Tuần trước, giữa cuộc bia bọt cuối giờ, giám đốc một doanh nghiệp nghiên cứu thị trường và chính sách công nghệ ở Việt Nam hơn 20 năm qua, đã cười đầy ẩn ý khi tôi nói về niềm tin nho nhỏ ở ‘khởi nghiệp công nghệ’.
Ấn tượng lớn nhất của tôi khi lần đầu tiên đến Singapore, là cảm giác hoảng sợ khi chờ qua đường bởi xe ô tô vèo qua trước mặt mình với tốc độ ‘kinh người’ ngay giữa giao lộ ở trung tâm thành phố.
Hoảng sợ - chính xác là cảm giác của tôi, bởi nếu lỡ bước chân xuống đường lúc đèn đỏ, với ô tô đi chắc không dưới 60 - 70km/h thì chỉ có ‘ đi Văn Điển’. Nhưng tỷ lệ tai nạn ở quốc gia này là thấp nhất thế giới. Lý do nằm ở chỗ, tất cả đều chấp hành nghiêm túc luật lệ. Xe cộ không phải bò trên đường, giảm thiểu thời gian lãng phí vô ích, - cũng là một yếu tố khiến một đất nước đạt đến năng suất và hiệu quả làm việc hàng đầu thế giới. Sự nghiêm minh của luật pháp – hiếm ai dám phạm luật, như ví dụ về giao thông, là yếu tố góp phần khiến người Singapore trong 3 thập kỷ từ một vùng đất thuộc địa nghèo trở thành những người giàu nhất thế giới. Lý Quang Diệu nói như thế; và khi đứng giữa ngã tư trung tâm quốc đảo, tôi hoàn toàn bị thuyết phục bởi lời ông Lý.
Hôm qua một nhà báo hỏi tôi tại sao những doanh nghiệp lớn về công nghệ thông tin … chưa tham gia ý kiến gì khi cả xã hội bàn về dự thảo Luật An ninh mạng.
Vì chiếu theo Điều 26.2.c của dự thảo, nếu bất kỳ dữ liệu cá nhân nào mà lưu ở nước ngoài là phạm luật thì có mấy ai tránh khỏi phạm luật?
Tôi có đang suy diễn và lo lắng thái quá không? Có và không.
Không. Vì Việt Nam không phải là Singapore. Tất cả mọi người có thể phạm luật nhưng cơ bản sẽ không ai bị làm sao. Người đi bộ không đi qua đường đúng chỗ có kẻ vạch là phạm luật đấy. Nhưng hàng triệu người vẫn phạm luật mỗi ngày và về cơ bản vẫn hồn nhiên như không. Hút thuốc ở trường học, bệnh viện là phạm luật đấy, nhưng đã có ai bị phạt hành chính, ngoại trừ lúc “cơ quan chức năng” ra quân.
Và có. Vì Việt Nam là Việt Nam.
Trở lại với các doanh nghiệp công nghệ thông tin. Vì sao họ chưa phản ứng luật? Chẳng lẽ họ nghĩ rằng, họ đứng ngoài luật này chăng?
Trong vòng một tháng qua, tôi đã tham gia, đã nghe 3 hội thảo về Cách mạng công nghiệp 4.0. Gần đây, từ bộ ngành, ban bệ nòng cốt ở trung ương, đến những tỉnh miền núi xa xôi nhất, 4.0 là câu luôn được nhắc đến.
Trong hơn 3 năm qua, tôi đã làm việc cùng, đã từng có niềm tin vào ‘phong trào’ start-up. Nhưng tuần trước, giữa cuộc bia bọt cuối giờ, giám đốc một doanh nghiệp nghiên cứu thị trường và chính sách công nghệ ở Việt Nam hơn 20 năm qua, đã cười đầy ẩn ý khi tôi nói về niềm tin nho nhỏ ở ‘khởi nghiệp công nghệ’.
Google, Facebook, và Amazon thường nói về hệ sinh thái kinh doanh. Trong một hệ sinh thái, cộng sinh để cùng phát triển là triết lý dẫn dắt. Những ‘tinh hoa’, những ‘anh cả’ của ngành công nghệ thông tin đang làm trong hệ sinh thái đó – họ có coi hàng chục triệu người dùng, hàng triệu doanh nghiệp lớn nhỏ khách hàng của họ là cộng sinh lợi ích để cùng xây dựng, cùng bảo vệ?
Sau chút bỡ ngỡ ban đầu ở Singapore, tôi tiếp tục an toàn đi bộ trong vài hôm ở đó. Tôi qua cửa làm thủ tục hải quan trong khoảng hơn 30 giây một chút, giơ trang đầu tấm hộ chiếu vào một máy scan, và cửa tự động mở. Cán bộ thông quan không động đến hộ chiếu của tôi mà chỉ đứng cười thân thiện. Và về đến Nội Bài, tôi mất 20 phút để xếp hàng chờ; chắc khoảng hơn 3 phút để chờ anh cán bộ hờ hững xăm soi và đóng dấu vào tấm hộ chiếu của tôi. Nếu tôi mà khởi nghiệp, tôi cũng sẽ sang Singapore.