụ KH&CN cấp Quốc gia, cấp Bộ, thì Bộ NN&PTNT cũng kiến nghị đầu tư cho các dự án tăng cường năng lực nghiên cứu, chống xuống cấp trang thiết bị nghiên cứu cho một số Viện, trường, ba phòng thí nghiệm trọng điểm.
Cần sự tham gia của các bộ ngành khác
Trong quá trình thực hiện những Chương trình trên, có những vấn đề về quản lý khoa học mà sự hợp lực của của hai Bộ KH&CN và NN&PTNT vẫn chưa thể giải quyết được. Cụ thể, ngành nông nghiệp cũng lại đang phải lúng túng với những khó khăn nội tại về mặt quản lý khoa học, mà đầu tiên như thứ trưởng Lê Quốc Doanh thừa nhận cơ chế quản lý KH&CN hiện nay vẫn khiến cho các nhà khoa học nông nghiệp phải nói dối để hợp thức hóa chứng từ trong nghiên cứu. “Tôi nói thật trước đây tôi đã quản lý ở Viện, đến khi kiểm tra có nhà nghiên cứu cộng dồn ngày lao động lên tới … 4000 ngày tất cả, một ha bón … 8 tấn phân đạm”. Vấn đề theo ông là phải “xiết”, đánh giá giá trị đích thực của sản phẩm bằng kết quả đầu ra, chứ không phải loay hoay xung quanh các thủ tục hành chính, tài chính.
Những quy định mới về chuyển giao công nghệ đã được các cơ quan nghiên cứu nông nghiệp, đặc biệt là các cơ quan đã thực hiện tự chủ tự chịu trách nhiệm theo Nghị định 54/2017/NĐ-CP kỳ vọng vào như là giải pháp thúc đẩy chuyển giao và tăng nguồn thu thì nay cũng vẫn vấp phải một số khó khăn. Chẳng hạn, cả đại diện của Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam và Viện Khoa học Thủy lợi đều cho rằng rất khó chuyển giao các công nghệ được hình thành từ các nghiên cứu có tài trợ của nhà nước theo quy định trong Nghị định 70/2018/NĐ-CP. “Nếu kết quả nghiên cứu được bàn giao cho đơn vị công lập thì rất dễ dàng, không có vấn đề gì. Nhưng nếu phối hợp với doanh nghiệp để triển khai đề tài hoặc chuyển giao cho doanh nghiệp thì các đơn vị phải định giá, tính toán được phí trích nộp, mức độ tham gia của doanh nghiệp… cực kỳ phức tạp”, GS Trần Đình Hòa, Phó Giám đốc Viện Khoa học thủy lợi, thuộc NN&PTNT nói. Do đó, ông kiến nghị: “Bộ KH&CN có thể phối hợp với bộ tài chính nghiên cứu phương án nếu như đề tài nghiên cứu đó được doanh nghiệp chấp nhận ứng dụng là tốt rồi, là tạo ra giá trị gia tăng chứ không nên tính toán chi li phải hoàn lại như thế này”.
Thứ trưởng Phạm Công Tạc cho biết, các đơn vị chức năng của Bộ KH&CN cũng nhìn nhận thấy những khó khăn trong việc chuyển giao công nghệ gắn với những đề tài do nhà nước tài trợ nhưng điều đó có căn nguyên sâu xa các quy định chặt chẽ về mặt tài chính. Do đó, chưa thể giải quyết vấn đề này trong ngắn hạn mà cần có các thảo luận với Bộ Tài chính để đưa ra các hướng dẫn thông thoáng hơn. |