Làn sóng dịch chuyển đầu tư khỏi Trung Quốc sang các quốc gia châu Á đã âm ỉ ngay từ trước khi Covid-19 bùng phát. Ấn Độ đã từng rất kỳ vọng và chuẩn bị sẵn sàng để đón nhận luồng vốn FDI mới này, nhưng mọi thứ lại không diễn ra suôn sẻ như dự tính của New Delhi.
Theo số liệu do Bộ Thương mại & Công nghiệp Ấn Độ công bố: vốn FDI đăng ký đổ vào nước này trong năm 2020 đã giảm 59,8% so với năm 2019, từ 16,330 tỷ USD xuống còn 6,562 tỷ USD.
Trong khi đó, một quốc gia Đông Nam Á là Việt Nam lại nổi lên như một thỏi nam châm hút FDI khổng lồ, đạt trung bình hơn 6% GDP suốt 5 năm qua – tỷ lệ cao hơn bất cứ nền kinh tế mới nổi nào. Đó là nhận định của chiến lược gia Ruchir Sharma từ tập đoàn tài chính Morgan Stanley trong một bài viết mới trên The New York Times1. Các con số thống kê khác cũng cho thấy triển vọng lạc quan của nền kinh tế Việt Nam, khi xuất khẩu tăng trưởng tới 18%, trong đó xuất khẩu máy tính & linh kiện tăng 26% và xuất khẩu máy móc & phụ kiện tăng 63%.
Mấy năm nay, Ấn Độ, Indonesia và Bangladesh đang ráo riết chạy đua để trở thành công xưởng tiếp theo của thế giới, sau Trung Quốc. Nhiều chính sách đã được áp dụng nhằm thỏa mãn khát vọng đó. Trong khi Ấn Độ và Indonesia thúc đẩy cải cách luật lao động, Bangladesh lại được ghi nhận là đang đàm phán 17 hiệp định thương mại tự do (FTA) và ưu đãi đầu tư với các đối tác.
Thành công của Singapore và Trung Quốc trong quá khứ một phần đến từ năng lực thu hút FDI. Như Trung Quốc đã chứng kiến FDI tăng trưởng “phi mã” suốt hơn hai thập kỷ, từ 11,15 tỷ USD (năm 1992) lên mức kỷ lục 290 tỷ USD (năm 2013). Nhưng kể từ đó, khi chi phí lao động bắt đầu leo thang và không còn là lợi thế của “quốc gia tỷ dân”, các nhà đầu tư bắt đầu suy nghĩ tới chuyện “Nam tiến”.
Việt Nam khi ấy bỗng nổi lên như một điểm đến đặc biệt hấp dẫn, nhờ vị trí địa chính trị tuyệt vời (nằm ngay sát cạnh công xưởng của thế giới), chính sách khuyến khích đầu tư thân thiện – cam kết cung cấp nhiều ưu đãi cho doanh nghiệp, cơ sở hạ tầng (khu công nghiệp, đường sá, sân bay, bến cảng, …) không ngừng được mở rộng, nguồn cung lao động trẻ dồi dào (chiếm hơn 60% dân số), … Kết quả là FDI đổ vào Việt Nam đã không ngừng tăng trưởng, đạt trung bình 10,4%/năm, lên mức kỷ lục 16,12 tỷ USD vào năm 2019 – tăng 81% so với cùng kỳ năm trước.
Tình hình chính trị xã hội và kinh tế vĩ mô ổn định, cơ cấu dân số vàng, cùng nỗ lực đổi mới mạnh mẽ môi trường đầu tư và kinh doanh, đã khiến Việt Nam ngày càng trở nên hấp dẫn. Ngay cả trong cuộc khủng hoảng toàn cầu vì Covid-19, sức khỏe của nền kinh tế Việt Nam vẫn được duy trì rất tốt nhờ vào những chính sách kịp thời và hợp lý như miễn giảm thuế, hoãn nộp thuế, tiền thuê đất cho doanh nghiệp, cải cách luật đầu tư và hoàn tất thỏa thuận EVFTA với Liên minh châu Âu (EU). Kể từ tháng 7/2020, EU đã bắt đầu dỡ bỏ đến 85% hàng rào thuế quan đối với các sản phẩm nhập khẩu từ Việt Nam, và cắt giảm phần còn lại theo lộ trình 7 năm tới, trong khi đăng ký đầu tư gần 12 tỷ USD vào Việt Nam từ tháng 01 đến 04/2020.
Các láng giềng của Việt Nam như Thái Lan, Philippines, Malaysia và Indonesia đã chứng kiến nhiều xáo trộn chính trị và bất ổn trong những năm qua, gián tiếp ảnh hưởng không nhỏ tới hiệu quả thu hút FDI. Tương tự như vậy, Ấn Độ, quốc gia có dân số đông gấp 12 lần Việt Nam, dường như cũng chưa tận dụng tốt quân bài lợi thế của mình.
Chú thích: