Tối 12-3, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron thông báo quyết định đóng cửa tất cả các trường học trên cả nước từ ngày 16.3. Việc học tập và làm việc từ xa được chính phủ Pháp khuyến khích triển khai rộng rãi. Nhưng làm thế nào để bảo đảm học sinh, sinh viên vẫn có thể tiếp thu kiến thức từ xa – như mục tiêu mà Bộ Giáo dục Pháp đề ra?

Câu hỏi này sẽ được giải đáp phần nào thông qua những chia sẻ của TS. Trần Phương Trà Giám đốc Chương trình MBA của trường IPAG Business School, Paris về những điều mà chị đã rút ra được trong quá trình triển khai dạy học trực tuyến tại đây.

TS. Trần Phương Trà, Giám đốc Chương trình MBA của trường IPAG Business School, Paris.

Trước quyết định đóng cửa tất cả các trường học trên cả nước của Chính phủ Pháp, trường chị (IPAG Business School) đã triển khai việc dạy học trực tuyến như thế nào?

Thật ra, trước khi Tổng thống Pháp tuyên bố vào tối ngày 12.3 thì buổi sáng hôm đấy tôi đã nhận được tin chưa chính thống rồi. Từ lúc đó, nhà trường đã chuẩn bị sẵn sàng kịch bản chuyển qua dạy trực tuyến toàn phần. Sang ngày hôm sau (13.3) thì công cuộc chuyển đổi bắt đầu. Những việc như lấy dấu, lấy chữ ký theo định dạng số, lắp VPN truy cập từ xa cho toàn bộ nhân viên,... đều được làm qua teamviewer, và chỉ trong hai ngày việc cài đặt cho toàn bộ nhân viên đã được hoàn thành.

Bên cạnh đó, trường tôi có một ban gọi là Digital Learning Center, ban này cũng vừa được thành lập cách đây khoảng 3 tháng thôi. Lúc đầu, mục đích của nó là để đồng hành cùng các giảng viên trong việc đưa phương pháp giáo dục hiện đại vào giảng dạy. Ngay trong ngày 12.3, họ gửi email cho toàn bộ giảng viên của trường, thông báo rằng bắt đầu từ thứ 2 ngày 16 tháng 3 trở đi, tất cả đều phải giữ nguyên kế hoạch dạy học đã được xây dựng từ trước, nhưng việc dạy sẽ được tổ chức trên Microsoft Teams.

Ngoài ra, nhà trường còn phải thay đổi cách thức tổ chức. Trường tôi có nhiều chương trình khác nhau: chương trình Đại học chính thống, chương trình MBA, BBA,… Mỗi chương trình sẽ có một coordinator (điều phối viên) phụ trách quản lý. Trong các chương trình còn có chung một số môn học với nội dung đề cương giống nhau, chỉ có điều người dạy thì khác nhau. Như vậy với mỗi một môn học trải dài trên nhiều chương trình, sẽ có một course-leader (trưởng bộ môn) – người giảng viên phụ trách điều phối những giảng viên khác, đảm bảo môn học đấy sẽ được giảng dạy với cùng một nội dung dù là ở chương trình nào, để đến cuối kỳ thì sinh viên có thể thi cùng trên một chủ đề.

Với cách tổ chức như vậy, người trưởng bộ môn được yêu cầu lập ra một nhóm trên Teams cho mỗi môn học để các giảng viên môn đó cùng trao đổi với nhau. Các coordinator sẽ tham gia vào những nhóm có liên quan đến chương trình mà mình phụ trách để cùng nhau xem xét rằng kế hoạch sẽ phải thay đổi như thế nào cho phù hợp.

Thêm vào đó, Digital Learning Center đã tổ chức những buổi tập huấn để giảng viên có thể đăng ký tham gia. Trong hai tiếng, họ sẽ giới thiệu kĩ hơn cách thức tổ chức của trường và cách thức dạy trên Teams, trình chiếu hình ảnh để minh họa. Sau đó thì họ sẽ dành cả buổi chiều để trả lời các câu hỏi riêng rẽ. Họ tổ chức 3 chương trình đào tạo trong 3 tuần liên tục về chủ đề chuyển đổi dạy online, chủ đề phương pháp dạy online, chủ đề tổ chức thi online. Sau đó, các chủ đề này đang tiếp tục được lặp lại. Tuy nhiên, cho từng chương trình thì bọn tôi cũng lập một Teams để giảng viên có thể đặt câu hỏi vào trong đó, nhằm giúp Digital Learning Center không bị quá tải.

Thế là ngay từ thứ 2 ngày 16, toàn bộ kịch bản bắt đầu đi vào áp dụng trên thực tế. Mất độ ba ngày đầu để trả lời những câu hỏi cho giảng viên, vì họ chưa dạy kiểu này bao giờ. Bản thân chương trình MBA có tôi – giám đốc chương trình và hai bạn coordinator chia nhau giải đáp thắc mắc, thú thật là vất vả lắm, từ sáng sớm đến nửa đêm tôi phải trực chiến liên tục để trả lời.

Từ sau đấy trở đi thì mọi thứ dần đi vào ổn định, những thắc mắc cũng ít đi và các giảng viên cũng yên tâm hơn.

Theo chị thì nhờ đâu mà trường chị có thể lên được kịch bản chi tiết và áp dụng nó một cách bài bản đến thế?

Tôi nghĩ trước hết phải xét đến tính tổ chức của trường. Ở IPAG, ban Giám đốc đã họp với Giám đốc chương trình và Digital Learning Center để đưa ra quyết định và cách tổ chức. Ngay sau đó, các chương trình sẽ bắt đầu triển khai một cách liên kết và có hệ thống.

Thứ hai, trường tôi ngoài thư viện truyền thống thì còn có cả thư viện số, bắt nguồn từ việc trường tôi nằm ở trung tâm Paris nên không thể dành quá nhiều không gian cho thư viện, do đó mà toàn bộ giáo án của các giảng viên đều được số hóa để sinh viên có thể học qua ebook, nhờ vậy mà đợt dịch này vấn đề học liệu đã được giải quyết.

Nhưng quan trọng nhất, tôi nghĩ cần phải có sự chuẩn bị kỹ lưỡng từ phía nhà trường, và ngay từ ban đầu đã chuẩn bị cho kịch bản xấu nhất. Trên Teams “Professor”, chúng tôi chia ra bốn chủ đề: “cách tạo lớp trên Teams”, “chia sẻ kinh nghiệm giảng dạy trực tuyến”, “giải đáp câu hỏi về việc thay đổi kế hoạch giảng dạy” và cuối cùng là “kiểm tra đánh giá”. Tất cả những vấn đề đều được dự trù từ trước, cùng với đó chúng tôi sẵn lòng lắng nghe các ý kiến phản hồi của giảng viên để đề ra phương án giải quyết. Bằng cách này, giảng viên biết rằng họ sẽ luôn được hỗ trợ.


Khi bắt đầu, chúng ta không thể biết trường học sẽ còn đóng cửa đến bao giờ. Nếu cứ làm theo kiểu có lỗi nào thì ‘vá’ lỗi đó, việc học sẽ bị gián đoạn liên tục, và người thiệt thòi chính là giảng viên và sinh viên. Một khi nhà trường đề ra được một kịch bản dài hơi và hiểu rõ con đường mà mình đang đi, quá trình triển khai sẽ dễ dàng và hiệu quả hơn rất nhiều đối với tất cả mọi người.


Dù đã có được sự hỗ trợ từ phía nhà trường, nhưng khi chuyển sang một hình thức dạy học mới mẻ như vậy, người giáo viên sẽ không thể tránh khỏi những bỡ ngỡ và khó khăn ban đầu. Trong quá trình này, các giảng viên đã gặp phải những khó khăn gì? Và mọi người đã vượt qua nó như thế nào?

Có một số giảng viên lớn tuổi gặp khó khăn và cần được hỗ trợ riêng trong khoảng tầm hai tuần, dù vậy họ sẵn sàng học hỏi để có thể tham gia vào việc giảng dạy trực tuyến. Tuy nhiên vẫn có một vài giảng viên hơi ‘rắn’ lại với chúng tôi, và cho rằng chỉ cần quan tâm đến sinh viên là được, dạy học trực tuyến là việc làm không cần thiết. Quan điểm của trường lại khác. Chúng tôi cần giữ cho sinh viên có được nhịp độ làm việc như khi đi học tại trường. Theo các nghiên cứu, đó là một trong những điểm cần làm để duy trì động lực cho sinh viên ngay cả khi họ không thể ra ngoài. Do vậy, lãnh đạo trường cũng giải thích lại: “Đây là chính sách của toàn bộ trường, nhằm giữ cho sinh viên có một nhịp độ học như khi lên giảng đường. Đây cũng là một cách để tôn trọng sinh viên, nếu ông cần hỗ trợ thì chúng tôi sẽ giúp, nhưng nếu ông từ chối thì chúng tôi buộc phải tìm giảng viên khác.” Sau lần trao đổi đó thì họ cũng sử dụng Teams để dạy cho sinh viên rồi.

Ngoài ra, tôi nghĩ khó khăn lớn nhất của giảng viên là việc làm thế nào để thu hút được sự tập trung của sinh viên. Chúng ta đều biết là sự chú ý của người nghe tối đa là 15 phút khi học trên lớp. Với lớp học online, thời lượng này giảm đi nhiều. Để hỗ trợ giảng viên trong việc giúp cho sinh viên tập trung, ngay từ lúc bắt đầu chiến dịch dạy online, chúng tôi yêu cầu giảng viên gửi một file Excel cho mỗi môn học, trong đó ghi rõ trong mỗi tiết học giảng viên sẽ tổ chức hoạt động gì cho sinh viên, mục đích của hoạt động đó là gì và thời lượng cho mỗi hoạt động là bao nhiêu. Họ lập file này theo một mẫu chúng tôi đã gợi ý, mà chúng tôi gọi nôm na là bánh mỳ kẹp: bánh mỳ là buổi học, trong một buổi học thì có nhiều chủ đề gồm giăm bông, pho mát, sa lát, cà chua, sốt,… Mỗi chủ đề được tổ chức khác nhau với các phương pháp khác nhau. Các phương pháp này được chuyển tới cho các giảng viên đều đặn trong những ngày đầu của công cuộc chuyển đổi qua kênh Teams “Kinh nghiệm hay trong việc giảng dạy online”: sử dụng quiz trên Kahoot!, sử dụng brainstorming, live vote… trên Klaxoon, tổ chức Peer review trên Moodle, tổ chức làm việc nhóm online,v.v..

Trong tuần đầu tiên kể từ khi lập Teams, họ sẽ gửi lại file Excel đó cho tất cả coordinator của từng chương trình một, để người coordinator có thể theo dõi được cách giảng dạy của họ đã phù hợp hay chưa đối với định dạng online, để từ đó hỗ trợ họ nếu cần thiết.

Qua kinh nghiệm lần này, tôi nghĩ người giảng viên cần phải có sự chuẩn bị kỹ lưỡng và cần được hỗ trợ từ coordinator, kèm với đó là phải luôn tự đánh giá bản thân trong quá trình giảng dạy. Và điều quan trọng là họ có sẵn lòng thay đổi hay không, chỉ cần họ muốn thì việc giảng dạy trực tuyến không còn là vấn đề quá khó.

Không chỉ giảng viên, mà các sinh viên cũng vấp phải những rào cản trong quá trình chuyển sang hình thức dạy học này. Học sinh của chị phản hồi như thế nào sau một thời gian thực hành?

Các trường công ở Pháp trong khoảng hai tuần đầu hầu như không có hoạt động giảng dạy. Gần đây thì họ bắt đầu triển khai bằng cách yêu cầu sinh viên đọc bài, vì nhiều sinh viên không có máy tính để tham gia học trực tuyến.

Nhưng với trường tôi thì việc triển khai học trực tuyến lại dễ dàng hơn, vì sinh viên trường tư thường có đầy đủ các thiết bị như máy tính, điện thoại thông minh… Nhưng sinh viên gặp khó khăn trong những khía cạnh khác. Chương trình MBA của tôi có rất nhiều sinh viên là người nước ngoài. Các bạn vừa chân ướt chân ráo sang đến Pháp để dự khai giảng thì hai tuần sau trường đã đóng cửa mất rồi. Vậy nên chúng tôi đã lập thêm một Teams dành cho các sinh viên để thông báo cho họ thứ nhất là hình thức tổ chức dạy học, thứ hai là các chính sách VISA, giấy tờ hành chính. Chúng tôi cũng thông báo thường xuyên cho họ về các thông tin từ Tổng thống và Thủ tướng Pháp. Thi thoảng chúng tôi cũng đăng tải vài mẩu truyện cười để các bạn đỡ căng thẳng, và cả các bài báo hay về thế giới hậu Covid-19 mà chúng tôi thu thập được trên báo chí Quốc tế. Trong ba ngày đầu thì sinh viên có chút hoảng loạn, nhưng giờ thì mọi người đều đã bình tĩnh để bắt đầu tham gia học trực tuyến rồi.

Ngoài ra, các bạn sinh viên nước ngoài còn gặp khó khăn về mặt ngôn ngữ, hầu hết các giảng viên trong chương trình của tôi sẽ bật video lên, đề phòng trường hợp trình độ ngoại ngữ của sinh viên vẫn chưa ổn, họ vẫn có thể nhìn được khuôn miệng của giảng viên để theo kịp bài giảng.

Hằng ngày, sau mỗi tiết học, các bạn coordinator sẽ gửi email đến từng giảng viên và sinh viên để hỏi về trải nghiệm của họ, những khó khăn mà họ gặp phải để kịp thời khắc phục. Sinh viên có chia sẻ là họ cảm thấy độ tương tác không thể được như lúc dạy trên giảng đường, nhưng họ vẫn nhận thấy được nỗ lực của giảng viên trong việc khiến môn học trở nên sinh động hơn, vì vậy họ cũng thông cảm và tham gia hỗ trợ cho giảng viên một cách tích cực. Có một điều thú vị là nhiều sinh viên và giảng viên kể lại rằng sinh viên vẫn đặt câu hỏi một cách bình thường, thậm chí là còn chủ động hơn, bởi vì các bạn không bị xấu hổ như lúc ở trên giảng đường.

Nhìn chung, tôi nhận thấy rằng trong hoàn cảnh mà tất cả mọi người đều đang phải nỗ lực để thay đổi, có một sự đoàn kết và thông cảm cho nhau giữa giảng viên với giảng viên, và giữa giảng viên với sinh viên. Điều đó khiến mọi thứ dễ dàng hơn rất nhiều.

Sau khi đợt dịch kết thúc, chị có dự định gì trong việc áp dụng hình thức dạy học này về sau?

Về lâu dài, tôi không ủng hộ lắm việc dạy qua mạng theo hướng này. Tôi ủng hộ dạy theo kiểu blended learning (phương pháp học tập kết hợp giữa dạy học truyền thống và dạy học E-learning). Với mô hình blended learning này, phần lý thuyết được xây dựng sẵn thông qua nội dung interactive online, video, quiz, bài tập ngắn… Giờ học trên lớp được dành cho việc giải đáp thắc mắc, triển khai các vấn đề chi tiết, áp dụng vào thực hành.

Kết thúc đợt dịch, những gì mà chúng tôi sẽ giữ lại, thứ nhất là những Teams dành cho giảng viên và Teams dành cho sinh viên, như một kênh trao đổi; và thứ hai là những file Excel mà các giảng viên đã xây dựng từ đầu chương trình học. Một file như thế này giúp cho giảng viên cắt nhỏ tiết học, nếu cần chuyển thành học online thì phương pháp giảng dạy cũng không bị thay đổi nhiều, khả năng tập trung của sinh viên vẫn được đảm bảo.

Tôi mong là sau đợt dịch này, các giảng viên khác sẽ nhận ra đây là một phương pháp hữu ích để có thể thiết kế được một bài giảng thu hút. Bởi dù là dạy học bằng hình thức nào, chúng ta cũng cần phải liên tục tự theo dõi và đánh giá trong quá trình thực hành, có như thế thì mới trau dồi được khả năng chuyên môn, và tạo ra được một môi trường học tập thuận lợi và thú vị đối với sinh viên.

Cảm ơn những chia sẻ của chị.