Người đi làm thời 4.0 nếu không còn muốn ràng buộc hoặc bị quản lý thì có thể làm việc
với các ông chủ "ảo" như Uber, Grab. Ảnh: Los Angeles Times.
Việc làm phi truyền thống (GIG) - độc lập, tùy ý, nhiều rủi ro, ít ràng buộc, nhiều yếu tố công nghệ - đã có mặt ở Việt Nam được một thời gian, song song với xu hướng khởi nghiệp (start-up). Nó đối lập với việc làm truyền thống (JOB) - làm công ăn lương, ít rủi ro nhưng bị ràng buộc bởi nghĩa vụ, trách nhiệm, quy trình - vốn là tấm vé đảm bảo "an ninh" việc làm cho mỗi người lao động.
Thay vì ký hợp đồng toàn thời gian và dành hết 8-9 tiếng tại văn phòng hay cơ sở sản xuất, người đi làm thời 4.0 có thể cài ứng dụng Upwork, nhận một công việc thiết kế, lập trình, v.v. từ Mỹ nhưng vẫn ngồi tại Việt Nam và làm việc bất kỳ thời gian nào mình muốn với các điều kiện trả công được thực hiện ngay trên ứng dụng. Nếu không thích làm công nhân lao động tại các nhà máy sản xuất, bất kỳ ai cũng có thể trở thành tài xế Uber hoặc một người bán hàng tự do trên Facebook, Ebay, Amazon, v.v.
Đây là loại hình GIG mà đến năm 2020 sẽ có hơn 40% người đi làm trên thế giới lựa chọn để thay thế hoặc hỗ trợ công việc truyền thống đang có....đây cũng là cách thức khiến cho hơn 800 triệu việc làm không mất đi mà được chuyển đổi sang dạng thức khác đã được Mckinsey dự báo đến 2030.
Gần một tỉ người này chọn GIG thường vì họ mệt mỏi với các quy định chính sách, yêu cầu hành chính phức tạp, quan liêu, thiếu minh bạch công băng. Nhưng cũng không ít muốn làm chủ thời gian, cơ hội và sự nghiệp của mình, không khác lắm với các freelancer, các chủ doanh nghiệp tự thân truyền thống, nhưng với những công cụ làm việc hiện đại hơn, thông minh hơn, v.v. do 4.0 mang lại.
Như vậy 4.0 đang và sẽ tạo cơ hội hay tạo thêm quyền tự do lựa chọn loại hình việc làm cho rất nhiều người lao động, trong đó có những người lao động Việt Nam. Với sự linh hoạt của thị trường lao động, sự hỗ trợ hiệu quả của chế tài pháp luật, kèm theo lợi thế của kẻ đi sau các thị trường tiên tiến (ví dụ trong việc giảm thiểu các rủi ro tiêu cực của nền kinh tế GIG), cuộc cách mạng 4.0 hoàn toàn có thể giúp được hàng triệu người đi làm khác nhau đạt được những mong muốn rất khác nhau của họ.
Việc làm phi truyền thống kéo theo việc hình thành các mối quan hệ làm việc phi truyền thống. Theo đó người đi làm thời 4.0 nếu không còn muốn ràng buộc hoặc bị quản lý bởi những người sử dụng lao động thiếu tầm nhìn đối với vốn con người, thiếu năng lực quản trị doanh nghiệp, quản lý lao cảm tính, hay vi phạm các điều kiện lao động đã cam kết như trả lương thiếu, muộn, không tạo cơ hội phát triển v.v. thì có thể làm việc với các ông chủ "ảo" như Uber, Grab, hay tự trở thành ông chủ tự thân với Amazon, Facebook, Upwork, Fiverr, v.v..để giao kết một hợp đồng làm việc chỉ bằng một cú click chuột.
Với mối quan hệ việc làm công nghệ này, mô tả công việc, đánh giá năng lực, thù lao, sản phẩm đầu ra cụ thể được ghi nhận bằng các thuật toán đơn giản khiến hai bên đàm phán, thương lượng, giao kết, điều chỉnh, v.v. một cách chính xác và ít sai sót hơn hàng chục lần so với thỏa thuận thông thường.
Anh tài xế Uber hay Grab có thể "chốt" giá ngay khi nhận được lệnh đặt xe của khách, chạy xe sau 20 phút thì biết chắc mình sẽ kiếm được hơn 200,000VND từ cuốc xe đã chốt ngay trên ứng dụng. Cậu sinh viên giỏi công nghệ sau 2 giờ thiết kế đồ họa trên Upwork hay Fiverr sẽ nhận được 40USD, thậm chí 20USD trả trước chỉ trong tích tắc. Cũng trong cùng những thời điểm đó, các ông chủ ảo như Uber hay nhà môi giới như Fiverr đã nghe thấy tiếng "keng" của lênh chuyển tiền thành công vào tài khoản của mình. Đồng thời họ cũng giảm được một khoản chi phí giao dịch, thực thi hợp đồng, xử lý tranh chấp rất lớn do cách quản lý và làm việc cảm tính của con người mang lại. Năng suất làm việc tăng, hiệu quả kinh doanh được đo lường và dự báo nhanh là yếu tố tăng trưởng cốt lõi của những người sử dụng lao động thời 4.0.
Đây là những điểm khác cơ bản với mối quan hệ việc làm truyền thống, khi mà những hợp đồng lao động chỉ được ràng buộc và tôn trọng dựa vào vị thế đàm phán của mỗi bên trong từng thời điểm. Chi phí tăng đột biến khi sản xuất mở rộng mà không kịp đầu tư vào hệ thống quản trị khiến nhiều chủ doanh nghiệp làm "ẩu", cắt lương, tăng giờ làm, cung cấp điều kiện làm việc quá dưới chuẩn, v.v. khiến hàng ngàn công nhân đình công, mất đơn hàng, và cuối cùng vẫn phải nhượng bộ vì không thể tuyển dụng trong ngày cùng một lúc hàng ngàn người lao động. Ở một bức tranh khác, nhân viên được định nghĩa là "zombie" hết vật vờ trong văn phòng lại lên facebook chát chít khiến quản lý lao đao, dự án không thể chạy, mặc dù phần nhiều cũng do quản trị hệ thống và nhân lực kém. Những bức tranh ảm đạm này kéo theo chi phí khủng không tên, năng lượng làm việc thấp, lợi nhuận suy giảm v.v. chính là lý do để những mối quan hệ, những hợp đồng phi truyền thống thời 4.0 xuất hiện và thay thế.
Dĩ nhiên câu chuyện Uber Grab với mối quan hệ nửa việc làm nửa "đối tác kinh doanh" vẫn còn ẩn chứa nhiều nội dung phức tạp. Ví dụ lái xe không được quyết định cơ chế giá cả và thu nhập của mình, nhưng không có bảo hiểm xã hội, xe cộ, tai nạn, thất nghiệp hoặc phải tự chịu tất cả các chi phí này khi khi tham gia Uber. Tại Châu Âu, tòa án tối cao đã đưa ra phán quyết Uber là hãng xe taxi một phần vì lý do này. Tại một số bang của Mỹ, Uber phải đàm phán với công đoàn về cơ chế thu nhập và điều kiện làm việc của tài xế. Tuy nhiên ở Việt Nam, nếu nói rằng việc làm GIG rủi ro hơn việc làm truyền thống thì cũng chưa hoàn toàn thuyết phục. Hàng triệu người đi làm trông mong vào tiền lương và bảo hiểm nhưng lương bị cắt xén, lên xuống bất ổn và bảo hiểm thì rủi ro về cơ chế và thời gian hưởng lợi trong lâu dài.
Tương tự nếu Uber hay Grab phải trở thành taxi truyền thống để theo kịp với Châu Âu về bảo vệ nhân quyền mà người lao động Việt mất đi cơ hội việc làm công nghệ do Việt Nam chưa có đối thủ của Uber như Didi thì bài toán thị trường lao động trong cuộc cách mạng 4.0 tại Việt nam sẽ mất đi nhiều mảnh ghép. Nếu các nhà hoạch định chính sách về việc làm có thể tận dụng lợi thế của kẻ đi sau để nghiên cứu sâu đặc điểm của các nền kinh tế đi trước và so sánh thấu đáo với bối cảnh thực tế Việt Nam thì bức tranh thị trường lao động thời 4.0 của Việt Nam mới có thể được nhìn toàn cảnh.
(
Còn tiếp: "
Việc làm trong CMCN 4.0: Tăng hiệu suất mà chưa cần robot" )