Startup trong mùa dịch được phân hóa thành hai nhóm: hoặc là chết, hoặc là đi rất xa.

Ví dụ điển hình chính là Zoom - ứng dụng làm việc trực tuyến có trụ sở tại Mỹ. Từ một công ty thường thường bậc trung, Covid-19 đã khiến giá trị vốn hóa thị trường của công ty này tăng vọt lên gần 49 tỉ USD, vượt qua giá trị vốn hóa của bảy hãng hàng không lớn nhất thế giới cộng lại. Điều này khiến nhiều người tin rằng, áp lực của Covid-19 sẽ tạo ra lứa startup mới với những sản phẩm chưa từng tồn tại để phục vụ mọi thay đổi thế giới.

Giới thiệu sản phẩm trong Vietnam Startup day 2019. Ảnh: BTC
Giới thiệu sản phẩm trong Vietnam Startup day 2019. Ảnh: BTC

Đây là nhận định được Founder/CTO của GotIt! Hùng Trần chia sẻ từ nước Mỹ trong webinar ‘Covid-19: Nhật thực không báo trước dành cho startup”.

Giới khởi nghiệp gọi Covid-19 là “thiên nga đen”. Theo khảo sát từ tổ chức Startup Genome, có khoảng 74% startup tại 45 quốc gia buộc phải sa thải nhân viên toàn thời gian do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Phần lớn các startup chỉ còn đủ vốn duy trì vài tháng trong khi gần như “tắt hy vọng” về việc huy động được thêm vốn trong ngắn hạn. Dù nước Nga đã tuyên bố có Vaccine nhưng không ai biết đến khi nào Covid-19 mới thực sự chấm dứt? Liệu rằng, sau bóng tối có phải là bình mình?

Sự xuất hiện của những làn sóng mới

Là một trong những startup có founder là người Việt đình đám trên thế giới, GotIt! không nằm ngoài ảnh hưởng của đại dịch, dù rằng sản phẩm khá tương thích với thời đại “giãn cách”: ứng dụng giáo dục giúp người dùng tìm lời giải đáp, hướng dẫn cho các bài tập qua smartphone. Thừa nhận được hưởng lợi từ dịch, khi lượng user tăng lên nhiều lần, có lúc tăng gấp năm lần nhưng anh Hùng Trần cũng tiết lộ, thực tế doanh thu không thay đổi nhiều. Nguyên nhân là bởi, GotIt! triển khai các chương trình khuyến mãi hỗ trợ người dùng trong thời gian đại dịch. Trong khi đó, do chuyển mô hình bán hàng từ B2C sang B2B, nhiều đối tác của GotIt! chuyển sang chế độ thắt lưng buộc bụng, đã ảnh hưởng không nhỏ đến việc bán hàng.

“Với phương châm “Hope for the best, plan for the worst” - Hi vọng cho điều tốt đẹp nhất, nhưng hãy chuẩn bị tinh thần vì những điều tồi tệ nhất, GotIt! đã đi kêu gọi thêm vốn đầu tư để có kinh phí dự trù cho kịch bản xấu nhất, như công ty không có doanh thu. GotIt! xác định đây là giai đoạn phải sống sót bằng mọi giá, bởi còn sống thì còn có cơ hội làm lại” – anh Hùng Trần nói.

Có suy nghĩ giống founder của GotIt!, chị Lê Hàn Tuệ Lâm – Giám đốc điều hành của quỹ đầu tư Nextrans Việt Nam chia sẻ góc nhìn của quỹ đầu tư (VC): “Không chỉ với riêng startup, các VC cũng có mục tiêu phải sống sót trong giai đoạn này. Dịch bệnh khiến nhiều VC phải dừng cuộc chơi vì không còn tiền và các startup trong danh mục đầu tư chịu ảnh hưởng nặng nề. Để làm được điều này, VC phải vực dậy danh mục đầu tư và nghiên cứu các diễn biến của nền kinh tế để tìm kiếm ngành đầu tư có khả năng mang lại lợi nhuận cao nhất”.

Thực tế, những startup đốt tiền đổi lấy tăng trưởng đã không còn là ‘khẩu vị’ ưa thích của cả VC, bởi giờ đây, tiền cũng đã cạn. Chính các VC cũng phải đi kêu gọi từ các quỹ lớn hơn hoặc nhà đầu tư, ngân hàng. Trong tương lai, doanh nghiệp có khả năng sinh ra lợi nhuận, ổn định dài hạn sẽ là mục tiêu mà VC nhắm tới. Theo chị Tuệ Lâm, “đây là bước dịch chuyển đáng kể nhất có thể nhìn thấy từ các VC dưới ảnh hưởng của đại dịch”.

Ở một góc nhìn lạc quan hơn, anh Hùng Trần cho rằng, có hai điểm sáng có thể nhìn thấy từ đại dịch mà trước hết là “những dữ liệu, bài học mà chúng ta có được để sống sót qua đại dịch sẽ giúp đưa ra các mô hình kinh doanh mới và mang đến cho nền kinh tế thế giới bức tranh tươi sáng hơn”.

Những startup không tương thích với thị trường đã bị hạ gục nhưng startup có thể vượt qua khủng hoảng sẽ đi rất xa, bởi đã chứng minh được “sự cần thiết với thị trường”. Cùng với đó, Covid-19 sẽ tạo ra cơ hội mới cho những lĩnh vực, ngành nghề mới chưa từng xuất hiện trên thế giới.

Ngoài ra, “giãn cách xã hội” kéo dài khiến các công ty công nghệ đều phải làm việc từ xa, kéo dài nhiều tháng liền. Chỉ một bộ phận nhỏ cần đến văn phòng làm việc, còn lại đều có thể làm việc ở nhà. Thậm chí, Google, Facebook đã ra thông báo cho nhân viên ở nhà làm việc tới hết tháng 6/2021. Điều này vô hình trung khiến lãnh đạo các công ty bắt đầu xây dựng mô hình mới về quản trị nhân lực để làm việc từ xa vẫn đảm bảo hiệu quả công việc lại giúp tiết kiệm thời gian và công sức. Anh Hùng cho rằng: “Giữa bức tranh u tối của đại dịch thì đây là điểm sáng có thể nhìn thấy”.

Chuẩn bị gì cho cuộc suy thoái phía trước?

Nhưng trước khi nói đến câu chuyện thế giới sau đại dịch thì cách đối mặt với những cuộc suy thoái tương tự như Covid-19 diễn ra cũng là điều cần bàn đến. Với nhiều năm kinh nghiệm trong việc đầu tư vào startup, chị Tuệ Lâm cho rằng, có hai nguyên tắc cần đảm bảo. Một là chuẩn bị càng nhiều tiền mặt càng tốt, để đảm bảo việc sống sót qua thời kỳ tồi tệ công ty không có doanh thu, nhà đầu tư không rót thêm tiền. ‘Trong tất cả các cơn suy thoái, ‘cash is king’ – tiền mặt vẫn là vua’ – chị Tuệ Lâm nhấn mạnh. Hai là trong nguy luôn có cơ, thách thức cũng là cơ hội cho những ai tập trung vào việc giải quyết bài toán thiết yếu của thị trường.

“Trong thư gửi tới các công ty trong danh mục đầu tư, từ khóa mà Nextrans Việt Nam dành cho các founder là tập trung vào sản phẩm, nếu có thể mang đến cho khách hàng sản phẩm đủ tốt, chúng ta hoàn toàn có cơ hội sống sót” – chị Tuệ Lâm tiết lộ.

Đồng tình với ý kiến này, founder của GotIt! cho biết, tháng năm vừa qua, anh và một vài cộng sự đã triển khai một startup về big data và AI phục vụ thị trường Đông Nam Á. Tuy nhiên, chỉ khi nào có khách hàng đầu tiên, startup này mới thành lập công ty vì cần có tư cách pháp nhân để ký hợp đồng thu tiền của khách. Anh Hùng thừa nhận “mô hình kinh doanh này khá cực đoan nhưng là cần thiết trong giai đoạn khó khăn”. Đồng thời, nó cũng là sự thử nghiệm sản phẩm có phải điều khách hàng thực sự cần và sẵn sàng trả tiền không?

“Cần phải mang tới những sản phẩm như thuốc trị sốt, giảm đau – nhất định phải có chứ đừng như vitamin, có cũng được không có cũng được. Đây sẽ là mô hình cho startup trong thời gian tới” – anh Hùng tiết lộ.

Covid-19 đã làm cho các bài toán của thị trường trở nên rõ ràng hơn bao giờ hết. Như trước kia, việc học online luôn có nhiều ý kiến trái chiều thì giờ đây, nó đã chứng minh được hiệu quả trước những ‘éo le’ của thực tế. Trong nguy luôn có cơ và người khởi nghiệp thật sự sẽ nhìn thấy được bài toán của thị trường để xây dựng sản phẩm mới.

“Đây chính là vẻ đẹp của khởi nghiệp sáng tạo – luôn tìm được cơ hội trong nguy hiểm. Những điều hay ho có thể thay đổi thế giới chắc sẽ sớm xuất hiện thôi, dù ở thời điểm này, chưa ai biết nó là cái gì” – anh Hùng quả quyết.