Hệ thống dữ liệu y tế lỗi thời đang gây khó khăn cho các nhà dịch tễ học Mỹ muốn thu thập dữ liệu để nghiên cứu và tham vấn cho chính quyền.

Tình hình Covid-19 ở Hàn Quốc vừa xấu đi trong tháng này khi dịch bùng phát từ một nhà thờ lớn ở Seoul. Chính phủ Hàn Quốc đã khôi phục các biện pháp cách ly trong thành phố để ngăn chặn lây nhiễm, đồng thời báo cáo chi tiết về đợt bùng phát một cách công khai. Có thể tìm thấy thông tin về việc 120 người bị nhiễm tại nhà thờ đã lây bệnh ra cộng đồng tại 22 địa điểm, bao gồm 4 trung tâm cuộc gọi và 3 bệnh viện ở Seoul.

Hầu như mỗi ngày trong bảy tháng qua, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hàn Quốc đều cập nhật trang web, cung cấp thông tin gần như theo thời gian thực về các đợt bùng phát dịch bệnh tại địa phương. Trang web cũng báo cáo một số số liệu thống kê liên quan đến COVID-19 ở các khu vực của đất nước.

Các bảng dữ liệu của Singapore và New Zealand cũng cung cấp các dữ liệu tương tự Hàn Quốc. Điều này giúp các nhà hoạch định chính sách và người dân xác định hành vi hợp lý, giảm thiểu rủi ro, và cung cấp nhiều dữ liệu cho giới nghiên cứu.

Ngược lại, Mỹ cung cấp rất ít thông tin chi tiết về cách dịch bệnh lây lan, ngay cả khi người dân ra ngoài và giao tiếp xã hội nhiều hơn, và chính quyền mở cửa lại các trường học và doanh nghiệp. Tình trạng này gây khó cho các nhà nghiên cứu dữ liệu - những người muốn giúp chính quyền đưa ra quyết định có thể cứu sống nhiều mạng người.

Một nhân viên y tế kiểm tra dữ liệu trên máy tính trước khi điều trị cho một người bị nhiễm COVID-19 vào tháng 4 tại Trung tâm Y tế Các vấn đề Cựu chiến binh ở Thành phố New York.

Trễ và thiếu

Mặc dù thông tin không phải là công cụ duy nhất có thể dùng để chống đại dịch, nhưng mối quan tâm của Hàn Quốc đối với dữ liệu tương ứng với thành công chung của họ trong việc kiểm soát dịch bệnh: nước này có khoảng 3,5 ca nhiễm trên 10.000 người và chỉ có khoảng 2 ca tử vong do COVID-19 mỗi tuần trong tháng qua. Trong khi đó, Mỹ có 175 ca nhiễm trên 10.000 người, và khoảng 7.000 ca tử vong mỗi tuần trong tháng qua.

Hàn Quốc nắm được thông tin nhờ mạng lưới các trung tâm y tế công cộng ở 250 quận liên tục cập nhật về Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh.

Sung-il Cho, nhà dịch tễ học tại Đại học Quốc gia Seoul, cho rằng thành công của hệ thống là do sự tập trung quyền lực - cùng với việc nhanh chóng tuyển dụng các nhà dịch tễ học làm việc tạm thời để đáp ứng nhu cầu trong đại dịch COVID-19. Các nhà khoa học này đã giúp dẫn dắt các cuộc điều tra truy vết, tạo ra các chi tiết ngắn gọn, rõ ràng và ẩn danh, chẳng hạn như những thông tin về đợt bùng phát tại Nhà thờ Sarang Jeil ở Seoul.

Mỹ không theo đuổi việc truy vết tiếp xúc đối với COVID-19 ở mức độ như Hàn Quốc, nhưng việc giám sát dịch bệnh của nước này cũng xuất phát từ các sở y tế địa phương lên đến cấp liên bang. Trong nhiều năm, đây là hệ thống được Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC) sử dụng để theo dõi sự lây lan của các dịch bệnh, chẳng hạn như sự gia tăng các trường hợp nhiễm vi khuẩn Salmonella, và cũng để truy vết nguồn lây. Tuy nhiên, hệ thống đó đã trục trặc ở nhiều cấp độ trong đại dịch COVID. Kết quả là rất nhiều dữ liệu, chẳng hạn như thông tin về nơi người dân phơi nhiễm với virus corona, bị thiếu. Và các dữ liệu đã có cũng chỉ được công khai rất chậm.

Hệ thống lỗi thời

CDC và bốn sở y tế khác của Mỹ khước từ nói chuyện vớiNaturevề cách họ quản lý dữ liệu COVID-19. Tuy nhiên, các cựu nhân viên và các nhà nghiên cứu cộng tác với họ đã đưa ra các một số suy đoán.

Đó là, vì đại dịch này có tính chất chính trị, nên dữ liệu mô tả tình hình được các quan chức trong chính quyền của Tổng thống Donald Trump bảo vệ chặt chẽ.

Các nhà nghiên cứu nói rằng các cuộc điều tra được công bố trên Morbidity and Mortality Weekly Reports (số ca nhiễm và tử vong hàng tuần) của CDC rất kỹ lưỡng, nhưng được công bố quá chậm để có thể tác động thực tế. Ví dụ, vào ngày 31/7, CDC báo cáo 260 nhân viên và trẻ em tại một trại hè ở Georgia đã bị nhiễm bệnh từ hơn một tháng trước đó. Samuel Groseclose, chuyên gia y tế công cộng đã nghỉ hưu ở CDC từ năm 2018, cho rằng các báo cáo đang bị kiểm duyệt nhiều bất thường trong CDC và có lẽ là cả trong cơ quan chủ quản của nó là Bộ Y tế và Dịch vụ Nhân sinh Hoa Kỳ (HHS).

Các nhà nghiên cứu nhận xét, CDC đã bị cho ra rìa khỏi hệ thống dữ liệu vào tháng 7 khi chính quyền Trump thông báo rằng dữ liệu về các trường hợp COVID-19 và các trường hợp nhập viện sẽ được xử lý bởi một hệ thống mới tại HHS, và người đứng đầu hệ thống báo cáo trực tiếp cho Tổng thống. Cho đến nay, bảng dữ liệu của HHS chậm hơn thời gian thực một tuần trong việc báo cáo và chỉ bao gồm thông tin về số ca bệnh và sức chứa bệnh viện mà không có các chi tiết như vị trí của các cụm bùng phát. Người phát ngôn của HHS nói rằng hệ thống mới tập hợp các báo cáo từ 6.000 bệnh viện trong nước.

Nhưng Georges Benjamin, giám đốc điều hành của Hiệp hội Y tế Công cộng Hoa Kỳ (APHA) ở Washington DC, bình luận, việc thu thập dữ liệu thêm khó khăn khi bị chuyển vai trò từ CDC sang HHS. Ông cho biết, một số quản lý bệnh viện hiện đang bối rối không biết phải báo cáo cho cơ quan nào. Ông cũng thất vọng vì 10 triệu USD chi cho hệ thống của HHS đáng nhẽ đã có thể dùng để cải thiện việc quản lý dữ liệu y tế công cộng tại CDC và tại các sở y tế bang mà CDC cộng tác trên toàn quốc. Hệ thống lỗi thời này đã bị oằn mình dưới áp lực của 5,7 triệu ca COVID-19 ở Mỹ.

Benjamin lưu ý , nhiều cơ quan y tế hiện vẫn chia sẻ dữ liệu bằng... fax, tốn nhiều thời gian hơn so với các phương pháp kỹ thuật số. Họ cũng quá tải và không có đủ thời gian để phân tích dữ liệu. APHA và các tổ chức khoa học khác từ lâu đã kêu gọi các nguồn lực để cải thiện việc giám sát dữ liệu trong hệ thống y tế công cộng của Mỹ. Trong một báo cáo được công bố vào tháng 9 năm ngoái, các nhà dịch tễ học sức khỏe cộng đồng đã mô tả hệ thống hiện tại là tồi tệ, chậm chạp, thủ công và dựa trên giấy tờ.

“Chúng tôi đã xin tiền trong nhiều năm để xây dựng một xa lộ thông tin vững chắc, đảm bảo thu thập dữ liệu nhanh chóng và chia sẻ với những người cần một cách kịp thời," Benjamin nói. "Nhưng chúng tôi chưa bao giờ có được những gì chúng tôi cần."

Nguồn: