Cuộc khủng hoảng toàn cầu do đại dịch COVID-19 gây ra đang khiến cả thế giới, nhất là các cường quốc phương Tây phải tự vấn, rằng "Liệu có nên tiếp tục phụ thuộc vào chuỗi cung ứng xoay quanh Trung Quốc?"
Trong bối cảnh ấy, Việt Nam nổi lên như một ứng viên thay thế đầy tiềm năng, hay chí ít cũng là để lấp bớt khoảng trống do Trung Quốc để lại. Nhưng liệu quốc gia này đã thật sự sẵn sàng đón đầu xu thế mới? Bài viết dưới đây của hai tác giả Min Zhou – chuyên gia nghiên cứu thị trường tại Công ty AllianceBernstein (AB) Hongkong, và Vivian Chen – nhà quản lý danh mục đầu tư (portfolio manager) tại International Small Cap Equities, sẽ phần nào giải đáp thắc mắc ấy.
Chúng tôi có chuyến thăm Việt Nam hồi cuối tháng 12/2019, khi những ca nhiễm corona chủng mới đầu tiên tại Trung Quốc còn chưa được công bố. Đến nay, trước sự tàn phá nặng nề mà nền sản xuất toàn cầu, với Trung Quốc ở vị trí trung tâm đang phải hứng chịu, ấn tượng của chúng tôi từ chuyến đi lại càng thêm mạnh mẽ, khi các nhà đầu tư đang cân nhắc di dời chuỗi cung ứng sang Việt Nam.
Năng lực sản xuất của Việt Nam, trên thực tế đã được nhiều tập đoàn đa quốc gia kiểm chứng trong những năm qua, trước cả khi nhận thêm xúc tác từ thương chiến Mỹ – Trung. Sở dĩ vậy là do dân số Trung Quốc – vốn được xem như "công xưởng của thế giới" – đang bắt đầu già hóa, dẫn tới nguy cơ thiếu hụt lao động cùng chi phí leo thang. Trong khi Việt Nam lại sở hữu nguồn cung lao động không kém phần dồi dào nhưng trẻ hơn, và chi phí chỉ bằng khoảng 60% so với Trung Quốc. Chính phủ Việt Nam cũng đang tìm cách mở rộng cánh cửa đầu tư bằng những chính sách ưu đãi về thuế, đất đai, … hay chế độ làm việc 6 ngày/tuần cũng hứa hẹn sẽ cho năng suất đáng kể. Vì thế, nhiều "ông lớn" trong ngành may mặc và đồ thể thao, tiêu biểu là Nike và Adidas đều đã hiện diện tại Việt Nam với quy mô sản xuất rất lớn.
Hiện nay, phần lớn hoạt động outsource (gia công) ở Việt Nam là đang tập trung trong hai lĩnh vực chủ chốt: dệt may & giày dép (chiếm 18% kim ngạch xuất khẩu của cả nước năm 2018) và điện tử & thiết bị điện (chiếm 40%). Để hiểu rõ thêm về xu hướng phát triển outsource trong hai ngành này, bao gồm cả động lực của chuỗi cung ứng địa phương và toàn cầu, chúng tôi đã bay từ Thượng Hải đến Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh, tới thăm các nhà máy và hỏi chuyện rất nhiều người (công nhân và nhà quản lý).
Xin được đưa ra một vài khuyến nghị cho các doanh nghiệp đang muốn chọn Việt Nam làm bến đáp mới.
Cần nhạy bén về văn hóa
Có câu: “Nhập gia tùy tục”. Việc am tường văn hóa bản địa là yếu tố bắt buộc, quyết định sự thành công của các nhà đầu tư nước ngoài. Tại tất cả những nhà máy mà chúng tôi đến thăm, người địa phương đều nói: Công nhân Việt Nam thường mong muốn làm việc gần nhà và sống cùng gia đình, hơn là trú trong ký túc xá và chỉ về thăm nhà mỗi dịp lễ tết như bên Trung Quốc.
Một lưu ý quan trọng khác là điều kiện làm việc và đời sống của người lao động. Stella International Holdings, nhà sản xuất giày dép và đồ da hàng đầu thế giới là một ví dụ điển hình. Chúng tôi đã di chuyển khoảng 100km từ Hà Nội để thăm nhà máy của Stella tại Thái Bình, nơi đang có hơn 7000 công nhân, 14 dây chuyền lắp ráp và 52 dây chuyền khâu, cung cấp mỗi năm gần 7 triệu đôi giày thể thao cho Nike và nhiều thương hiệu nổi tiếng. Các nhà quản lý ở đây đã quá quen với những điều tra, khảo sát về môi trường làm việc. Một vị giám đốc chia sẻ: "Chìa khóa để cộng tác hiệu quả với lao động bản địa là cần quan tâm đến họ nhiều hơn. Những chuyến thăm hỏi gia đình của công nhân đã giúp cải thiện sự gắn kết giữa họ với doanh nghiệp."
Từ dệt may đến công nghệ
Bên cạnh yếu tố văn hóa, các công ty công nghệ còn phải đối mặt với nhiều thách thức khác khi đầu tư ra nước ngoài. Liệu nhà máy và lao động ở đây có thể đáp ứng được những đòi hỏi khắt khe về chất lượng đối với các mặt hàng đòi hỏi sự tinh vi, phức tạp, trong khi vẫn đảm bảo năng suất và sản lượng? Luxshare Precision Industry, công ty điện tử hàng đầu Trung Quốc chuyên sản xuất linh kiện cho Apple, đã đầu tư khá sớm Việt Nam với một nhà máy đang hoạt động và kế hoạch xây dựng thêm 3 cơ sở nữa. Ban lãnh đạo Luxshare dự kiến sẽ thuê không dưới 600.000 công nhân Việt Nam, nhiều hơn 1/3 số lao động của họ bên Đại lục, một phần cũng do chính sách đa dạng hóa chuỗi cung ứng của Apple nhằm tránh quá tập trung vào quốc gia tỷ dân.
Làm sao để các nhà máy đáp ứng được tiêu chuẩn rất cao của Apple? Có thể áp dụng kinh nghiệm của chính Trung Quốc. Một quản lý nhà máy (người Trung Quốc) tại Bắc Giang cho biết: Nên thực hiện tiếp cận từng bước, bắt đầu từ những sản phẩm đơn giản rồi nâng dần độ phức tạp. Các chuyên gia giàu kinh nghiệm sẽ chịu trách nhiệm đào tạo cấp dưới và công nhân tuyến đầu để bắt kịp năng suất bên Đại lục.
Tất nhiên, môi trường đầu tư tại Việt Nam cũng không phải là không tiềm ẩn rủi ro. Lấy ví dụ, đề xuất tăng tuổi hưu từ 60 lên 62 (đối với nam) và 55 lên 60 (đối với nữ) vào năm 2021 được thông qua tại Quốc hội, có thể sẽ gây ra nhiều xáo trộn, như sự phản đối từ các nghiệp đoàn lao động, và thậm chí lan rộng thành đình công trên quy mô cả nước. Hay trong năm 2019, Tổng thống Mỹ Donald Trump từng không ít lần dọa tăng thuế đánh vào hàng nhập khẩu từ Việt Nam. Đó chính là những rào cản mà nhà đầu tư tiềm năng cần tính đến.
Bài học
Mặc dù vậy, những khó khăn kể trên chắc chắn sẽ không thể ngăn cản làn sóng dịch chuyển đầu tư từ Trung Quốc sang Việt Nam. Cuộc khủng hoảng COVID–19 hiện tại thậm chí sẽ còn góp phần đẩy nhanh tiến trình. Khi ấy, các nhà đầu tư không nên bỏ qua hai lưu ý.
Thứ nhất, những doanh nghiệp lớn của Trung Quốc đã có thừa kinh nghiệm gia công cho các thương hiệu toàn cầu, và đương nhiên họ sẽ nắm lợi thế trước những đối thủ nhỏ bé và ít kinh nghiệm hơn trong một cuộc cạnh tranh mà thời gian và chi phí sẽ đóng vai trò quyết định, như khái niệm lợi ích kinh tế dựa trên quy mô (economics of scale).
Thứ hai, sự thành bại của nhà đầu tư cũng sẽ được quyết định bởi các yếu tố môi trường, xã hội và quản lý (ESG). Chính từ bài học của người láng giềng khổng lồ, dân Việt Nam đang hết sức quan trọng về môi trường sống của họ, bên cạnh những lo ngại về tình trạng suy thoái đạo đức, tệ nạn xã hội, …
Trước sự chao đảo vì COVID–19, những khảo sát như thế này là đặc biệt quan trọng, giúp nhà đầu tư nhận thức đúng hơn về xu thế cùng những cơ hội và rủi ro mà nó tạo ra. Để di chuyển chuỗi cung ứng sang Việt Nam, bên cạnh sự thấu hiểu văn hóa bản địa, các công ty đa quốc gia cần quan tâm hơn đến đời sống của người lao động, cung cấp điều kiện làm việc phù hợp cho họ và thực hiện đầy đủ cam kết ESG.
Nguồn: